
* Phóng viên: Xin bà cho biết, Hội LHPN TPHCM sẽ ưu tiên triển khai những phần việc nào trong 6 tháng cuối năm?
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc: Hội LHPN TPHCM sẽ triển khai ngay 4 nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong 6 tháng cuối năm 2025. Trước hết là ổn định tư tưởng và tạo sự nhất trí, đồng lòng, gắn kết trong đội ngũ cán bộ hội. Hội sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ với cán bộ hội LHPN 168 phường, xã, đặc khu để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ cơ sở, từ đó hỗ trợ chị em ổn định tổ chức và làm công tác hội hiệu quả hơn trong mô hình mới.
Chúng tôi tiếp tục rà soát và điều chỉnh chương trình công tác 6 tháng cuối năm phù hợp với cơ cấu liên thông cùng MTTQ để đảm bảo duy trì các hoạt động thiết thực với cán bộ hội và sát với nhu cầu của hội viên, phụ nữ. Chúng tôi cũng chú trọng công tác hướng dẫn, tập huấn để đội ngũ cán bộ hội thích ứng với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cụ thể, chúng tôi xây dựng cẩm nang điện tử “Công tác hội và phong trào phụ nữ TPHCM” để định hướng hoạt động, hướng dẫn những việc cần làm ngay trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc thông suốt.
Cuối cùng, hội sẽ đẩy mạnh truyền thông và triển khai các phong trào trọng điểm. Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi ưu tiên hoàn thành các công trình trọng điểm và những việc làm thiết thực thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào như hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi số, phát triển hội viên và chăm lo an sinh xã hội.
* TPHCM hiện tại có khoảng 14 triệu dân, trong đó có hơn 2,1 triệu hội viên phụ nữ. Hội LHPN TPHCM có kế hoạch cụ thể nào về chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả kết nối, tương tác với hội viên, phụ nữ?
- Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để Hội LHPN TPHCM vận hành hiệu quả, thích ứng với địa bàn rộng hơn và số hội viên phụ nữ đông hơn. Đặc biệt, sau khi mở rộng tổ chức theo mô hình mới trực thuộc hệ thống MTTQ, để chuyển đổi số thực sự trở thành công cụ nâng cao hiệu quả kết nối và nắm bắt kịp thời nhu cầu của phụ nữ, giải quyết các vấn đề về khoảng cách địa lý sau sáp nhập, Hội LHPN TPHCM sẽ xây dựng mô hình “Hội không khoảng cách” bằng việc linh hoạt trong việc tổ chức các cuộc họp giao ban và trao đổi công việc.
Chúng tôi sẽ duy trì định kỳ các cuộc họp giao ban trực tuyến qua Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, đồng thời kết hợp mô hình họp trực tuyến để giữ kết nối và giảm áp lực di chuyển. Ngoài ra, việc ghi hình và lưu trữ video các cuộc họp, tập huấn sẽ giúp các đơn vị xem lại khi cần, để không ai bị bỏ sót thông tin.
Hội LHPN TPHCM đã số hóa tài liệu và công cụ điều hành, chia sẻ các kế hoạch, hướng dẫn, biểu mẫu qua Google Drive, nền tảng chia sẻ nội bộ và chuyên trang “Thư viện điện tử” trên website của hội (https://phunu.hochiminhcity.gov.vn/thu-vien.html). Chúng tôi cũng sẽ xây dựng “Cẩm nang điều hành số” dành cho cán bộ hội cấp cơ sở.
Chúng tôi sẽ thành lập các nhóm Zalo chuyên đề để trao đổi công việc nhanh chóng, giảm gặp mặt trực tiếp, đồng thời tổ chức các chuyên đề tư vấn trực tuyến về chính sách, kỹ năng mềm.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật để cơ sở hội dễ dàng tiếp cận, bao gồm tập huấn về chuyển đổi số căn bản cho cán bộ hội, để ai cũng có thể sử dụng thành thạo các công cụ trực tuyến cơ bản. Chúng tôi cũng sẽ thiết lập đầu mối hỗ trợ kỹ thuật theo khu vực để hướng dẫn sử dụng nền tảng số cho các đơn vị chưa thành thạo.
Có thể thấy, các giải pháp trên không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn cho thấy một tư duy mới. Mọi đơn vị dù gần hay xa đều có thể tiếp cận đầy đủ thông tin, kết nối đồng đều và được phản hồi kịp thời thông qua công nghệ.
Việc tận dụng các phương thức chuyển đổi số không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển mà còn tạo sự bình đẳng về thông tin, sự đồng đều về cơ hội giữa các địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành và gắn bó trong toàn hệ thống hội.
 |
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Võ Ngọc Thanh Trúc (bìa phải) tặng hoa chúc mừng các phó chủ tịch hội và giao nhiệm vụ vào ngày 3/7 - Ảnh: Diễm Trang |
* Trong 6 tháng cuối năm, bà kỳ vọng Hội LHPN TPHCM sẽ có những đóng góp nổi bật nào vào sự phát triển chung của TPHCM?
- Chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp và chuyển đổi số thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực số cho phụ nữ yếu thế và lao động tự do. Những nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số và tăng trưởng toàn diện của thành phố.
Hội cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, nghĩa tình. Các mô hình như câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, chương trình “Vòng tay yêu thương - Mẹ đỡ đầu” và các hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị đạo đức, nhân văn trong mỗi gia đình, khu phố, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững từ gốc rễ của thành phố.
Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định vai trò “cánh tay nối dài” của Đảng, MTTQ và chính quyền trong công tác chăm lo cho nhân dân qua việc đẩy mạnh lắng nghe, kết nối và phản hồi kịp thời nguyện vọng của hội viên dựa vào nền tảng số; tham gia hiệu quả vào công tác giám sát, phản biện xã hội và vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế.
Tôi tin rằng, với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên, cùng với bộ máy nhân sự của Hội LHPN TPHCM mới, hoạt động hội và phong trào phụ nữ TPHCM sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Điều này không chỉ góp phần làm nên diện mạo năng động của MTTQ Việt Nam TPHCM trong giai đoạn hội nhập và phát triển mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ, gia đình và cộng đồng.
* Xin cảm ơn bà.
Nguyệt Minh (thực hiện)