Ngày 3/7, tại một rẫy khoai lang thuộc xã Chư Sê (tỉnh Gia Lai), anh Trần Văn Nghĩa - một nông dân 30 tuổi - đã dùng chính chiếc drone nông nghiệp của mình để cứu sống hai cháu nhỏ bị kẹt giữa dòng nước lũ. Trong tình huống không có phương án nào khả thi để tiếp cận nạn nhân, anh đã điều khiển drone bay ra giữa lũ, cho các cháu đu bám vào càng máy bay và từ từ kéo vào bờ an toàn.
 |
Anh Trần Văn Nghĩa đã dùng máy bay không người lái để cứu hai cháu nhỏ (Ảnh từ clip) |
Hành động này dù không có trong bất kỳ giáo trình huấn luyện cứu nạn nào, dù không nằm trong khung pháp lý hiện hành, vẫn được cộng đồng và các chuyên gia an ninh, quốc phòng tán dương là một quyết định đúng đắn, dũng cảm và nhân đạo.
Nhưng cũng chính từ sự kiện này, xã hội cần nhìn lại: công nghệ đã sẵn sàng để cứu người, nhưng pháp lý, hệ thống và tư duy xã hội liệu đã sẵn sàng đi cùng?
Trong hoạt động cứu hộ, không phải mọi tình huống đều có thể giải quyết bằng quy trình có sẵn. Có những khoảnh khắc mà sinh mạng con người đang bị đe dọa từng giây, buộc người thực hiện phải đưa ra lựa chọn vượt ra ngoài khuôn mẫu. Việc sử dụng drone nông nghiệp để giải cứu người gặp nạn là một ví dụ như thế. Nó không nằm trong thiết kế chức năng ban đầu, cũng không nằm trong bất kỳ hướng dẫn nghiệp vụ cứu nạn chính thức nào.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lũ dâng cao, nước chảy xiết, việc bơi ra cứu người là cực kỳ nguy hiểm và không khả thi với tay không. Khi không có thiết bị chuyên dụng tiếp cận kịp thời, việc tận dụng một phương tiện dân dụng sẵn có lại trở thành lựa chọn khả dĩ duy nhất.
Hành động đó không chỉ cho thấy sự nhanh trí, mà còn thể hiện bản năng đạo đức sâu sắc: cứu người trước tiên, rồi mới nghĩ đến đúng - sai theo thủ tục. Đây là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm trong tình huống không cho phép chần chừ.
Hiện nay, các dòng drone thương mại tại Việt Nam, đặc biệt là drone nông nghiệp có tải trọng phổ biến từ 40 đến 60kg, một số dòng cải tiến có thể nâng tới hơn 100kg. Về mặt kỹ thuật, khả năng sử dụng drone để nâng hoặc hỗ trợ cứu người khỏi mặt đất là hoàn toàn khả thi trong những điều kiện khẩn cấp.
Thực tiễn quốc tế đã chứng minh điều này: tại Úc, lực lượng cứu hộ từng triển khai drone mang theo phao cứu sinh để cứu hai thiếu niên bị cuốn ra xa giữa sóng dữ (2018); tại Thụy Điển, drone đã được sử dụng để vận chuyển máy khử rung tim (AED) đến hiện trường, góp phần cứu sống một nạn nhân ngừng tim (2022); còn ở Ấn Độ, thiết bị bay không người lái từng được dùng để kéo dây cứu một người mắc kẹt giữa dòng thác xiết (2020).
Những tình huống này cho thấy khi được triển khai đúng cách và đúng lúc, drone không chỉ là công cụ hỗ trợ từ xa, mà còn có thể đóng vai trò trực tiếp trong việc bảo toàn sinh mạng con người.
 |
Drone - Máy bay không người lái được ứng dụng nhiều tại các quốc gia để hỗ trợ con người |
Tại Việt Nam, theo Điều 30 Luật Phòng không nhân dân, drone được phép bay không cần cấp phép trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, luật lại không có quy định rõ ràng về việc dùng drone để đỡ người, càng không nói đến việc người dân được tự ý điều khiển drone trong những tình huống không được ủy quyền.
Vấn đề đặt ra không phải là drone có chở được người hay không, mà là: khi nào hành vi đó được công nhận là hợp pháp, ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro, và liệu người làm việc tốt có bị buộc tội vì vượt quy định?
Trong một xã hội pháp quyền, luật pháp là ranh giới cần có. Nhưng khi luật không đủ nhanh để bao phủ mọi đổi mới thì cần một tinh thần thực dụng nhân đạo để đánh giá hành vi. Nếu anh Nghĩa thất bại trong lần cứu hộ vừa rồi, liệu anh có bị truy cứu trách nhiệm vì "dùng thiết bị sai mục đích"? Liệu hành động vì mạng sống con người có bị quy kết là "vi phạm an toàn bay"? Và nếu vậy, chúng ta đang vô tình đánh mất những người dám hành động trong khẩn cấp
Drone cứu người là hành vi cứu người, không phải trò mạo hiểm. Điều cần là khung pháp lý linh hoạt, quy trình đánh giá đạo đức - kỹ thuật chặt chẽ, và sự đào tạo cho người dân ở vùng thiên tai để sử dụng thiết bị một cách chuẩn mực khi cần thiết. Nếu không, những người có năng lực và phản xạ cứu người sẽ đứng trước ngã ba: làm thì sai luật, không làm thì cắn rứt lương tâm.
Chúng ta không thể mãi trông đợi vào trực thăng hay đội cứu hộ chuyên nghiệp trong mọi tình huống thiên tai, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi mà vài phút chờ đợi có thể đổi bằng một mạng người.
Những thiết bị dân sự như drone, xe máy nước, máy bơm di động… cần được đưa vào quy trình ứng cứu linh hoạt nơi người dân - nếu được tập huấn đúng cách - có thể chủ động xử lý tình huống khẩn cấp trước khi lực lượng chuyên trách đến nơi.
Câu chuyện của anh Trần Văn Nghĩa không phải một phép màu. Đó là ví dụ điển hình cho một xã hội mà công nghệ dân dụng, lòng tốt và khả năng tự ứng cứu đã sẵn sàng. Cái thiếu chỉ là một khung pháp lý bao dung, một hệ thống biết khích lệ thay vì bóp nghẹt. Nếu công nghệ đã đi trước thì chính sách cần theo sau để bảo vệ người dùng thiện chí. Nếu lòng tốt đã xuất hiện đúng lúc thì hệ thống cần xuất hiện đúng chỗ.
Lê Hoài Việt