Doanh nghiệp coi trọng bữa ăn của công nhân

09/02/2023 - 06:32

PNO - Nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung quan tâm đến chất lượng bữa ăn của công nhân, bao gồm đảm bảo dinh dưỡng, độ an toàn, thực đơn phong phú, ngon miệng.

Công nhân đánh giá bữa ăn 

Tan ca sáng, hàng ngàn công nhân Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tập trung tại nhà ăn của công ty để ăn trưa. Chị Nguyễn Thị Tố Quyên - công nhân xí nghiệp may 1 của công ty - khen, các bữa cơm ở đây rất ngon, khẩu phần ăn thay đổi hằng ngày nên không chán. Theo thỏa ước lao động tập thể, công ty lo bữa ăn giữa ca cho người lao động, tương đương 15.000 đồng/bữa; khi giá cả sinh hoạt tăng thì tiền ăn cũng được điều chỉnh cho phù hợp.

Công nhân ăn bữa trưa trong Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Đà Nẵng) - Ảnh: Đình Dũng
Công nhân ăn bữa trưa trong Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Đà Nẵng) - Ảnh: Đình Dũng

Ông Nguyễn Hữu Khánh - Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần Dệt may 29/3 - nói: “Lãnh đạo công ty rất chú trọng chăm lo bữa ăn cho công nhân vì có ăn uống ngon miệng, đủ chất, công nhân mới có sức để làm việc hiệu quả”. Theo ông, bữa ăn giữa ca cho công nhân được thực hiện từ lúc thành lập công ty (năm 1976) đến nay. Hiện tại, công ty có 3 khu bếp, phục vụ cho 2.500 công nhân, phần lớn là bữa ăn trưa.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Khánh, từ trước tới nay, chưa từng xảy ra ngộ độc thực phẩm trong công ty. Công ty ký kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm có địa chỉ rõ ràng, đã được công ty khảo sát, đánh giá về năng lực, uy tín. Thỉnh thoảng, công đoàn kiểm tra ngẫu nhiên và lấy mẫu. Hằng ngày, bộ phận y tế của công ty cũng lưu mẫu thực phẩm, bếp trưởng có sổ ghi chép nguồn thực phẩm nhập vào. Đội ngũ nấu bếp gồm 30 người được tập huấn định kỳ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chế biến, nấu và cung cấp suất ăn tuân theo quy trình 1 chiều. 

Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng cho xây dựng phần mềm ứng dụng (app) khảo sát chất lượng bữa ăn. Định kỳ 3 hoặc 6 tháng, thông qua app, công nhân đánh giá chất lượng bữa ăn, giúp lãnh đạo công ty nắm được mong muốn của công nhân về bữa ăn để có những điều chỉnh kịp thời. Công ty cũng yêu cầu công đoàn đi khảo sát và học tập việc tổ chức bữa ăn cho công nhân ở các công ty khác. Năm 2022, Công ty cổ phần Dệt may 29/3 đã được UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen về công tác chăm lo đời sống công nhân.

An toàn phải đi kèm ngon miệng

Có mặt vào giờ ăn trưa ở Công ty TNHH MSV - nằm trong khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chuyên sản xuất hàng may mặc thời trang để xuất khẩu sang Nhật Bản - chúng tôi ghi nhận, hơn 280 phần ăn đã được nhà ăn của công ty bày sẵn trong từng khay cá nhân có nắp đậy. Mỗi phần gồm cơm, thịt heo rim, cá ngừ kho thơm và cà chua, rau muống xào, canh mướp đắng nấu với thịt. Đúng 11g30, toàn bộ cán bộ, công nhân công ty có mặt tại bàn ăn. 

Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Đà Nẵng) xây dựng phần mềm ghi nhận ý kiến của công nhân về chất lượng bữa ăn - Ảnh: Đình Dũng
Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Đà Nẵng) xây dựng phần mềm ghi nhận ý kiến của công nhân về chất lượng bữa ăn - Ảnh: Đình Dũng

Công nhân Huỳnh Thị Thủy nhận xét: “Suất ăn ở đây gần giống các bữa ăn thường ngày trong gia đình, hợp khẩu vị nên tôi ăn thấy ngon miệng”. Ông Trần Đình Hòa - Chủ tịch công đoàn Công ty MSV - cho hay, công ty có bếp ăn, chế biến và nấu theo quy trình 1 chiều, thực phẩm được cán bộ y tế, bếp trưởng kiểm tra trước khi mang vào bếp. Hằng tuần, công ty xây dựng thực đơn bữa ăn phụ gồm bánh canh, bún, phở để công nhân chọn lựa. Sau mỗi bữa ăn, công nhân còn ấn nút đánh giá về bữa ăn theo 3 mức tạm, đạt, không đạt. Công đoàn tổng hợp các đánh giá này để báo cáo với ban giám đốc công ty. 

“90% công nhân của công ty là nữ. Ngoài việc yêu cầu nhà bếp bảo đảm thực phẩm an toàn, chúng tôi còn yêu cầu đầu bếp phải nấu ngon, hợp khẩu vị của số đông. Công nhân ăn ngon miệng mới có sức khỏe để làm việc tốt và cống hiến cho công ty” - ông Trần Đình Hòa nói.

Bà Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho hay, hiện có hơn 70% số doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tổ chức bữa ăn cho công nhân, với mức từ 22.000-27.000 đồng/suất, 30% còn lại doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền ăn theo ca.

Bà Thu Nam cho biết thêm: “Một số doanh nghiệp còn tặng sữa dinh dưỡng và cho các công nhân nữ đang mang thai nghỉ giữa giờ để đi ăn dặm. Các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm nguồn nguyên liệu nhập vào bộ phận bếp. Do đó, hơn 10 năm nay, chưa từng xảy ra tình trạng công nhân ngộ độc thức ăn trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh”.

Vẫn lo về “bữa ăn ngoài công ty”

Một cán bộ công đoàn Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An cho hay, giờ tan ca, phần lớn công nhân phải mua thực phẩm, đồ dùng ở các chợ tự phát trước cổng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tình trạng này vừa gây mất an toàn giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ thực phẩm thiếu an toàn. 

Để giảm chi tiêu, nhiều công nhân ở các khu nhà trọ “góp gạo thổi cơm chung” - Ảnh: Phan Ngọc
Để giảm chi tiêu, nhiều công nhân ở các khu nhà trọ “góp gạo thổi cơm chung” - Ảnh: Phan Ngọc

“Chúng tôi cũng đã từng kiến nghị cấp trên xem xét xây chợ trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để phục vụ công nhân. Khi hoạt động của chợ được tổ chức, giám sát chặt thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm cũng bài bản, dễ dàng hơn” -  vị cán bộ này nói.

Ông Trần Quốc Huy - cán bộ công đoàn Ban Quản lý khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - cho biết, với mức lương từ 4,5-8 triệu đồng/người/tháng, phần lớn công nhân quan tâm giá rẻ hơn là yếu tố dinh dưỡng, nguồn gốc thực phẩm. Lo ngại về chất lượng bữa ăn của công nhân ở các khu nhà trọ, ông từng đề xuất xin đất ở khu công nghiệp Nam Cấm để mở siêu thị kết hợp quán ăn phục vụ công nhân nhưng không thành do quỹ đất ở khu công nghiệp này đã được bố trí hết cho các dự án.

Theo ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An - những năm gần đây, chi cục không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Năm 2022, chi cục đã thanh tra 32 bếp ăn tập thể của các công ty trong các khu công nghiệp, hầu hết đều chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. 

Ông nói: “Riêng với bữa ăn của công nhân ở các khu nhà trọ thì chúng tôi không thể giám sát được. Mức lương công nhân trong tỉnh còn thấp, nhiều người vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”, tức chọn tiêu chí giá rẻ khi mua thực phẩm”.

Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI