Kết nối hồn thơ bằng tình quê hương

25/03/2023 - 19:21

PNO - Tập sách Đọc thơ bạn (Thú thưởng ngoạn văn chương) (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, 2023) là tập tiểu luận thứ tư của nhà văn Trần Bảo Định (bên cạnh 6 tập thơ và 14 tập truyện).

Đọc thơ bạn tập hợp 12 bài viết về 12 nhà thơ hiện đại Việt Nam. Tác phẩm là giao điểm nhiều chiều kích. Ở đây, bạn đọc có thể nhận thấy sự gặp gỡ giữa những nhà thơ trưởng thành từ trước năm 1975 (Du Tử Lê, Từ Hoài Tấn, Cao Quảng Văn) cho tới các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 (Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Phan Hoàng, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Ngọc Thơ) và cả một nhà thơ còn trẻ (Võ Mạnh Hảo); từ nhà thơ ở miền Bắc (Nguyễn Quang Thiều), miền Trung (Từ Hoài Tấn, Cao Quảng Văn), tới miền Nam (Trần Ngọc Hưởng, Phùng Quang Thuận)…

 

Bên cạnh đó, nhà văn Trần Bảo Định còn phát hiện các khía cạnh cảm hứng nghệ thuật đa dạng: từ hiện sinh, lịch sử cho tới văn hóa, tôn giáo… trong hồn thơ của nhiều thi sĩ ở các thế hệ khác nhau. Điều này cho thấy sự linh hoạt và góc nhìn đa chiều của Trần Bảo Định. Thế nhưng, dù ở góc độ nào, bạn đọc hẳn cũng thấy Trần Bảo Định đến với hồn thơ muôn nơi bằng niềm nhớ thương và tình bằng hữu. 

“Người đi trang viết còn lưu nhớ
Kẻ ở mực nồng đọng luyến thương!”
(Đề từ, Trần Bảo Định)

Đối với Trần Bảo Định, văn chương là thú vui thưởng ngoạn có thể bồi bổ, làm tâm hồn con người trở nên đẹp và sâu sắc hơn. Nhà văn không chỉ nhìn thấy ở 12 bức chân dung thi ca hình bóng 12 thi sĩ, mà với ông, đó còn là 12 hình tượng nghệ sĩ đáng trân quý. Vậy con số 12 cũng có thể là 12 tháng trong năm. Mỗi tháng đặc trưng tiết trời mùa đất khác nhau, ứng với trời đất thành ra tâm tính hồn người. Thi ca là phần tinh túy nhất của tâm hồn, là kết tinh nghệ thuật của người thơ với trời đất. Hiểu vậy để thấy việc lựa chọn, sắp xếp, bố cục của tác giả hẳn có dụng ý nhất định.

Mở đầu tập sách bằng bài viết về Vỡ màu ký ức của Nguyễn Ngọc Thơ và kết thúc bằng hình bóng chàng du tử họ Lê trên đường tìm đến cửa thiền cũng tức là mở đầu bằng thương và kết thúc bằng nhớ. Tác giả đã khéo léo gieo vào lòng bạn đọc một niềm thương nỗi nhớ, một nỗi cảm hoài miên man như Trần Bá Ngọc thuở xưa từng sa giọt lệ khi đối diện trời đất “chi du du” (vô cùng), như Dương Thăng Am hồi trước ngó thấy “cổn cổn Trường Giang” (sông Trường Giang cuộn chảy) thì bất giác hiểu rằng mọi việc đã qua rốt cuộc chỉ là những cuộc tán gẫu, chuyện trò bâng quơ.

Với tập sách này, bên cạnh vấn đề lý luận, bạn đọc còn có thể nhận ra sự chia sẻ đồng cảm. Từ một số bài viết như: Truy vấn hữu thể trong thơ Phan Hoàng, Phân tâm vật chất thơ Nguyễn Quang Thiều, Phương thức thấu cảm trong thi phẩm Chiều trên sông Hàm Luông, Dấu ấn Phật lý trong thơ Du Tử Lê… cho tới Vỡ màu ký ức: Tiếng thở dài thân phận!, Bến vắng: Nhịp thời gian trong thơ Phùng Quang Thuận, Hương tình trong thơ Trần Ngọc Hưởng, Tình quê trong thơ Võ Mạnh Hảo, Hoàng Yên Dy - Tôi tìm tôi trong Rừng bói Trường Giang, Mấy khúc đoạn giang hồ - Ngẫm suy và thưởng ngoạn thơ Từ Hoài Tấn… Có thể thấy nhà văn Trần Bảo Định không chỉ đặt nặng vấn đề phân tích, tinh chiết giá trị thi ca một cách khoa học mà trên hết là lắng nghe nỗi lòng chất chứa trong cả cuộc đời đeo đuổi nghiệp chữ nghĩa của thi nhân. Việc đảm bảo tính nghiêm xác khoa học không làm cho trang viết cứng nhắc mà ngược lại, giúp cho việc thấu cảm hồn thơ sâu sắc, đậm đà hơn. Như thể: “chúng ta ở trong nhau: khi ngọn đèn đã tắt” (Du Tử Lê).

Nổi bật nhất trong tập sách là cách tiếp cận của Trần Bảo Định. Nhà văn chủ yếu tiếp cận ở 2 phương diện: tình quê hương và giá trị văn hóa. Cũng vì vậy, dẫu xuất hiện ở cả địa hạt thơ, truyện và tiểu luận - phê bình nhưng cơ hồ có sợi dây đỏ nhất quán trong tư tưởng nghệ thuật của Trần Bảo Định. Đó là tình yêu quê hương xứ sở với nét đẹp văn hóa dân tộc trong cuộc sống. 

Võ Quốc Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI