Donald Trump sẵn sàng 'phản bội' nước Mỹ, gây hấn vơi NATO để được Nga hậu thuẫn

29/07/2016 - 07:05

PNO - Có vẻ như để lấy được sự hậu thuẫn của phía Nga, ông Trump sẵn sàng đi ngược lại chính sách của Đảng Cộng hòa, nước Mỹ và sẵn sàng gây hấn với NATO

Tỷ phú Donald Trump nói rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ "xem xét" vấn đề công nhận Crưm là thành phần của Nga và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Moskva.

Trả lời họp báo tại Florida, nhà tỉ phú Donald Trump hứa hẹn sẽ xem xét công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga nếu ông trở thành tổng thống Mỹ. Đồng thời, ông cũng sẵn sàng xóa bỏ cấm vận Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết kế hoạch của mình, theo Itar Tass.

Donald Trump san sang 'phan boi' nuoc My, gay han voi NATO de duoc Nga hau thuan
Ông Trump sẵn sàng đi ngược lại chính sách của nước Mỹ để đổi lại sự hậu thuần từ phía ông Putin

Theo tờ Politico, một phóng viên đã hỏi về khả năng Donald Trump sẽ công nhận Crimea thuộc Nga và Mỹ có dỡ bỏ cấm vận đối với Nga hay không. Ông Donald Trump đã bất ngờ trả lời: "Có. Tôi chắc chắn sẽ xem xét vấn đề này".

Trong khi đó, chương trình chính thức của Đảng Cộng hòa giả định duy trì và có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga. Ông trùm bất động sản nước Mỹ Donald Trump cũng nói rằng ông muốn làm bạn với Nga và "cùng những người khác và các nước khác đập tan IS".

Theo tờ Washington Free Beacon, ông Trump đang hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ dư luận Mỹ do liên tục có các bình luận mang hơi hướng "thân Nga". Mới đây ông Trump còn khiêu khích các cơ quan Nga nên tìm cách trộm gần 30.000 email cá nhân của bà Cliton trong thời gian giữ chức ngoại trưởng Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump có vẻ lại tiếp tục đi ngược lại chủ trương của chính đảng Cộng hòa mà ông đang đại diện tranh cử. Tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Cleveland, các cử tri của đảng này đã thông qua cương lĩnh chính sách đảng Cộng hòa năm 2016, ủng hộ duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga.

Cương lĩnh này khẳng định sẽ duy trì và tăng cấm vận đối với Nga đến chừng nào lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine được trả lại toàn vẹn. Đảng Cộng hòa cũng chủ trương cung cấp viện trợ cho quân đội Ukraine và tăng cường hợp tác với NATO.

Trước đó, ông Trump cũng từng đưa ra quan điểm không sẵn sàng gửi viện binh cho các nước NATO nếu họ bị tấn công, đòi các nước thành viên liên minh phải đóng góp chi phí.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ NYTimes mới đây, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện, và trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công, ông sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới ra tay can thiệp.

Ngay lập tức, tuyên bố của Trump đã làm bùng lên làn sóng phản ứng giận dữ trong giới chức ở Nhà Trắng, NATO và thậm chí là cả các lãnh đạo đảng Cộng hòa.

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng ông sẽ không "can thiệp vào chiến dịch bầu cử của Mỹ", nhưng đồng thời nhấn mạnh mục tiêu rõ ràng của NATO là "bảo vệ lẫn nhau". "Hai cuộc thế chiến đã cho thấy hòa bình ở châu Âu cũng rất quan trọng với an ninh của nước Mỹ".

"Họ đã hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi chưa? Nếu họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, câu trả lời là có", ông Trump nói khi được hỏi liệu Mỹ có đem quân tiếp viện trong trường hợp ba thành viên NATO vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva bị Nga tấn công hay không.

Trong khi trước đấy, tại một hội nghị NATO diễn ra ở Ba Lan chưa đầy hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rõ chính sách của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh rằng "dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, châu Âu cũng có thể trông cậy vào Mỹ - luôn luôn".

Có vẻ như để lấy được sự hậu thuẫn của phía Nga, ông Trump sẵn sàng đi ngược lại chính sách của Đảng Cộng hòa, nước Mỹ và sẵn sàng gây hấn với NATO. Điều này càng khẳng định thêm về sự nghi ngờ của chính phủ Mỹ rằng phía Nga đã nhúng tay vào cuộc bầu cử Tổng thống để hậu thuẫn cho ông Trump là hoàn toàn có cơ sở.

Hơn 19.000 email của DNC bị tiết lộ cho thấy uỷ ban này đã ủng hộ Hillary Clinton trước đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Và các chuyên gia cho biết, email đã bị rò rỉ từ điện Kremlin. Vụ việc này đã gây ra sự phẫn nộ cho nhiều người ủng hộ Thượng nghị sĩ Sanders, trong khi nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz đã buộc phải từ chức chủ tịch DNC. Vụ việc này đã gây bất lợi cho Đảng Cộng hòa.

Khi được hỏi có phải người Nga đang cố tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới hay không, ông Obama khẳng định, "không có gì là không thể".

Ông Obama nói tiếp: "Những gì chúng tôi biết được đó là, người Nga đã tấn công mạng các hệ thống của chúng tôi, không chỉ hệ thống mạng chính phủ mà cả hệ thống tư nhân".

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm kỳ cũng xác nhận sự "ngưỡng mộ" ông Putin của Donald Trump.

"Tôi không thể nói trực tiếp những động cơ của việc tiết lộ email. Điều tôi biết là, Donald Trump nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin, ca ngợi ông Putin là 'nhà lãnh đạo mạnh mẽ' của Nga. Tôi nghĩ, nhà tỷ phú đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía Nga", người đứng đầu Nhà Trắng cho biết thêm.

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI