Dịch bệnh, lạm phát khiến việc tựu trường trở nên nặng nề

11/08/2022 - 05:34

PNO - Năm học mới đã hoặc đang chuẩn bị bắt đầu tại nhiều nơi trên thế giới. Dù vậy, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng, học sinh được yêu cầu phải tiêm chủng bổ sung, các trường phải thay đổi chương trình giảng dạy để lấp khoảng trống kiến thức cho học sinh. Cùng với đó là gánh nặng mua sắm đồ dùng học tập do lạm phát.

Nỗi lo dịch bệnh

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), cơ quan quản lý giáo dục thông báo rằng các trường trung học chỉ có thể mở các lớp học cả ngày nếu 90% học sinh đã tiêm hai liều vắc xin và tất cả nhân viên tiêm đủ ba liều. Bên cạnh đó, học sinh và nhân viên tiếp tục thực hiện xét nghiệm COVID-19 hằng ngày trong bối cảnh gia tăng số ca nhiễm. Các lớp học nửa buổi được duy trì ở cấp tiểu học và mẫu giáo trong năm học mới. 

Lạm phát khiến việc chuẩn bị cho con tựu trường trở nên nặng nề đối với nhiều bậc phụ huynh - ẢNH: ISTOCK
Lạm phát khiến việc chuẩn bị cho con tựu trường trở nên nặng nề đối với nhiều bậc phụ huynh - Ảnh: Istock

Tại Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi học sinh tiêm phòng mũi tăng cường COVID-19 trước khi bắt đầu năm học mới vào ngày 22/8. Bộ Y tế Philippines đã lựa chọn danh sách các trường công lập dùng làm địa điểm tiêm chủng, giúp đưa vắc xin đến gần hơn với trẻ em và thanh thiếu niên chưa hoàn thành việc tiêm ngừa. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, bộ đã làm việc cùng Bộ Giáo dục để soạn thảo các quy trình sàng lọc nhằm đưa trẻ em trở lại trường học an toàn, cũng như đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và nhân viên nhà trường.

Trong khi đó, học sinh đi học lại ở Úc sau kỳ nghỉ giữa năm gặp nhiều khó khăn do số trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng. Cùng với đó là việc chính phủ từ chối thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu lây nhiễm cơ bản, bao gồm đeo khẩu trang trong lớp học.

Hiện tại, việc đeo khẩu trang của tất cả nhân viên nhà trường và học sinh từ tám tuổi trở lên chỉ mang tính khuyến khích, chứ không bắt buộc. Vì vậy, nhiều nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại, phản đối việc dỡ bỏ hầu như tất cả biện pháp y tế công cộng.

Giáo sư dịch tễ học Nancy Baxter - Đại học Melbourne - nói rằng các trường học đang thúc đẩy sự lây truyền COVID-19. Điều đó dường như đang thực sự xảy ra trên khắp nước Úc. Nhiều báo cáo địa phương cho thấy, các trường học phải chuyển sang hình thức học tập từ xa và trực tuyến do tình trạng nhân viên nghỉ bệnh. Một giáo viên trung học ở Melbourne chia sẻ: “Học sinh vẫn phát bệnh và các lớp học bị gián đoạn nghiêm trọng. Áp lực bắt kịp bài vở và đánh giá năng lực học sinh từ xa quá lớn”.

Áp lực từ lạm phát

Hơn 50 triệu học sinh chuẩn bị quay trở lại trường trên toàn nước Mỹ trong năm học 2022-2023. Dù vậy, phụ huynh đang đau đầu với việc mua sắm dụng cụ học tập giữa cảnh lạm phát leo thang. Theo công ty phân tích bán lẻ DataWeave, một giỏ hàng chứa vật dụng thiết yếu cho học sinh có mức giá tăng trung bình 15% so với năm trước. Theo Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ, các gia đình có con từ tiểu học đến trung học có kế hoạch chi trung bình 864 USD cho đồ dùng học tập, nhiều hơn 168 USD so với năm 2019. Một báo cáo riêng từ công ty kiểm toán Deloitte ghi nhận, 37% phụ huynh Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào việc mua sắm đồ dùng học tập cho con trong năm nay - vào khoảng 661 USD cho mỗi đứa trẻ. 

Mặt khác, một nghiên cứu của công ty tín dụng Karma cho thấy, 37% cha mẹ có con trong độ tuổi đi học không có khả năng mua sắm đầy đủ đồ dùng học tập do lạm phát, và gần một nửa cho biết họ sẽ phải vay nợ để trang trải chi phí tựu trường. Trước tình hình căng thẳng này, nhiều bậc cha mẹ đang chuyển sang săn hàng tồn kho, sưu tập phiếu giảm giá và mua sắm đồ cũ để tiết kiệm. 

Jessica Reyes (34 tuổi) đã đưa hai con gái của mình là Jalysa (7 tuổi) và Jenesis (5 tuổi) đến sự kiện “Back to School Bash” ở Chicago, nơi cung cấp ba lô miễn phí chứa đầy đồ dùng cho học sinh. Cô nói: “Hiện tại, gia đình chỉ có một nguồn thu nhập và lạm phát ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi, từ chi trả hóa đơn cho đến việc mua sắm các vật dụng thiết yếu trong nhà và học tập”. Các con gái của Jessica bị thu hút bởi những đồ dùng học tập có hình ảnh các nhân vật truyền hình và động vật mà chúng yêu thích, nhưng người mẹ chỉ muốn chọn các phiên bản đơn giản. Reyes nói: “Chúng muốn đồ dùng học tập có hình những con vật dễ thương. Nhưng những sản phẩm đó luôn đắt hơn những sản phẩm đơn giản”. 

Back 2 School America - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Illinois, chuyên tặng các bộ dụng cụ học tập cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp - chia sẻ: Họ đã trao 12.000 bộ đồ dùng tựu trường tính đến cuối tháng 7 và dự kiến sẽ trao hơn 30.000 phần vào cuối tháng 8. Tuy nhiên Matthew Kurtzman - Giám đốc điều hành của tổ chức - tiết lộ, nguồn tài chính của họ trong tương lai có thể không được đảm bảo do suy thoái kinh tế gia tăng.  

Linh La (theo SCMP, Newsinfo, AP, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI