Định luật Murphy ở cầu Ghềnh

23/03/2016 - 09:47

PNO - Định luật Murphy lên tiếng ở cầu Ghềnh. Mỗi bên liên quan có một lập luận để chỉ ra rằng họ không có điều kiện thực hiện chữ “nếu” của mình...

Dinh luat Murphy o cau Ghenh
Định luật Murphy lên tiếng ở cầu Ghềnh

Định luật Murphy rất đơn giản: nếu một việc có khả năng đi sai hướng, nó sẽ đi sai hướng. Tức là nếu có một xác suất dù cực nhỏ để sự cố xảy ra, thì trước sau gì sự cố cũng sẽ xảy ra. Định luật ấy lên tiếng ở cầu Ghềnh.

Cầu Ghềnh sập xuống sau khi một sà lan đụng vào. Tuyến đường sắt độc đạo Bắc - Nam bị gián đoạn. Ga Sài Gòn bị cô lập. Hàng ngàn con người loay hoay vất vưởng trong phương án di chuyển bị tước mất.

Thiệt hại kinh tế là không thể đo lường. Điều đó được tạo ra chỉ bởi sơ suất của một con người - người điều khiển phương tiện đường thủy. Sẽ thật dễ dàng để nói rằng đó là một tai nạn, là một rủi ro không thể tránh khỏi và “trời kêu ai nấy dạ”.

Nhưng có thật đó là vấn đề của cá nhân? Nếu tư duy đó là vấn đề của cá nhân thì có bao nhiêu rủi ro, hiểm họa đang chờ đợi và chúng ta đành mặc kệ?

Hãy nhìn lại những thứ có thể thay đổi. Rất nhiều chữ “nếu” có thể được liệt kê ra để cầu Ghềnh không bị sập xuống.

Năm 2011, một vụ tai nạn đường sắt thảm khốc đã diễn ra tại cây cầu này. Khi đó, người ta giật mình nhận ra rằng cầu Ghềnh đang trở thành một điểm xung đột giao thông giữa phương tiện đường sắt và đường bộ. Ngay sau thời điểm đó, có ý kiến cấm phương tiện đường bộ đi qua cầu Ghềnh.

Năm 2016, người ta nhận ra rằng hóa ra cầu Ghềnh không chỉ là điểm xung đột giữa đường sắt và đường bộ, mà cả đường thủy. Một điểm xung đột cực lớn diễn ra trên một kết cấu do người Pháp xây có tuổi đời cả trăm năm.

Có những giả thiết mà chỉ đến khi cây cầu sập xuống, người ta mới đặt ra. Chữ “nếu” thứ nhất: nếu có trụ bảo vệ ụ cầu thì sao? Cầu có sập không? Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói rằng không phải cầu nào cũng có thể xây trụ bảo vệ ụ cầu, mà phải căn cứ vào lưu lượng đường thủy, vào mức độ rủi ro. Thang đánh giá ấy có đúng không, rất đáng ngờ. Bởi vì “mức độ rủi ro” chỉ căn cứ vào lưu lượng đường thủy thì có vẻ chưa đủ. Rủi ro ở đây, phải bao gồm cả tuyến đường sắt Bắc-Nam quan trọng nằm trên cây cầu ấy, rủi ro ở đây cần bao gồm khả năng chịu lực của cây cầu cũ.

Vì đến cuối ngày, trước thực tế rằng đường sắt Bắc -Nam đang bị gián đoạn và sẽ cần đến ba tháng để sửa chữa, thì không ai có thể chấp nhận được tuyên bố “rủi ro ở cầu Ghềnh là thấp” nữa

Lãnh đạo ngành đường thủy thì đến khi cây cầu sập xuống, mới thừa nhận rằng quản lý chưa tốt. Nước có hệ thống đường thủy dài thứ 17 thế giới, phương tiện đường thủy chiếm 20% tổng lưu lượng giao thông, nhưng việc đầu tư cho quản lý loại hình giao thông này đã được thực hiện tới đâu thì vẫn là một câu hỏi ngỏ. Một người lái tàu không bằng cấp, không kinh nghiệm, lao chiếc sà lan vào cây cầu, khó mà nói rằng đó là vấn đề của một cá nhân. Ở đây xuất hiện chữ “nếu” thứ hai.

Chữ “nếu” thứ ba là nếu như tuyến đường sắt Bắc-Nam, hiểm yếu, không phải là con đường độc đạo. Dịp này, nhiều chuyên gia giao thông lại khẳng định rằng việc mở rộng, xây dựng thêm tuyến đường sắt Bắc-Nam thứ hai là buộc phải làm dù bằng lộ trình nào. Nhưng bài toán của ngành đường sắt, ngành không thể “xã hội hóa” như đường bộ, lại đòi hỏi vốn lớn, vẫn để đó nhiều năm qua.

Còn rất nhiều lỗ hổng có thể chỉ ra, hoặc là đặt dấu hỏi sau khi cầu Ghềnh sập xuống. Và vấn đề cốt lõi là nếu cây cầu không sập thì những chữ “nếu” quanh cây cầu ấy không được đặt ra, hoặc là không được đặt ra một cách bức thiết.

Định luật Murphy lên tiếng ở cầu Ghềnh. Mỗi bên liên quan có một lập luận để chỉ ra rằng họ không có điều kiện thực hiện chữ “nếu” của mình, với các khó khăn khách quan nào đó. Nhưng điều đó không khỏi khiến cộng đồng bị thôi thúc bởi câu hỏi: có cách nào tránh được thảm họa giao thông đã xảy ra hay không?

Thời điểm này, sẽ không có một quan chức ngành giao thông nào, cho dù có bao nhiêu “lý do khách quan”, dám nói rằng đó là điều buộc phải chấp nhận.

Sẽ có nhiều điều cần xem lại, nhiều bài học được rút ra, nhiều hành động trở nên quyết liệt hơn trong tương lai. Cầu Ghềnh có thể sẽ có trụ bảo vệ ụ cầu hoặc ngành đường thủy sẽ siết chặt quản lý phương tiện. Tất nhiên người ta không thể cảm ơn anh lái sà lan đã bị bắt, vì giúp cộng đồng chỉ ra những vấn đề, đặt ra những câu hỏi. Nhưng thực tế là anh ta đã gián tiếp lên án khá nhiều về thái độ và sự quyết liệt của những con người liên quan đến cầu Ghềnh (mà họ chưa từng biết?).

Đức Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI