Có kỹ thuật cao, bác sĩ giỏi - thiếu gì để phát triển du lịch y tế TPHCM?

Bài 3: Nếu tiếp cận đúng hướng, du lịch y tế của thành phố sẽ bứt phá

18/07/2025 - 06:15

PNO - Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TPHCM trả lời phỏng vấn "Làm gì để TPHCM có thể phát triển du lịch y tế"...

LTS: Cùng với nhiều thành tích y học khác, ca thông tim bào thai thành công cho sản phụ người Singapore do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện hôm 28/5 một lần nữa khẳng định năng lực vượt trội của ngành y tế TPHCM.

Thế nhưng, việc thu hút người nước ngoài đến TPHCM du lịch kết hợp chữa bệnh vẫn là “tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm”.

Bài 1: Tiềm năng lớn nhưng chưa thể phát triển

Bài 2: Chất lượng điều trị tốt, truyền thông lại quá yếu

Làm gì để TPHCM có thể phát triển du lịch y tế, không chỉ dừng lại ở “chữa bệnh kèm du lịch” như hiện nay? Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TPHCM - về vấn đề này.

Bản sắc trị liệu bản địa

Phóng viên: Nhìn ra thế giới, du lịch y tế TPHCM đang ở đâu trên bản đồ, thưa ông?

Tiến sĩ Dương Đức Minh: Chưa bàn đến vị thế, khi đặt trong tương quan với các đô thị có thế mạnh du lịch y tế như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Chennai (Ấn Độ) hay Singapore, tôi khẳng định TPHCM không hề thua kém về nền tảng.

Ông Dương Đức Minh
Ông Dương Đức Minh

Thậm chí có những tương đồng cốt lõi rất thuận lợi để bứt phá nếu được tiếp cận đúng hướng. Giống như Chennai hay Bangkok - nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành - TPHCM sở hữu lực lượng bác sĩ, chuyên gia y tế trình độ cao đa lĩnh vực như nha khoa, thẩm mỹ, y học cổ truyền, điều trị chuyên sâu… Những lĩnh vực này không chỉ mở ra biên độ mới về thị phần khách hàng, mà còn là nền tảng để kiến tạo du lịch y tế trải nghiệm hóa - từ điều trị đến phục hồi, từ thể chất đến tinh thần, thay vì chỉ dừng lại ở khám và chữa bệnh.

Về chi phí, trong khi Singapore hay Seoul là điểm đến thường dành cho nhóm khách hàng cao cấp, TPHCM có chi phí điều trị và sinh hoạt hợp lý hơn nhiều, tương đương với Ấn Độ và Malaysia. Đây là lợi thế vàng để tiếp cận phân khúc khách hàng trung lưu.

Ngoài ra, TPHCM có sẵn hạ tầng du lịch hiện đại, từ khách sạn, nhà hàng đến trung tâm thương mại, hệ thống vận chuyển, dịch vụ hậu cần, tương tự Bangkok hay Kuala Lumpur. Tức là đủ điều kiện để tích hợp mô hình “trị liệu - nghỉ dưỡng - giải trí” thành trải nghiệm xuyên suốt, thay vì chỉ dừng ở hoạt động điều trị rời rạc. TPHCM đang đứng trước ngưỡng cửa của mô hình du lịch y tế đa tầng giá trị - kết hợp trị liệu, nghỉ dưỡng, phục hồi, văn hóa và cá nhân hóa, chỉ là thiếu một cú hích để triển khai.

* Theo ông, yếu tố để biến sự tương đồng đó thành cú hích đột phá là gì?

- Đây cũng là vấn đề tôi trăn trở nhiều năm qua. Với TPHCM, vấn đề không nằm ở thiếu gì mà là kết nối như thế nào. Trước tiên, tôi nghĩ thành phố cần rũ bỏ tư duy đơn ngành để kiến tạo một mô hình cộng sinh liên ngành. Không thể chỉ có bệnh viện mở dịch vụ hay doanh nghiệp lữ hành bán tour, phải có 1 đầu mối điều phối trung tâm như Singapore Medical Concierge hay Malaysia Healthcare Travel Council để dẫn dắt toàn bộ chuỗi giá trị.

Tiếp theo, việc hình thành mô hình trị liệu tích hợp - nơi y học, nghỉ dưỡng, phục hồi, văn hóa và tinh thần cùng vận hành để mang đến trải nghiệm toàn diện - cũng rất quan trọng. Trong khi Bangkok có Wellness Retreat (nghỉ dưỡng, điều trị), Chennai có Ayurveda resort (nghỉ dưỡng, thực hành y tế cổ truyền), Singapore có mô hình trị liệu công nghệ, thì TPHCM vẫn quanh quẩn ở dạng khám bệnh rồi đi tour.

Về góc độ quảng bá, TPHCM chưa có câu chuyện thương hiệu để bán trải nghiệm du lịch y tế. Thay vì chạy theo mô hình sức khỏe đại trà, tại sao chúng ta không xây dựng thương hiệu như “Medical Wellness Vietnam” - nơi đông tây y hòa quyện, mang đậm văn hóa trị liệu bản địa. Nếu TPHCM chuyển hóa tư duy làm dịch vụ sang kiến tạo trải nghiệm trị liệu, thành phố hoàn toàn có thể định vị mình là đô thị trị liệu thông minh và nhân văn của châu Á.

* Dường như ý tưởng về văn hóa trị liệu bản địa có vẻ khá mới trong lĩnh vực du lịch y tế?

- Như tôi đã chia sẻ, rất khó để Việt Nam cạnh tranh bằng giá rẻ hay tay nghề bác sĩ mà phải có bản sắc riêng. Tôi nhận thấy thành phố có lợi thế chưa được khai thác đúng mức, đó là bản sắc trị liệu bản địa: Từ đông y Việt Nam đến văn hóa dưỡng sinh, nghệ thuật trị liệu tinh thần.

Du khách quốc tế tham quan bảo tàng y học cổ truyền Fito (TPHCM). Quý I/2025, bảo tàng đã đón hơn 3.000 lượt khách tham quan
Du khách quốc tế tham quan bảo tàng y học cổ truyền Fito (TPHCM). Quý I/2025, bảo tàng đã đón hơn 3.000 lượt khách tham quan

Trong khi Thái Lan định vị sức khỏe gắn với Phật giáo thiền định, Ấn Độ làm nên thương hiệu toàn cầu với Ayurveda, thì TPHCM hoàn toàn có thể định vị mình là đô thị chữa lành, với trung tâm nghỉ dưỡng - trị liệu - phục hồi được tích hợp thiền, dưỡng sinh, ẩm thực trị liệu, đông y, chăm sóc tinh thần vào hành trình trải nghiệm. Nếu được đầu tư đúng hướng, trong tương lai, đây sẽ là nền tảng để xây dựng thương hiệu riêng.

Đầu tư bài bản vào các nền tảng công nghệ

* Khách hàng ngày càng đa dạng, từ Việt kiều, người nước ngoài sống tại Việt Nam đến du khách quốc tế, TPHCM cần làm gì để bắt nhịp xu hướng của du lịch y tế toàn cầu?

- Điểm đột phá mà tôi muốn nhấn mạnh tiếp theo chính là câu chuyện về khách hàng mới và kỳ vọng mới. Du lịch y tế Việt Nam đang bắt đầu thu hút những nhóm khách đến từ các quốc gia phát triển. Đặc thù của nhóm khách này là không tìm kiếm dịch vụ y tế đại trà mà cần đến cấu trúc dịch vụ được thiết kế tinh vi như hệ thống tích hợp dữ liệu sức khỏe, logistics được điều phối thông minh và trải nghiệm trị liệu gắn kết với cảm xúc - văn hóa.

Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này, tôi nghĩ TPHCM nên bắt đầu định hướng đầu tư bài bản vào các nền tảng công nghệ như hệ thống điều phối thông minh dựa trên dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa hành trình trị liệu - nghỉ dưỡng theo từng nhu cầu riêng biệt; công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR/VR) giúp khách quốc tế trải nghiệm không gian bệnh viện và quy trình điều trị từ xa; cùng với dịch vụ Telehealth, dịch vụ hậu kỳ… Đây là bước đi trọng yếu để kiến tạo chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe toàn diện, liền mạch và không bị giới hạn địa lý.

TPHCM cần chủ động kiến nghị và thí điểm chính sách như ưu đãi đầu tư vào các cơ sở y tế kết hợp nghỉ dưỡng, cấp visa y tế với thời hạn linh hoạt, mở rộng bảo hiểm y tế liên quốc gia, liên thông hồ sơ bệnh án xuyên biên giới qua nền tảng số… Đây không chỉ là điều kiện hạ tầng mềm để tăng năng lực cạnh tranh, mà còn là cam kết an toàn và tiện ích cho bệnh nhân quốc tế.

* Còn vấn đề nhân lực phục vụ du lịch y tế, thưa ông?

- Một vấn đề mà tôi thấy ít ai đưa ra phân tích là nhân lực song ngành trong lĩnh vực du lịch y tế. Khi lựa chọn trải nghiệm du lịch y tế, khách hàng cũng cần hướng dẫn viên y tế đồng hành - người am hiểu cả quy trình điều trị lẫn tâm lý, ngôn ngữ, hành vi của du khách. Khi cần họ có thể hỏi triệu chứng bệnh hoặc kết nối bác sĩ để khám online; nếu muốn có thể tư vấn điểm vui chơi phù hợp tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế đang tồn đọng là nhân lực ngành y không hiểu du lịch, ngành du lịch không hiểu y học. Việc thiếu hướng dẫn viên y tế chính là điểm mấu chốt khiến trải nghiệm du lịch y tế bị đứt gãy.

Tóm lại, rào cản không nằm ở thiếu bệnh viện hay bác sĩ giỏi, mà ở tư duy. TPHCM cần chuyển từ tư duy “bán dịch vụ y tế” sang kiến tạo hệ sinh thái trị liệu cộng sinh - nơi y học, du lịch, công nghệ và văn hóa giao thoa để mang lại giá trị lâu dài, bền vững và khác biệt.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Sở Du lịch TPHCM, trong năm 2024, ngành du lịch thành phố đã đạt nhiều kết quả ấn tượng với số lượng khách quốc tế đến thành phố 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Y tế ước tính, mỗi năm khách nước ngoài đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh mang về cho Việt Nam khoảng 2 tỉ USD. Trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam, trong đó TPHCM chiếm khoảng 40%. Để khai thác thị trường tiềm năng này, ngành du lịch thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ và nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch y tế bài bản, chất lượng cao với chi phí hợp lý để đón khách du lịch từ các thị trường tiềm năng như các nước trong khu vực ASEAN, Mỹ, Úc.

Do đó, ngày càng có nhiều kiều bào, khách quốc tế đến TPHCM để tìm kiếm các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trị liệu thẩm mỹ, nha khoa vì nhận thấy trình độ chuyên môn của các y bác sĩ và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại có mức chi phí cạnh tranh so với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, khảo sát, du khách cũng rất quan tâm đến các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu yoga và spa, cân bằng tâm - thân - trí nhằm xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách. Đây là cơ hội để cung cấp thêm những sản phẩm du lịch y tế chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phục vụ du khách.

Bài cuối: Cơ hội mới cho du lịch y tế TPHCM sau sáp nhập

Quốc Thái (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI