Sân khấu Hàn Quốc đang chọn hành trình mạo hiểm?

18/07/2025 - 08:03

PNO - Trong khi thị trường biểu diễn vẫn bị chi phối bởi những siêu phẩm quen thuộc, nhiều vở nhạc kịch Hàn Quốc đã chọn con đường mạo hiểm. Thay vì làm lại những kịch bản kinh điển phương Tây, họ sáng tạo nên những câu chuyện hoàn toàn mới, gần gũi với văn hóa bản địa nhưng mang tinh thần hiện đại và toàn cầu hóa.

Đa dạng đề tài

Dẫn đầu là Shadow, vở nhạc kịch rock lấy cảm hứng từ bi kịch giữa vua Yeongjo và Thế tử Sado dưới triều Joseon. Từ một buổi trình diễn thử nghiệm theo mô hình hòa nhạc đứng, Shadow đã trở thành tác phẩm quy mô, sẽ công diễn chính thức từ tháng 9-10 tại Nhà hát Baekam (Seoul).

nhạc kịch Shadow
Một cảnh trong nhạc kịch Shadow

Không kém phần táo bạo là The Creature, lấy cảm hứng từ phần kết tiểu thuyết Frankenstein của Mary Shelley. Vở diễn đưa khán giả tới Bắc Cực, nơi nhân vật chính đối mặt với quái vật do mình tạo ra. Tác phẩm là một sự pha trộn độc đáo giữa văn học kinh điển và chủ đề tâm lý hiện đại.

Khán giả nhí cũng không bị bỏ quên. Vở Battery Daddy, chuyển thể từ sách và phim hoạt hình thiếu nhi cùng tên, do đơn vị NHN Link sản xuất. Tác phẩm kể câu chuyện xúc động qua lăng kính của những cục pin đồ chơi, mang thông điệp về tình thân và kết nối trong gia đình.

Vở nhạc kịch Battery Daddy
Vở nhạc kịch Battery Daddy

Hành trình lan tỏa rộng hướng tới sân khấu toàn cầu

Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển sân khấu tại Hàn Quốc là xu hướng chuyển thể các tác phẩm sân khấu thành phim điện ảnh. Wildly Fun Ladies, kể về một câu lạc bộ thơ của các cụ bà hay Rappaccini’s Garden cũng đã có một vòng trình chiếu thành công. Những chuyển thể này nằm trong chương trình ARKO LIVE do Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc phối hợp cùng CGV thực hiện, nhằm đưa nghệ thuật biểu diễn tiếp cận đông đảo khán giả đại chúng.

Giáo sư Won Jong-won (Đại học Soonchunhyang) nhận định: “Từ các buổi diễn thử nhỏ đến các tác phẩm quy mô lớn, việc hỗ trợ có định hướng là yếu tố then chốt giúp sân khấu Hàn Quốc tạo dựng chỗ đứng vững chắc”.

Tham vọng của sân khấu Hàn Quốc không dừng lại ở trong nước. Công ty Time đang phát triển vở Anne Boleyn để ra mắt tại West End (Anh) vào năm 2026, sau các buổi công diễn thử tại Hàn Quốc vào tháng Mười một tới.

Các diễn viên trong buổi tổng duyệt vở vở nhạc kịch Wildly Fun Ladies tại Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc
Các diễn viên trong buổi tổng duyệt vở nhạc kịch Wildly Fun Ladies tại Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc

Tập đoàn giải trí CJ ENM, tên tuổi lớn đứng sau nhiều siêu phẩm điện ảnh và truyền hình, cũng đang lấn sân sân khấu. Dự án Dancing Queen, chuyển thể từ bộ phim cùng tên, sẽ là cú hích đầu tiên để họ thâm nhập thị trường nhạc kịch quốc tế. “Chúng tôi sẽ tận dụng kho IP (sở hữu trí tuệ) phong phú của CJ ENM để phát triển các tác phẩm nguyên bản, cạnh tranh cả trong nước lẫn quốc tế” - ông Ye Joo-yeol, Giám đốc bộ phận nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.

Thay vì tiếp tục tái dựng những huyền thoại cũ, sân khấu Hàn Quốc đang tìm đường riêng bằng cách kể những câu chuyện gốc, đậm bản sắc Á Đông, nhưng mang tâm thế toàn cầu. Những bước đi bài bản từ nội dung, đầu tư sản xuất cho đến chiến lược phát hành đang tlà những hướng đi mới, giúp sân khấu nước này tiến vào thời kỳ phát triển bền vững và mở rộng nhất so với trước đây.

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI