Drone giúp phụ nữ làm nông và tự chủ kinh tế

18/07/2025 - 07:00

PNO - Từ vùng quê Ấn Độ đến đồng bằng châu Phi, phụ nữ đang vận hành máy bay không người lái (drone) để kiếm sống, làm chủ công nghệ và thay đổi số phận.

Phụ nữ vận hành máy bay không người lái để kiếm sống và thay đổi số phận - Nguồn ảnh: India Time
Phụ nữ vận hành máy bay không người lái để kiếm sống và thay đổi số phận - Nguồn ảnh: India Time

Một nhóm phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ đã tìm ra một con đường bất ngờ để kiếm thu nhập và giành lấy sự tự lập: vận hành drone phục vụ nông nghiệp, phun thuốc trừ sâu và giám sát mùa màng. Không chỉ giúp tăng năng suất canh tác, công việc mới còn mang lại thu nhập ổn định và vị thế xã hội chưa từng có đối với nhiều phụ nữ trước đây sống phụ thuộc vào gia đình hoặc làm nông với thu nhập bấp bênh.

“Drone sisters” - những người phụ nữ mở đường ở Ấn Độ

Năm 2023, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã khởi động chương trình “Drone Didi” (Drone Sisters) nhằm trao quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, đến tháng 12/2024, đã có hơn 500 máy bay không người lái được phân phối cho các nhóm tự lực do phụ nữ lãnh đạo. Mục tiêu của chương trình là cung cấp 15.000 drone đến năm 2026.

Chính phủ đã phân bổ 500 crore rupee (khoảng 57 triệu USD) cho sáng kiến này, trong đó, riêng năm tài chính 2024-2025 đã có hơn 3.090 nhóm tự lực (Self Help Groups - SHG) được nhận drone. Những drone này không chỉ là công cụ làm việc mà còn là chìa khóa giúp phụ nữ tiếp cận công nghệ, nâng cao kỹ năng và tham gia thị trường dịch vụ nông nghiệp chuyên nghiệp.

“Chiếc drone có thể phun thuốc trên 10 mẫu Anh (hơn 4ha) mỗi ngày” - chị Rajbir Kaur - một kỹ thuật viên điều khiển máy bay không người lái - cho biết. “Tôi có thể kiếm được tới 700 USD mỗi tháng - điều đó giúp tôi lo cho con cái học hành và hướng tới một tương lai tốt hơn”. Nhiều phụ nữ khác cũng xác nhận rằng thu nhập từ nghề lái drone đã giúp họ nâng cấp nhà cửa, đầu tư cho giáo dục và tự tin hơn trong cộng đồng.

Tại Kenya, phụ nữ cũng đang "cất cánh"

Không chỉ ở Ấn Độ, tại Kenya - quốc gia nằm ở Đông Phi - một làn sóng phụ nữ trẻ cũng đang làm chủ bầu trời nông nghiệp thông qua drone. Từ đồng cà phê đến ruộng bắp, họ không chỉ điều khiển thiết bị mà còn sáng lập doanh nghiệp, đào tạo cộng đồng và trở thành biểu tượng của nông nghiệp hiện đại.

Anne Nderitu - nữ kỹ sư hàng không đầu tiên của Kenya - hiện lãnh đạo Kenya Flying Labs, tổ chức ứng dụng drone trong nông nghiệp, cứu trợ nhân đạo và bảo tồn môi trường. Bà đã mở hàng chục lớp đào tạo phụ nữ sử dụng drone để khảo sát đất đai, phát hiện sâu bệnh và nâng cao hiệu quả canh tác.

Trong khi đó, Rebecca Muiruri - kỹ sư hệ thống sinh học - đã thành lập công ty cung cấp dịch vụ bay thuê bằng drone, giúp các nông hộ nhỏ tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. “Drone không phải là đặc quyền của người giàu. Với một khoản đầu tư hợp lý và đào tạo bài bản, phụ nữ có thể trở thành chuyên gia công nghệ” - cô chia sẻ.

Một gương mặt khác là Lyela Mutisya - nhà sáng lập Agridrone Technologies, chuyên cung cấp giải pháp drone cho các trang trại cà phê. Cô sử dụng thiết bị bay để phát hiện bệnh sớm và hỗ trợ xử lý nhanh, giảm thiểu tổn thất mùa màng cho nông dân.

Chính phủ Kenya và các doanh nghiệp lớn như Fahari Aviation (thuộc Kenya Airways) cũng đang hỗ trợ mở rộng mạng lưới drone nông nghiệp và đào tạo kỹ thuật viên nữ. Một cuộc thi khởi nghiệp mang tên Agri-Drone Business Challenge năm 2023 đã thu hút hàng trăm thí sinh, trong đó có 40% là phụ nữ.

Sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong lĩnh vực drone nông nghiệp đang chứng minh rằng trao quyền công nghệ cho phụ nữ không chỉ là chính sách bình đẳng giới, mà còn là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài. Tại Ấn Độ, drone giúp họ bước ra khỏi bóng tối truyền thống; tại Kenya, drone biến họ thành kỹ sư, nhà sáng lập và người truyền cảm hứng.

Khi những người phụ nữ này cất cánh cùng drone, họ cũng đang mở ra một tương lai mới cho chính mình, gia đình và cả cộng đồng.

Hùng Anh (theo The Time of India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI