Đừng cố gắng trở thành cha mẹ hoàn hảo

01/04/2023 - 18:59

PNO - Nuôi nấng, dạy dỗ một đứa trẻ là một công việc mang nhiều áp lực. Trong hành trình ấy, con trẻ luôn cần một người đồng hành thấu hiểu và bao dung.

Làm cha mẹ hoàn hảo là cuốn sách đầy tâm huyết của Phương Hoài Nga. Tác giả là thạc sĩ Tâm lý tốt nghiệp Đại học Toulouse II- Mirail, Pháp. Chị có 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và vị thành niên, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với giáo dục phổ thông và đại học.

Ngoài những kiến thức chuyên môn về tâm lý học dành cho trẻ em, cuốn sách này còn được viết bởi tấm lòng của một người mẹ. Phương Hoài Nga hiện là mẹ của 2 bạn nhỏ: Sam 12 tuổi và Vy 8 tuổi. Trong hành trình đồng hành cùng con, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.

Có những lúc “mẹ Nga” cảm thấy bối rối vì không hiểu con đang nghĩ gì. Chị viết nên cuốn sách này với sự đồng cảm của một người mẹ. Tác giả muốn gửi lời động viên tới các bậc phụ huynh, những người đang từng ngày học cách làm cha mẹ. Đừng tự tạo áp lực cho mình và cố gắng trở thành “cha mẹ hoàn hảo”, điều đó chỉ khiến người lớn thêm áp lực mà thôi.

Tác giả Phương Hoài Nga đã có nhiều năm đồng hành tư vấn tâm lý học đường, hiện nay chị là một nhà tư vấn tâm lý trẻ em độc lập. Ảnh: Phương Hoài Nga.

Tác giả Phương Hoài Nga đã có nhiều năm đồng hành tư vấn tâm lý học đường, hiện nay chị là một nhà tư vấn tâm lý trẻ em độc lập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với tình yêu thương vô bờ, bố mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Nhiều lúc, các bậc phụ huynh luôn đặt câu hỏi: “Mình làm thế đã tốt cho con chưa?”. Nếu vô tình làm điều gì đó ảnh hưởng không tốt tới con như: vô ý để con bị thương nhẹ, đưa con đi học muộn, không tìm được lớp học thêm phù hợp… cha mẹ lại tự trách mình chưa đủ tốt.

Điều đó mang tới cho các bậc phụ huynh nhiều áp lực và vô tình khiến trẻ không thoải mái. Tác giả đã nhắn nhủ tới người đọc: không có bậc cha mẹ nào là hoàn hảo. Làm cha mẹ chính là quá trình trau dồi không ngừng nghỉ. Khi phát hiện ra khuyết điểm của con, cha mẹ hãy tìm cách cùng con khắc phục, từ đó tìm ra những điểm chưa thỏa đáng trong cách dạy con của mình.

Tình yêu thương của cha mẹ chính là món quà vô giá đối với con cái. Nó là cội nguồn yêu thương để mỗi con người tìm thấy sức mạnh trong những giây phút khó khăn. Nhưng đừng biến tình yêu thành một “món hàng” bắt con cái phải đạt được thành tích nào đó để trao đổi.

Nhiều đứa trẻ từng tham gia điều trị, tư vấn tâm lý với Thạc sĩ Phương Hoài Nga đã chia sẻ rằng: chúng rất sợ khi nghe những câu nói như: “Nếu con không ngoan, không chăm học, cha mẹ sẽ không yêu con nữa”. Cha mẹ hãy để con cái con cái cảm nhận được rằng tình yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng vô điều kiện giữa những thành viên trong gia đình.

Ông bà ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, theo tác giả, điều này rất quang trọng trong quá trình nuôi dạy con. Bố mẹ phải thống nhất về phương pháp nuôi dạy con.

Cả hai đều phải biết dung hòa và linh hoạt giữa sự nghiêm khắc và dịu dàng khi giáo dục con cái. Đừng mặc định rằng người cha sẽ là người đóng “vai ác”, còn người mẹ sẽ đóng “vai hiền”. Hãy cố gắng đóng tốt cả hai vai. Mẹ cũng có quyền dùng hình phạt và tỏ thái độ cứng rắn đối với con khi con mắc lỗi. Ngược lại, nếu con làm tốt, bố hãy khen ngợi kịp thời, đừng tỏ ra thờ ơ trước sự nỗ lực của con.

Cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo của Phương Hoài Nga. Ảnh: FBNV.

Cuốn sách Làm cha mẹ hoàn hảo của Phương Hoài Nga. Ảnh: FBNV.

Vậy phải yêu con bao nhiêu là đủ? Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái, đứa trẻ sẽ nhút nhát, thu mình lại và không muốn chia sẻ về khó khăn của mình. Nhưng nếu cha mẹ quá chiều chuộng, con sẽ “sinh hư” và luôn đòi hỏi. Theo tác giả Phương Hoài Nga, các bậc phụ huynh phải phân biệt được thế nào là “nuông chiều” và “yêu chiều”. Hãy “yêu chiều” con cái, chứ đừng “nuông chiều” chúng.

Cha mẹ có thể chiều theo ý muốn của con, nhưng phải đạt ra giới hạn cho mọi vấn đề và yêu cầu con tuân thủ giới hạn đó. Tôn trọng quyết định, sở thích của con là điều đúng đắn, nhưng hãy nghiêm khắc, đừng để con vượt qua các giới hạn mà cha mẹ đề ra.

Mỗi nét tính cách của con trẻ đều đi kèm những ưu điểm và nhược điểm riêng. Một đứa trẻ hòa đồng, hiếu động thì dễ thích nghi với môi trường mới, nhưng đôi khi bé sẽ thiếu đi tính cẩn thận. Còn những đứa trẻ trầm tư thì sẽ chu đáo và có óc quan sát tỉ mỉ hơn, nhưng lại khó hòa nhập khi đến môi trường mới.

Điều cha mẹ cần làm là tôn trọng ưu điểm của con, giúp con phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Hai việc này cần sự kiên nhẫn rất lớn. Con trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách, chúng cần có thời gian để học cách thích nghi, và nhận ra đâu là ưu và nhược điểm của bản thân. Trong hành trình ấy, cha mẹ hãy cố gắng vừa là người thầy, vừa là người bạn của con.

Tác giả Phương Hoài Nga quan niệm làm cha mẹ là một hành trình giúp người lớn trưởng thành hơn. Đồng hành cùng một đứa trẻ, chúng ta sẽ học được cách ứng xử linh hoạt, kìm bớt cái tôi cá nhân, thấu hiểu và yêu thương sao cho đúng mực.

Làm cha mẹ hoàn hảo không dạy bạn đọc phải làm cha mẹ như thế nào. Cuốn sách này như một tấm gương, để các bậc phụ huynh nhìn nhận lại hành trình đồng hành cùng con của mình.

                                                                                    Mai Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI