Đừng mất cảnh giác với COVID-19

01/07/2020 - 09:14

PNO - WHO cảnh báo, COVID-19 chưa thể kết thúc sớm như người ta tưởng.

Hồi giữa tháng Sáu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nháo nhào về nguồn gốc ổ dịch COVID-19 mới ở Bắc Kinh. Dù vẫn không chắc chắn, nhưng WHO đã ra sức kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ kết quả giải mã trình tự gen của chủng vi-rút corona gây ra ổ dịch mới này.

Thói quen đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay từ “cột mốc” COVID-19 dường như đang bị xao nhãng cho đến khi chúng ta bị “giật mình” với bệnh nhân thứ 326 và nguy cơ từ cộng đồng cư dân tại chung cư Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Rất may, thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 30/6 cho hay, tất cả mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc vi-rút của bệnh nhân 326 và cư dân tầng 12, lô D của chung cư trên đều âm tính.

Bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành tháng 3/2020
Bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành tháng 3/2020

Các sự kiện trên chính là những diễn biến hết sức khó lường của một đại dịch được xác định vẫn đang tiếp diễn trên phạm vi toàn cầu. WHO cảnh báo, COVID-19 chưa thể kết thúc sớm như người ta tưởng, khi số ca tử vong đã vượt ngưỡng nửa triệu người và các ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh tại châu Mỹ. Đến nay, số ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt 10 triệu người. Một số quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, bất chấp các tác động nặng nề về kinh tế.

Ngành y tế Việt Nam đề nghị người dân không quá lo lắng, hoang mang vì trước đây cũng có nhiều trường hợp xuất viện rồi dương tính yếu với corona nhưng không có khả năng lây lan. Nhưng, người dân vẫn được khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống COVID-19 trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thành công của Việt Nam trong “cuộc chiến” chống COVID-19 được đánh giá là một điển hình về cách mà một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên dỡ bỏ hầu như tất cả các biện pháp ngăn chặn trong nước. Và, những cái còn lại kể từ “hậu COVID-19” chính là thói quen tốt như luôn có chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay mỗi khi ra đường. Đồng thời, sẽ không quá thừa nếu mỗi người vẫn tiếp tục hạn chế đến nơi đông người.

Ngay từ đầu đại dịch, Việt Nam được cả thế giới dự báo sẽ là một ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc do có chung đường biên giới khá dài và giao thương rộng lớn với đại lục. Việt Nam cũng bị đánh giá có nhiều đô thị tập trung đông dân và cơ sở hạ tầng y tế hạn chế. Các yếu tố đó luôn được cho là miếng mồi ngon của vi-rút và nó vẫn là các yếu tố hiện hữu trong điều kiện bình thường mới. Chỉ cần một chút chủ quan, lơ là, toàn bộ chiến lược ngăn chặn tuyệt vời lâu nay sẽ bỗng chốc đổ sông, đổ biển.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra” và kêu gọi thế giới cần chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài chống đại dịch trong tinh thần đoàn kết, kiên cường, kiên nhẫn, nhân ái và bao dung. WHO nhấn mạnh việc truy dấu tiếp xúc những người nhiễm bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 và không có lý do nào có thể biện hộ cho các quốc gia không làm được điều này. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI