Đội quân “cái bang” đến từ Romania

08/08/2013 - 07:30

PNO - PN - Sau khi gia nhập châu Âu, dân Romania có thể đi lại và cư trú hợp pháp tại các nước Tây Âu trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, châu Âu đang nhức đầu vì đội quân “cái bang” đến từ Romania.

Lisa, tên một ngôi làng nhỏ nghèo khó cách thủ đô Bucharest (Romania) không xa, là nơi Sonia Sandhu (36 tuổi) sống cùng tám đứa con nhỏ. Cô vừa bị đuổi về nước sau khi lang thang ăn xin tại một nước Tây Âu. Sonia cho biết, cô sẽ không bỏ cuộc. Ăn xin ở một thủ đô phương Tây, Sonia kiếm được khoảng 60 USD/ngày, trong lúc ở Romania, cô kiếm chưa đến 30 USD/tháng. Mẹ của Sonia, bà Viorica Sandhu (70 tuổi), cũng vừa bị buộc phải trở về quê nhà. Tấm ảnh chụp cho thấy bà buồn bã khi bị cảnh sát đuổi bắt vì sống lang thang và ăn xin tại London, nhưng sự thật, ở đó bà còn có thức ăn, nơi trú thân và nhà tắm, tốt hơn hẳn ở Romania.

Tương tự, Danusica Lascarache (51 tuổi) mới bị đuổi về và đang sống tại Lasi, một thành phố phía Bắc Romania, gần biên giới Moldova. Tám thành viên của gia đình bà sống trong một căn hộ nhỏ hai phòng. Bà đi ăn xin ở nước ngoài để gửi tiền cho gia đình, sau khi bị chính phủ cắt trợ cấp an sinh xã hội. Tháng 9/2013, khi bà bắt đầu đợt “làm việc” tiếp theo, con gái bà, Ana Maria mới 24 tuổi cũng nối gót mẹ theo nghề… cái bang.

Không chỉ người lớn, trẻ em Romania đi ăn xin cũng là vấn đề nan giải với các nước láng giềng. Năm 1966, nhà độc tài Nicolae Ceausescu ban hành lệnh cấm ngừa và nạo thai, kết quả là một thế hệ “dồi dào” trẻ em được sinh ra cộng với nền kinh tế suy yếu, nên trẻ em bị bỏ rơi và phải tự kiếm sống càng nhiều.

Doi quan “cai bang” den tu Romania

Sonia và mẹ, bà Viorica - Ảnh: The Sunday Telegraph

Dân du mục cũng "góp phần" làm giảm thiện cảm đối với người Romania tại các nước khác. Ngay trong nước, dân du mục đã là nỗi ám ảnh cho dân địa phương, sau khi Romania gia nhập khối cộng đồng chung châu Âu. Họ sống gần như khắp nơi trên các nước như Pháp, Đức, Anh, Na Uy. Ước tính có khoảng 10 triệu đến 12 triệu người du mục Romania sống rải rác khắp châu Âu.

Tại làng mỏ Baia Mare, nơi nhiệt độ mùa đông có thể xuống đến -26oC, nhiều người du mục Romania ở đây đang tìm mọi cách để đến các nước khác sinh sống. Không nghề nghiệp, ăn xin là việc họ làm quen… sớm nhất.

Doi quan “cai bang” den tu Romania

Nhà ở khu ổ chuột cho dân du mục Romania tại Baia Mare - Ảnh: EPA

Với nỗ lực giúp người du mục tái định cư, thị trưởng vùng Baia, ông Chereches đã cải tạo những nhà máy và cao ốc cũ thành nhà ở cho 1.600 dân du mục và xây một bức tường ngăn giữa khu vực dân cư nội địa và dân du mục. Việc này đã gây nhiều tranh cãi: dân địa phương ủng hộ ông, trong khi các nhà quan sát lại cho là ông đang chia rẽ dân địa phương và dân du mục, vốn đã không có thiện cảm với nhau. Tuy nhiên, nỗ lực của thị trưởng Baia vẫn không giữ chân được người Romania. Những người dân du mục và người nghèo ở Romania, do sự mở cửa với các nước châu Âu, vẫn thấy cuộc sống ở nước ngoài hấp dẫn hơn.

Năm 2014, cộng đồng châu Âu sẽ cho phép người dân hai nước Bulgari và Romania tự do đi lại và làm việc ở Anh (hiện họ vẫn còn bị khống chế bởi một số thủ tục). Theo các chuyên gia, lúc đó dự kiến sẽ có 50.000 người Romania và Bulgari đến Anh hàng năm.

 PHAN QUỲNH DAO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI