Doanh nghiệp tố Bộ Y tế gây tốn kém về quy định an toàn thực phẩm

30/06/2017 - 19:03

PNO - Nếu sản xuất một thanh sôcôla cần đến 13 loại giấy phép.

Chính thủ tục 'công bố phù hợp an toàn thực phẩm" trong Nghị định 38 không hề có tác dụng kiểm soát thực phẩm mà còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc. 

Quy định trái luật?

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý. Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38)”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho biết đã nhận được rất nhiều đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bao gói liên quan tới thủ tục “công bố phù hợp an toàn thực phẩm”.

Doanh nghiep to Bo Y te gay ton kem ve quy dinh an toan thuc pham
Doanh nghiệp cần làm thủ tục hải quan. Ảnh minh họa


Cụ thể, khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, thủ tục thông quan một lô hàng hóa trong vòng 48 tiếng theo đúng thông lệ quốc tế ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 38%. Trong đó, thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, 78% còn lại là thủ tục chuyên ngành. 

Đặc biệt, việc thông quan đối với hàng hóa cần kiểm tra an toàn thực phẩm, dữ liệu hải quan lấy 104 mẫu thì có trường hợp mất tới 16 ngày.

Ngay lập tức, ông Tuấn đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải đóng góp của Nghị định 38, tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp?”. Nghị định này tác động lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Doanh nghiep to Bo Y te gay ton kem ve quy dinh an toan thuc pham
Nhiều DN sản xuất thực phẩm bao gói "tố" quy định "công bố phù hợp ATTP" của Bộ Y tế trái luật, gây tốn kém (ảnh minh họa, internet)


Soi chiếu về mặt pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, yêu cầu xác nhận “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” trong Nghị định 38 chưa phù hợp với pháp luật.

Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (đang được áp dụng đến nay) quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao bì vẫn phải đăng ký công bố phù hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước khi lưu thông trên thị trường, không quy định về biện pháp “công bố hợp quy quy định an toàn thực phẩm. Trong khi đó, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng không hề có biện pháp này”.

Ông Tuấn phân tích thêm, các căn cứ của Nghị định chưa rõ ràng, nên dễ dẫn tới việc cán bộ trực tiếp thực hiện sẽ làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Nếu sản xuất thanh sôcôla cần đến 13 giấy phép

Việc tồn tại quá nhiều thủ tục hành chính đang gây tốn kém và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp: “Tôi có thể lấy ví dụ thực tế, sản phẩm sôcôla của một doanh nghiệp được sản xuất từ 12 loại nguyên liệu thì phải thực hiện “công bố phù hợp an toàn thực phẩm” cho cả 12 loại này và sản phẩm cuối cùng. Như vậy có tới 13 loại giấy phép. Nếu chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, không thay đổi chất lượng thì vẫn phải làm lại toàn bộ thủ tục”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiep to Bo Y te gay ton kem ve quy dinh an toan thuc pham
 

Đồng tình với phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, luật sư Trần Ngọc Hân – đại diện Ủy ban Thực phẩm và đồ uống của Amcharm (Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho hay, nhiều doanh nghiệp bao gói thuộc đơn vị này phải mất cả tháng trời để thực hiện hồ sơ công bố an toàn thực phẩm, thậm chí có những hồ sơ lên tới 6 tháng vẫn chưa xong.

Không chỉ gây nhiều “phiền toái” về thủ tục hành chính, đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng, quy định “công bố phiệp an toàn thực phẩm” của Bộ Y tế không có tác dụng tăng cường và đảm bảo an toàn thực phẩm, vì thực chất Cục An toàn thực phẩm không kiểm tra cơ sở sản xuất, cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp (?!) Đồng thời, quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phù hợp an toàn thực phẩm.

Luật có nhưng không ai kiểm tra?

Đại diện Amcham và Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) khẳng định, tại các nước châu Âu và châu Mỹ không có hình thức công bố sản phẩm trước khi lưu hành như của Việt Nam.

Ở các nước, sản phẩm được quản lý theo xu hướng kiểm tra hậu kiểm, kết hợp với kiểm tra điều kiện và quy trình sản xuất của nhà máy.

Doanh nghiep to Bo Y te gay ton kem ve quy dinh an toan thuc pham
Cần kiểm soát an toàn thực phẩm sau thành phẩm


Tại các nước châu Á như Malaysia và Singapore cũng không có hình thức này. Trong khi đó, Thái Lan áp dụng hình thức kiểm tra quy trình sản xuất và kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.

“Nhiều sản phẩm thực phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới trong 20 năm qua cũng không thực hiện yêu cầu “công bố” tương tự các nước trên thế giới”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế nhận định: Những băn khoăn về quy định “công bố phù hợp an toàn thực phẩm” được các doanh nghiệp nhiều lần đề nghị bãi bỏ. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đã khẳng định kiến nghị về vấn đề này của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh sửa đổi Nghị định 38, theo thông báo của cộng đồng doanh nghiệp, dự thảo mới nhất vẫn tiếp tục giữ lại quy định này, gây nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, các hiệp hội đưa ra kiến nghị sẽ sửa đổi và bỏ qua quy định “công bố an toàn thực phẩm”, thay vào đó là quy trình một cửa, không kiểm soát trên giấy tờ mà tập trung vào hậu kiểm.

Cụ thể, để kiếm soát an toàn thực phẩm, doanh nghiệp gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Nếu đạt chất lượng, xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp và các quy định hiện hành toàn thực phẩm của Việt Nam), tiến hành công bố trên trang thông tin điện tử của phòng kiểm nghiệm. Cơ quan quản lý tập trung kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI