Di sản đời người từ trang viết trăm năm

18/07/2025 - 06:49

PNO - Những tác phẩm mang dáng dấp tự truyện, lưu dấu đời người cũng để lại trên trang viết những ghi chép về lịch sử - văn hóa trăm năm. Khi câu chuyện chạm đến cái chung, cất tiếng vì những điều lớn lao sẽ có sức sống vượt thời đại.

Totto-Chan trở lại

Hơn 40 năm kể từ ngày Totto-chan bên cửa sổ ra đời (1981), nhà văn Kuroyanagi Tetsuko đã viết tiếp phần 2: Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo. Sách vừa được Nhã Nam chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam, ngay lập tức trở thành best-seller.

Sau hơn 4 thập niên là “cuốn sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ, câu chuyện về cô bé Totto-chan vẫn chưa bao giờ ngừng sức hút. 2 năm trước, bộ phim hoạt hình chuyển thể từ tác phẩm này đã mang đến cho bạn đọc những thước phim trong trẻo, thuần khiết. Bây giờ, Totto-chan tiếp tục hành trình trưởng thành trong phần 2, cùng những chuyển biến của nước Nhật từ Thế chiến thứ hai đến những ngày tái thiết…

2 tập sách đã gói trọn cuộc đời tác giả Kuroyanagi Tetsuko
2 tập sách đã gói trọn cuộc đời tác giả Kuroyanagi Tetsuko

Nhà văn Kuroyanagi Tetsuko viết Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo ở tuổi 90. Nếu phần 1 kết thúc khi Totto-chan cùng gia đình phải sơ tán sau khi ngôi trường Tomoe bị đốt cháy, thì phần 2 là đoạn đời tiếp theo đến ngày trở thành diễn viên của cô. 2 tác phẩm đều mang bóng dáng tự truyện về cuộc đời của chính nhà văn nhưng được sáng tạo trên nền một tác phẩm văn học thiếu nhi, với đủ đầy những yếu tố, chi tiết làm nên sức hút. Vượt lên trên câu chuyện ký ức của một cá nhân, Totto-chan bên cửa sổ còn là giá trị nhân văn, đề cao tinh thần tự do trong giáo dục trẻ thơ.

“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ”, “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Vì vậy, phải sớm tìm ra phẩm chất tốt ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính” - những lời của thầy Kobayashi Sosaku ở ngôi trường Tomoe đã lan tỏa từ trang sách đến đời thực suốt hàng thập niên qua. Tình yêu thương và cách giáo dục trẻ thơ của người thầy lý tưởng ấy được nhiều người lớn/nhà làm giáo dục xem là mẫu hình giá trị vượt thời đại.

Hồi tưởng về 5 năm tiểu học, nhà văn Kuroyanagi Tetsuko đã viết: “Trong đời tôi, chưa khi nào mỗi ngày trôi qua đều vui như hồi còn học ở trường Tomoe”. Những năm tháng ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời, tính cách và sự lựa chọn của bà trong cả quãng đời sau này.

Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo là hành trình sống, trải nghiệm, đối diện, vượt qua mọi gian khó, thử thách của Totto-chan trong chiến tranh và trong cả hành trình trưởng thành. Câu chuyện ở phần 2 là đoạn đời tiếp theo của Totto-chan, nhưng dấu ấn của ngôi trường Tomoe, thầy Kobayashi và những năm tháng trong trẻo nhất đời người vẫn còn đó. Nhà văn Kuroyanagi Tetsuko đã trao gửi đến thế giới một câu chuyện đầy ắp tình yêu thương và truyền cảm hứng. Thế nên 2 tập sách như một di sản cuộc đời quý giá bà để lại cho đời.

Hồi ức riêng thành giá trị chung

Tự truyện/hồi ký hay các tác phẩm văn học mang bóng dáng tự truyện/hồi ức đã xuất hiện rất nhiều trên thế giới và ở Việt Nam. Những trang viết từ các tác giả đã sống qua “60 năm cuộc đời” luôn đầy sức nặng và để lại dấu ấn khó phai. Bởi lẽ, đó không chỉ là câu chuyện của riêng một người mà chứa đựng cả chiều dài lịch sử - văn hóa một đất nước, một dân tộc.

Với Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo còn là bức tranh xã hội Nhật Bản trong những năm chiến tranh khốc liệt đến giai đoạn chuyển mình và tái thiết. Tác giả viết về chính mình, đồng thời cũng là người ghi chép lịch sử và những giá trị của thời đại bằng văn chương.

Một trong những tác phẩm lưu dấu cả  cuộc đời tác giả, đồng thời là những ghi chép  có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa Việt Nam
Một trong những tác phẩm lưu dấu cả cuộc đời tác giả, đồng thời là những ghi chép có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa Việt Nam

Ở Việt Nam, trong số các tác giả mang “di sản đời người” lên trang viết có đạo diễn Xuân Phượng (Gánh gánh… gồng gồng…, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020), Đặng Thị Hạnh (Cô bé nhìn mưa, giải thưởng Sách quốc gia Việt Nam năm 2022), nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Gia đình, bạn bè và đất nước), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (Đi qua trăm năm)… Họ đều viết sách kể chuyện đời mình khi đã ở ngưỡng tuổi U80, U90, thậm chí hơn 100 tuổi. Trong những câu chuyện về cuộc đời riêng đều thấy một phần lịch sử đất nước với rất nhiều biến động, giữa chiến tranh và hòa bình, những cuộc đổi thay…

Khi hồi ức riêng trở thành giá trị chung, tác phẩm luôn được đón nhận và có sức lan tỏa. Gánh gánh… gồng gồng… ghi lại dấu chân của nữ đạo diễn Xuân Phượng qua chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị), đi dọc Trường Sơn, đến Lào, Campuchia… đồng thời là những trang viết về đất nước một thời bom đạn. Cô bé nhìn mưa là hình ảnh một ngôi làng Bắc Trung Bộ hơn nửa thế kỷ trước; là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cùng những câu chuyện đời thường mà thiêng liêng với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người cha đã khuất của tác giả - giáo sư Đặng Thai Mai…

Trong đời người, ký ức là một món quà. Với văn chương, đó là di sản quý giá của người cầm bút. Lùi về nhiều thập niên trước, những tác phẩm mang dáng dấp tự truyện/hồi ký có giá trị vượt thời gian của văn học Việt Nam còn có: Giấc mộng lớn (Tản Đà), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Cát bụi chân ai (Tô Hoài)…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI