TPHCM cố gắng đáp ứng bữa ăn hợp khẩu vị cho nhân viên y tế

09/09/2021 - 18:27

PNO - Khảo sát 60 bệnh viện thì có 5 bệnh viện phản ánh về chất lượng bữa ăn. Các phản ánh đa phần là khẩu vị chưa vừa miệng, thức ăn bị nguội…

Một bữa ăn của nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến, ảnh Khánh Trần
Một bữa ăn của nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến, ảnh Khánh Trần

Chiều 9/9, tại cuộc họp thông tin về phòng, chống COVID-19 TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết có 5 bệnh viện không hài lòng về các suất ăn được cung cấp.

"Khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM khảo sát 60 bệnh viện thì có 5 bệnh viện phản ánh về chất lượng bữa ăn. Các phản ánh đa phần là khẩu vị chưa vừa miệng, thức ăn bị nguội, khó ăn… không có phản ánh thức ăn bị thiu hay mất an toàn", bà Lan nói.

Theo bà Phong Lan, về khẩu vị, thức ăn bệnh viện thực sự khó đáp ứng bữa ăn ngon như ý muốn bác sĩ, bệnh nhân được. Bởi môi trường bệnh viện, các bác sĩ mệt mỏi, bệnh nhân đang đấu tranh với bệnh tật khó có cảm giác ngon như cơm tại nhà. Tuy nhiên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng đang có một số biện pháp chấn chỉnh.

Thứ nhất, những vấn đề thuộc khẩu vị, bữa ăn nguội lạnh… bà Phong Lan đề nghị các công ty bàn bạc với bệnh viện để phối hợp, thống nhất. Đặc biệt là ở bệnh viện, khu cách ly có lực lượng y tế ở nơi khác chi viện, nên có những món ăn phù hợp như Bệnh viện thu dung số 1 và 11 là nơi "đóng quân"của đoàn y tế Quảng Nam và lực lượng y tế miền Bắc sẽ phải tăng cường món miền Trung, miền Bắc.

"Về việc thức ăn đến nơi bị nguội, đơn vị cung ứng sẽ phải bàn bạc lại khung giờ giao suất ăn với bệnh viện. Bởi có những bệnh viện, bác sĩ làm việc đến 14g mới xong mà suất ăn giao lúc 11g sẽ không còn nóng được. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần có khu riêng lưu trữ thức ăn, trang bị thêm lò vi sóng để bác sĩ hâm nóng lại thức ăn", bà Phong Lan nói thêm.

Trường hợp, nhân viên y tế không may thành F0 và phải ăn suất của bệnh nhân là theo quy định. Ở đây có sự chênh lệch giữa suất ăn của nhân viên y tế (120.000 đồng/ngày) và bệnh nhân (80.000 đồng/ngày). Bà Phong Lan cho rằng cần có điều chỉnh để tiếp tục áp dụng suất ăn của nhân viên y tế cho trường hợp nhân viên không may thành bệnh nhân F0.

Ngoài ra, bà Phong Lan cũng chia sẻ, qua các đợt dịch COVID-19, doanh nghiệp đã rất nỗ lực hỗ trợ suất ăn cho bệnh viện, nhưng thời điểm hiện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình đợt dịch lần này, gần một nửa doanh nghiệp trong số 218 doanh nghiệp có khả năng cung ứng hơn 1.000 suất ăn/ngày đã phải đóng cửa bởi không đảm bảo "3 tại chỗ" và nguồn cung ứng. Về vấn đề này, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã liên kết với Sở Công thương TPHCM để tìm nguồn cung ứng.

Bà Phong Lan nói thêm: "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân. Nơi cung ứng cũng đã nỗ lực rất lớn để cung cấp suất ăn đảm bảo các yêu cầu. Tuy nhiên, việc đáp ứng ăn ở cho nhân viên, chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nguyên liệu,... đã khiến các đơn vị càng thêm khó khăn. Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng đã đề nghị tăng giá trị suất ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Thành phố cũng đã đồng ý chủ trương và hy vọng sẽ sớm khắc phục trong thời gian ngắn nhất để tình hình sớm được cải thiện".

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, chính sách chăm lo tuyến đầu chống dịch đã và đang được thực hiện xuyên suốt. Theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, hiện tại có 2 nghị quyết được ban hành liên quan đến phụ cấp hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu.

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 37, về một số chế độ đặc thù, các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày. Thời điểm đó, TPHCM cũng có Nghị quyết 02 về việc nâng mức tiền ăn của lực lượng tham gia chống dịch lên 120.000 đồng/người/ngày.

Đối với Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế và một số chế độ đặc thù, nghị quyết cũng quy định các đối tượng được hưởng tiền ăn 80.000 đồng/ngày. Theo đó, Thành phố tiếp tục ban hành Nghị quyết 09, mở rộng thêm một số đối tượng được nhận hỗ trợ, đồng thời nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.

Về chế độ lưu trú, chế độ dành cho lực lượng y tế đã được áp dụng dựa vào chi phí thực tế phát sinh và định mức tại các quận và TP Thủ Đức không quá 450.000 đồng/người/ngày, cấp huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, với những cơ sở y tế công lập, bệnh viện chuyển đổi công năng, thành phố bảo đảm các chế độ hưởng lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm... trên tinh thần không giảm so với năm 2020.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI