Đẹp như tình làng, nghĩa xóm…

21/09/2022 - 05:55

PNO - Về sống giữa làng, mỗi ngày tôi đều biết ơn và lắng nghe thật nhiều.

Tôi vừa có chuyến về làng, chứng kiến cảnh bà con chòm xóm quây quần bên nhau. Họ chính là gia đình lớn - hơn 30 năm trước, khi ông bà cha mẹ tôi đều nghèo khó, bận bịu - họ đã vắt cho tôi những nắm cơm, dỗ tôi đi vào giấc ngủ. Cho đến bây giờ, 30 năm sau, họ vẫn tiếp tục trao cho tôi những thứ đẹp đẽ không thể kể hết bằng lời.

Vừa rồi, bà nội tôi mất. Bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, hưởng thọ gần 100 tuổi. Cháu con thân hữu trong gia đình cùng bà con xóm giềng, ai ai cũng đón nhận tin buồn ấy trên tinh thần nhẹ nhàng như chấp nhận quy luật thời gian. 

Khác với những người cùng thời, bà tôi là vợ bé của ông nội nên chịu nhiều thiệt thòi, bà chỉ sinh được hai người con là ba tôi và o Thương (chị của ba). Tuy nhiên, không vì nhà neo người mà đám tang đìu hiu, trống trải. 

Các o các thím mỗi người mỗi tay giúp gia đình tôi lo liệu chuyện bếp núc
Các o các thím mỗi người mỗi tay giúp gia đình tôi lo liệu chuyện bếp núc

 

Trong vòng gần ba ngày từ lúc tiếng thanh la của người trưởng thôn vừa gióng lên báo hiệu làng có người mất cho đến khi hạ huyệt, nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng khách, lực lượng hậu cần lúc nào cũng nườm nượp, năng nổ và nhiệt tình. Đó là các ông, mụ, các bác trai, bác gái, các mợ, dì, các thím sống cùng quê.

Trong cuộc đời mỗi người thường có hai lần đại sự, đó là hỉ sự và hiếu sự. Nếu hỉ sự cần ban tiếp tân thì hiếu sự cần có ban lễ nhạc bao gồm trống kèn để hỗ trợ các vị chánh bái và phụ bái. Ngoài ra, những nội dung như trong hơn hai ngày diễn ra đám, sẽ có bao nhiêu lễ trình làng, cúng họ, mỗi lễ sẽ bao gồm những thứ gì? Ai là người đọc điếu văn, đội âm công khiêng tiễn bà về đoạn cuối gồm những ai đều được bàn bạc, sắp đặt đâu ra đấy.

Một người bác khá lớn tuổi, có vai vế và am hiểu tất cả các nội dung, thủ tục. Ngày nào bác cũng có mặt ở nhà tôi từ 5 giờ sáng để chỉ đạo, điều hành các ban bệ, đội, nhóm.

 

Một đội thứ hai không kém phần quan trọng đó là đội nhà bếp. Những bà ở độ tuổi 70 đến 80 sẽ phụ trách việc bổ cau, têm trầu. Còn lại những thím, mợ, dì, xêm xêm tuổi mẹ tôi sẽ phụ trách chuyện củi lửa, bếp núc. 

Căn bếp nhà tôi bình thường chật chội, được ghép chung vào gian cuối của căn nhà nhưng trong hai, ba ngày đám được mọi người thay đổi, cơi nới, nên rộng rãi hẳn ra. Khu vực quanh bể nước cũng được mọi người thu vén, dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Nhà thiếu bát dọn cỗ, thiếu thau chậu rửa đồ, chỉ cần hô lên một tiếng thì chỉ lúc sau sẽ được “góp gió thành bão”. 

Có chứng kiến cảnh o Hóa hàng xóm mướt mồ hôi khi hì hục bắc thang trèo lên giàn sát mái nhà để lấy xuống mấy chiếc chậu nhôm gia truyền cho nhà tôi mượn mới càng thấm thía tình nghĩa ở quê. O bảo: “Mấy chiếc chậu này toàn làm từ nhôm Mỹ từ thời xưa để lại, dày và tốt chứ không như mấy loại nhôm bây giờ. O quý lắm nên phải cất kỹ, chỉ lúc nào cần kíp, quan trọng mới đem ra dùng”. 

“Làm việc nghĩa là tự nguyện và không cần cảm ơn” là tinh thần chung của hội bà thím làng tôi. Ai có thế mạnh gì thì sẽ lãnh nhận phần việc tương ứng. O Ve nấu nồi nước chè xanh gừng tươi thơm nức mũi, o Hóa phụ trách ngâm nếp đồ xôi, riêng nồi bún xáo phải vào tay thím Miền mới ngát hương đậm vị.

Bên tiếng củi lửa reo tí tách, các o các thím chuyện trò rôm rả. Những tích truyện xưa cũ và cả những câu chuyện tân thời của thế giới chị em được đem ra bàn tán. Một vài người đánh tiếng: “Làm phụ nữ mình cực hoài, quanh năm đầu tắt mặt tối nên khi đẻ con gái càng thương”. Ai đó nói vống lên: “Bây giờ khác ngày xưa rồi, chỉ cần người chồng không cưng chiều, hiểu ý thì vợ sẽ đâm đơn ra tòa liền tay, chẳng ai chịu đựng như xưa nữa, con gái bây giờ là con gái ngọc con gái ngà, dễ gì lép vế”.

Im lặng hồi lâu, bây giờ thím Loan - bà thím nhiều tuổi và vai vế bậc nhất - mới chen vào: “Nói là nói thế, chứ phụ nữ thời nào vẫn là phụ nữ. Bếp lửa có ấm không là do tay nhen nhóm của người đàn bà, gia đình có trọn vẹn hay không cũng do sự dịu dàng sắp xếp của người đàn bà. Gắng mà giữ lấy nền nếp, gia phong cho trọn đạo gia tộc. Gia đình đủ chồng đủ vợ, có bà con làng xóm nể trọng, đùm bọc đông vui như thế này mới khó chứ chia rẽ, mỗi người mỗi ngả thì mấy hồi. Dưới này mình nấu nướng, thì trên kia đàn ông họ cũng chạy vạy sắp đặt, chẳng ai ngồi không nên đừng lúc nào cũng chỉ nhìn thấy thiệt thòi của mình”.

 

Lời thím Loan có nhiều phần chí lý, khiến cho những cô gái trẻ có tư tưởng vùng lên, “mạnh ai nấy sống” có phần dịu xuống. Bản thân tôi cũng vậy, gần đây tôi từng nghe nhiều cô gái đẹp kháo nhau: “Phụ nữ sống đừng phụ thuộc, chờ đợi bất kỳ ai, hãy tự yêu lấy mình bằng cách kiếm thật nhiều tiền để còn thuê luật sư và… giang hồ khi cần”.

Tuy nhiên khi về quê, được sống giữa không khí đầm ấm, trọn vẹn của tình làng nghĩa xóm, tôi nhận ra cuộc sống này, rất nhiều lúc cái tình còn mạnh hơn cái lý. Miễn có chữ tình thì mọi người còn tìm đến, còn vì nhau.

Một xã hội cần những giá trị đổi mới và văn minh, nhưng một cộng đồng cũng cần duy trì, giữ gìn những ràng buộc thuộc về lễ nghi, nếp sống. Nếp sống thân thiện, tích cực thì tự nó sẽ đẩy lùi những điều xấu xa, hô hào, tạm bợ.

Tôi cũng nhận ra, bấy lâu nay, cha mẹ tôi đã phải sống chuẩn mực, trao đi đức độ nhiều như thế nào, thì bây giờ bà con chòm xóm mới tôn trọng, đùm bọc, trao lại nhiều yêu thương đến thế. 

Về sống giữa làng, mỗi ngày tôi đều biết ơn và lắng nghe thật nhiều. 

Diệu Thông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI