Em chồng, em bắt nạt sai người rồi!

30/08/2018 - 18:00

PNO - Ngày về nhà chồng, cô em đáng quý của anh không gọi tôi là chị mà toàn nói trỏng không. Tôi quyết tâm chấn chỉnh dẫu có mặt ba mẹ chồng khiến ông bà cũng tâm phục khẩu phục.

Tôi có cha mẹ chồng hiền lành dễ thương bao nhiêu thì lại gặp ngay “quả em chồng” khó chịu bấy nhiêu. Hơn tôi những hai tuổi, nhưng em thất nghiệp, ở nhà ăn bám bố mẹ suốt 3 năm trời. Thời gian đầu, em cũng đi làm mấy việc bán hàng linh tinh, nhưng toàn đầu óc trên mây, hết lộn hàng, lại mất giấy tờ hóa đơn nên bị đuổi. Ba mẹ chồng tôi cũng nhức đầu, muốn tìm mối nào đó gả đi cho xong, nhưng cô chẳng có ý định lấy chồng, sống theo kiểu rất phóng túng, chỉ hẹn hò chứ không cưới. Bởi cô sợ khoản… làm dâu nhà người ta.

Nhà có một cô em chồng như thế nên tôi mệt mỏi không ít. Cha mẹ chồng thì đã già yếu, có muốn quản cũng chẳng được. Chồng tôi lại yêu thương em gái nhất mực, nên trong nhà, nhìn đi nhìn lại chỉ có mình tôi khổ ải với cô em ấy.

Em chong, em bat nat sai nguoi roi!
Em chồng tôi vừa lười biếng, lại hỗn hào - Ảnh minh họa

Vì hay đi chơi, nên tiền tiêu xài cô em cứ hết liên tục. Hết tiền là lại nghiễm nhiên xòe tay xin anh trai, xin ba mẹ. Mà cũng lạ, cả gia đình chồng tôi đều coi đó là việc bình thường. Có lần tôi phàn nàn thì anh trách tôi ích kỷ, cho em gái được bao nhiêu mà cứ phải than thở mãi. Nhưng anh nào có biết, nếu chỉ mỗi khoản lương 10 triệu hàng tháng của anh, làm sao nuôi đủ cả nhà. Tôi vừa đi làm vừa tranh thủ lấy hàng bán online phụ lo cùng anh mà còn thiếu trước hụt sau. Nếu cô ấy có thể tự lập một chút, có phải đỡ hơn không, anh cũng dư giả chút út để dành lo cho con, cho ba mẹ khi cần chứ.

Một trong những lý do khiến tôi rất khó chịu với em chồng là ở thái độ, cách cư xử vô lễ. Vì tôi nhỏ hơn em hai tuổi, nên ngay từ khi về làm dâu, em đã không gọi tôi là chị. Có gì thì cũng nói trỏng không. Có lần nhà hết nước lau sàn, cô nói rõ to: “Hết nước lau nhà rồi đấy, mai lo mua đi”.

Tôi giận lắm, nhưng nén vào lòng cho êm cửa êm nhà. Một hai lần không sao, nhiều lần như thế, tôi kìm chẳng nổi. Hôm thì vừa đi làm về, đang mệt mỏi thì chớ, bước chân vào nhà đã nghe vài câu kiểu: “Có giấy báo tiền điện rồi đấy”, “Nhà hết gạo”, “Ba đang bệnh, ra đầu ngõ mua thuốc”…

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi uất lên tới tận cổ. Từ đó, tôi bấm bụng bảo: “Em gái, em bắt nạt sai người rồi. Dù em có là giặc ngô hay giặc khoai thì chị cũng sẽ cho vào nồi luộc tất”.

Em chong, em bat nat sai nguoi roi!
Tôi từng rất đau đầu với bà "giặc bên Ngô" này - Ảnh minh họa

Từ đó, tôi kiên quyết chấn chỉnh. Một bữa đang trong bữa cơm, em lại nói trỏng như thường ngày. Mọi lần, tôi im luôn cho qua nhưng hôm đó, tôi đã nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt em, mặc kệ sự có mặt của ba mẹ chồng: “Chị về làm dâu đã 2 năm, dù gì cũng đã là vợ của anh trai em, là chị dâu của em, tại sao em cứ nói trỏng không? Trước nay chị nhịn vì nghĩ em cần thời gian học hỏi. Nhưng nay nhà có cháu nhỏ, em cần biết lễ phép ý tứ để cháu còn học hỏi theo cái tốt của em”.

Khỏi nói cô em chồng bất ngờ thế nào. Bố mẹ chồng tôi cũng sượng sùng, quay ra trách con gái: “Chị con nói phải đấy, con cũng tập ăn nói cho từ tốn lễ phép, học nói câu cú cho đàng hoàng đi”.

Sau bữa cơm đông đủ hôm ấy, em chồng ghét tôi ra mặt. Nhưng không thể phủ nhận, cô ta đã thay đổi cách xưng hô vì sợ bố mẹ chồng tôi trách, giận. Mà ông bà trách giận thì cô ả chẳng thể xin tiền. Thế nên, cô nín nhịn gọi tôi là chị.

Về chuyện tài chính, tôi bàn với chồng mở một tài khoản tiết kiệm cho con. Tháng nào cũng đều đặn phải bỏ vào chừng đó tiền để dành cho con gái. Tất nhiên với lý do chính đáng như vậy, chồng tôi hoàn toàn đồng ý. Vì thế, anh chẳng còn nhiều tiền mặt trong bóp. Có lần, cô ả thủ thỉ xin chồng tôi đúng lúc anh đang bực mình chuyện công việc, anh nói cho một tràng: “Cô làm gì mà xài nhanh hết tiền thế. Bao giờ cô đi làm lại, chẳng lẽ cứ ở nhà ăn chơi miết thế hả”.

Vì bị la, cô em tự ái, không thèm xin tiền chồng tôi nữa nhưng quay qua hỏi mượn  tôi. Trước kia tôi ngại nên cho mượn hết, dù hiếm khi cô trả lại. Còn bây giờ, tôi nói thẳng là khoản cũ cô chưa gửi trả chị, hơn nữa dạo này chị làm ăn kém, không dư nhiều. Hay là cô phụ chị bán online, siêng năng thì cũng đủ thoải mái tiêu xài. Cô chần chừ suy nghĩ.

Những hôm cô ả đi chơi đêm về trễ, tôi gọi chồng dậy, cho anh tự ra mở cửa đón em gái vào nhà. Anh dậy được chừng 3 đêm như thế thì nổi quạu, mắng cô ham chơi, phiền người khác, thậm chí, anh còn mách ba mẹ.

Em chong, em bat nat sai nguoi roi!
Dù thế nào, tôi cũng quyết dạy cho em chồng vài bài học - Ảnh minh họa

Ngoài ra, tôi cũng chịu khó cư xử nhẹ nhàng, tình cảm với cô em ấy hơn. Có lần, tôi còn khen ngợi, khuyến khích cô nàng trước mặt cả gia đình hoặc lâu lâu mua tặng vài món mỹ phẩm nho nhỏ.

Cứ thế, em chồng cũng bớt ác cảm với tôi hơn, lại bắt đầu chủ động phụ tôi việc nhà, và phụ tôi bán hàng qua mạng. Mâu thuẫn vì thế mà cũng bớt dần. Tiền tiết kiệm cho con của cả hai vợ chồng tôi tăng lên thấy rõ, chồng tôi nhìn thấy thành quả, càng cảm phục vợ. Nhà cửa ấm êm hơn, chính bản thân tôi cũng không còn stress vì nhịn em chồng như nhịn cơm sống nữa.

Tôi hiểu rằng không phải mình cứ kiềm chế là yên ổn, hãy cứ thẳng tính, nghiêm túc và khéo léo thì những cô em chồng cũng sẽ phải “chín mềm” mà ngoan ngoãn hơn.

Ngọc.M (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI