Đừng để chuyện quà Tết làm mất lòng chị em dâu

20/01/2023 - 07:22

PNO - Thay vì "cạnh tranh" mệt mỏi với em dâu, cháu có thể bàn bạc với em để thống nhất ai mang gì về biếu bố mẹ

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu là con dâu lớn. Chồng cháu còn có một em trai và một em gái, cũng đều lập gia đình cả rồi. Bốn năm nay, cứ Tết đến, cháu thường căng thẳng nhất là chuyện tặng quà Tết cho bố mẹ chồng. Quà không những phải "coi sao được" mà còn phải khá hơn em dâu. Vì dù sao cháu cũng là dâu trưởng. Để bố mẹ chồng so sánh rồi coi thường thì khó chịu lắm.

Gói quà thì phải cao cấp và toàn hàng xịn. Phong bì cho bố mẹ mua sắm Tết phải 10 triệu trở lên. Thế mà nhiều lúc vẫn còn hồi hộp, có khi còn phải nhờ chồng dò hỏi em chồng xem năm nay nhà cô chú ấy biếu gì cho bố mẹ chồng. Là bởi vì nhà em dâu cháu khá giả, cô ấy có điều kiện để mua sắm sang trọng hơn cháu.

Năm đầu tiên làm dâu, cháu không để ý, nghĩ là mua quà thường thường thôi, chủ yếu là đưa mẹ phong bì để bà tự sắm theo ý thích. Nghĩ thế nên cháu ra cửa hàng, mua đại một giỏ quà vài triệu đồng, mang về cho mẹ.

Ai dè cô em dâu ngoài cái phong bì dày cộm, còn mua giỏ quà rất giá trị, lại được gói ghém rất sang trọng. Bà nhìn vào giỏ quà của cháu, rồi nói: Hàng chợ thế này, nhìn to đùng chứ mở ra chẳng có gì dùng được mấy. Rồi bà bỏ nó sang một góc nhà, lẩm bẩm: Để đó, có cần thì đem biếu cho người thuê nhà.

Rồi bà chưng giỏ quà của em dâu lên gần bàn thờ. Năm đó, có khách đến trầm trồ giỏ quà là bà bảo: Của con dâu nhỏ đó, nó là người sang, làm gì cũng sang. Cứ y như là gián tiếp chửi cháu... bần tiện vậy.

Năm nay, kinh tế trong nhà cháu không được khá lắm, nói thẳng là khó khăn. Suốt cả tuần qua, cháu mất ăn mất ngủ vì tính toán ngược xuôi để có khoản tiền đưa mẹ chồng và giỏ quà coi cho được. Nhưng... khó quá cô ạ. Dồn hết tiền thì cũng được, nhưng nhà sẽ chẳng còn gì. Mà quan trọng hơn là ra Tết cả tháng, không biết sống làm sao. Chẳng lẽ đầu năm đầu tháng lại đi vay mượn...

Chồng cháu năm nay thất nghiệp, nằm nhà nên anh cũng buồn, cũng bị áp lực. Anh bảo cháu là thôi, đừng có cố, mẹ cũng biết cả gần hai năm rồi anh có việc làm nào ra hồn đâu. Làm sao mà ép em được. Cứ có gì biếu nấy cho các cụ. Quan trọng là tấm lòng của mình thôi...

Ai dè, hôm qua, khi cháu mang quà về cho mẹ và phong bì 5 triệu, mẹ chồng cháu tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Bà không thèm ngó túi quà của cháu luôn. Rồi còn nói với bố chồng cháu (mà để cho cháu nghe thấy) là may mà nhà có đến hai cô con dâu, hỏng cô này, còn cô khác.

Cháu nghe bố chồng cháu mắng át mẹ chồng: Dâu nào cũng quý. Nó có tình, biết giữ lễ nghĩa là quý rồi. Con cái có lúc khá, lúc ngặt, sao bà cứ xét nét vật chất, không biết chia sẻ với con. Muốn tụi nó thù ghét nhau mới được à?

Cháu nghe bố chồng nói, cũng thấy an ủi, nhưng trong lòng vẫn cứ buồn, tủi. Cháu không biết cứ năm nào Tết nhất cũng như vậy thì làm sao vui được hả cô Hạnh Dung?

Thu Hà

Cháu Thu Hà thân mến,

Suy cho cùng, cô thấy những buồn phiền của cháu đều bắt đầu từ chính cháu mà ra thôi. 
Trước hết, cháu thấy trong nhà có ai ép cháu phải đua tranh, phải so sánh hơn kém với em dâu hay không? Chồng cháu cũng cản, bố chồng thì bênh vực nói phải trái với mẹ cháu rất thấu tình đạt lý. Chỉ có chính cháu, vì mất tự tin, vì tự mình đặt ra sự phân biệt mà tự chuốc lấy nỗi buồn phiền, tủi thân vào mình.

Thứ hai, là chính cháu không biết sử dụng vị trí dâu trưởng của mình. Thay vì "cạnh tranh" mệt mỏi với em dâu, cháu có thể bàn bạc với em để thống nhất ai mang gì về biếu bố mẹ, tránh trường hợp thừa thứ này mà thiếu thứ khác. Lại còn tạo nên được tình chị em thân thiết, gần gũi.

Nếu cháu làm được như vậy, mẹ chồng cháu cũng chẳng thể nào mà xét nét cháu được. Có khi bà còn thấy hài lòng vì dâu trưởng có khả năng quán xuyến giùm cha mẹ chồng việc của gia đình, chu đáo lo Tết cho ông bà.

Dù sao thì, điều cô có thể khuyên cháu lúc này là hãy buông bỏ nỗi buồn đó bằng suy nghĩ: Mình đã làm tất cả trong khả năng của mình bằng sự hiếu thảo, yêu thương cha mẹ. Dù mẹ có thể không hiểu, nhưng mình cũng có những người khác trong nhà hiểu và ủng hộ, chia sẻ với mình. Như thế đã là quá đủ. Đừng để bất cứ ai đặt mình vào sự cân đong đo đếm chỉ bằng vật chất, dù đó là người thân.

Mong rằng khi đọc thư này của cô, cháu có thể vui lên để chuẩn bị một cái Tết bình an cùng gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI