Đông Nam Á Đối phó với lạm phát toàn cầu

05/06/2022 - 17:06

PNO - Từ lệnh cấm xuất khẩu đến kiểm soát giá cả, các chính phủ Đông Nam Á đang cố gắng đối phó với áp lực lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, đó có thể là một tình huống được - mất cho cả chính phủ và doanh nghiệp.

Được và mất

Trong khi lạm phát vẫn là một thách thức nghiêm trọng, các biện pháp được nhiều chính phủ các nước Đông Nam Á (nhóm ASEAN) thực hiện đã giúp bảo vệ công chúng khỏi một số đợt tăng giá. Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực không phải tăng lãi suất như ở các nước phương Tây. 

Các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp đối phó với tình trạng lạm phát toàn cầu  (trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm trong một siêu thị ở Singapore) - ẢNH: STRAITS TIMES
Các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp đối phó với tình trạng lạm phát toàn cầu (trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm trong một siêu thị ở Singapore) - Ảnh: Straits Times 

Baskoro Santoso - nhân viên quan hệ nhà đầu tư tại công ty sản xuất đồ ăn nhanh Mayora Indah của Indonesia - cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy có sự suy yếu về sức mua”. Tỷ lệ lạm phát của Indonesia tăng nhẹ trong tháng Năm do giá thực phẩm và giá vé máy bay tăng, gần như phù hợp với kỳ vọng của thị trường và nằm trong phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Margo Yuwono - người đứng đầu Cơ quan Thống kê Indonesia - cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong ba tuần vào tháng Năm đã làm giảm giá dầu ăn, nhưng lạm phát lương thực toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến giá hàng hóa địa phương. Mặt khác, lệnh cấm có thể không tốt cho nông dân trong nước.

Nửa đầu tháng Năm thật khó khăn đối với Sumochtar - một nông dân trồng cọ 51 tuổi sống tại tỉnh Aceh. Anh đã chịu rất nhiều thiệt hại kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ vào cuối tháng Tư, khiến giá quả cọ tươi giảm từ 30 - 50%. Mặc dù Indonesia đã cho phép xuất khẩu lại từ ngày 23/5, các công ty vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, làm chậm quá trình xuất khẩu các lô hàng của họ.

Tại Singapore, những con gà ướp lạnh đã nhanh chóng biến mất khỏi kệ siêu thị sau khi Malaysia tuyên bố cấm xuất khẩu thịt gà từ ngày 1/6. Số lượng gà xuất khẩu của nước này trước đó bình quân là 3,6 triệu con gà mỗi tháng. Theo Cơ quan Lương thực Singapore (SFA), Malaysia chiếm 34% nguồn cung thịt gà của Singapore vào năm 2021. Lệnh cấm xuất khẩu đồng nghĩa các món ăn truyền thống nổi tiếng của Singapore như cơm gà có khả năng tăng giá đột biến. 

Hợp tác sẽ tốt hơn 

Hiện tượng domino của chủ nghĩa dân tộc lương thực có thể là một viễn cảnh được - mất đối với tất cả mọi người thông qua nguy cơ đẩy giá lương thực lên cao. Bên cạnh đó, vì lệnh cấm xuất khẩu lương thực ngắn hạn không làm giá lương thực trong nước giảm nhiều nên việc dỡ bỏ nó cũng sẽ không lập tức dẫn đến tăng giá đột biến. Ngược lại, uy tín về chính sách trung hạn của các quốc gia và những mối quan hệ kinh doanh có thể bị đe dọa khi các đối tác chuyển sang tìm nguồn sản phẩm thay thế khác. Các lệnh cấm cũng có xu hướng làm tăng khả năng buôn lậu hàng hóa ra nước ngoài. 

Hiện có thông tin cho rằng Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới - sẽ sớm ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau những động thái tương tự đối với lúa mì và đường. Đó là điều đáng lo ngại giữa bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu bất ổn do lạm phát và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Không giống như lúa mì và bắp - giá đã tăng chóng mặt do xung đột ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung - giá gạo hiện tương đối ổn định do sản lượng dồi dào và lượng hàng hiện có trong các kho dự trữ. 

Cuối tháng Năm, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đã đề nghị Thái Lan và Việt Nam cùng kiểm soát giá gạo để thúc đẩy khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu. Kết hợp lại, hai quốc gia chiếm đến 1/4 lượng gạo thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng vẫn gây khó khăn cho việc kiểm soát thị trường. Gạo phải được bán ngay sau khi thu hoạch nếu không chất lượng của nó sẽ giảm sút. Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan - nhận xét: “Sự hợp tác hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể bắt đầu với Việt Nam là cải thiện chất lượng sản xuất và chuyển giao bí quyết”. 

 Tấn Vĩ (theo Reuters, CNA, Bloomberg, BBC, Xinhua)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI