Đề xuất giảm thuế với một số mặt hàng chịu tác động bởi chính sách áp thuế của Mỹ

13/05/2025 - 12:32

PNO - Sáng 13/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Giải pháp này cùng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Về nguyên tắc đề xuất giảm thuế, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ. Cụ thể như: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.

Dự thảo Nghị quyết quy định không giảm thuế giá trị gia tăng với hàng hoá là tài nguyên khoáng sản, trừ hàng hoá đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như: sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại. Không giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ mặt hàng xăng.

Dự thảo giữ nguyên các dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội trước đây như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Dự kiến với chính sách này, số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 ngàn tỉ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 ngàn tỉ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 ngàn tỉ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi - ảnh: Media Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp. Chính sách khó đạt được mục tiêu đã đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hoà qua một thời gian dài thực hiện.

Có ý kiến cho rằng, việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách giảm thuế tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán.

Ngoài ra, dư địa tài khóa, dư địa chính sách bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai.

“Với tác động dự kiến giảm thu NSNN khoảng 39,54 ngàn tỉ đồng nhưng chưa được tính trong dự toán NSNN năm 2025, cùng các khoản chi NSNN mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác trong các nghị quyết mới sẽ được ban hành, các dự án mới được thông qua có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi NSNN năm 2025 cũng như việc xây dựng dự toán của năm 2026”, ông Phan Văn Mãi nói.

Về phạm vi điều chỉnh của chính sách, có ý kiến đề nghị rà soát để xem xét đối với một số mặt hàng chịu tác động của chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc mở rộng diện được giảm thuế, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang phát triển và tăng trưởng ổn định, việc đề xuất mở rộng diện được giảm thuế là chưa thực sự phù hợp.

Trên cơ sở đa số ý kiến, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như kiến nghị của Chính phủ.

Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc; đánh giá, tính toán khả năng cân đối ngân sách khi thực hiện.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI