Nước dừa, nước trái cây có bị áp thuế nước giải khát có đường?

09/05/2025 - 11:42

PNO - ĐBQH lo ngại, với phạm vi không rõ ràng, nước dừa, nước trái cây tự nhiên có thể bị áp thuế như nước có ga.

ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ảnh: Media Quốc hội

Phạm vi đánh thuế nước ngọt chưa rõ ràng

Góp ý về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9/5, ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu quan điểm, bổ sung thuế suất 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là chưa hợp lý.

Nguyên nhân là quy định của dự luật có phạm vi chưa rõ ràng, có thể gây tác động ngoài mong muốn.

Khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga.

ĐB phân tích: “Thực tế, 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng không biết sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không. Nếu áp mức thuế 10% cho sản phẩm này như nước ngọt có ga là chưa phù hợp, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp”.

Mặt khác, theo ông, nếu chỉ đánh thuế đồ uống có đường là chưa toàn diện, cần kết hợp các giải pháp khác như tăng cường truyền thông về dinh dưỡng để thay đổi hành vi tiêu dùng. Ngoài ra, mức thuế 10% có thể quá thấp để tác động đến thói quen tiêu dùng của cộng đồng.

ĐBQH đề xuất làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế, bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên gồm: nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất… nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo nên xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, có thể lùi thời điểm áp thuế đến năm 2027 với mức khởi điểm thấp (ví dụ 5%-8% trong năm đầu) sau đó tăng lên 10% để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.

ĐBQH Trần Văn Khải kiến nghị, một phần nguồn thu thuế từ đồ uống có đường nên được đầu tư vào y tế dự phòng và giáo dục dinh dưỡng để đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng được thực hiện một cách bền vững, thay vì chỉ tập trung vào tăng thu ngân sách nhà nước.

Chỉ nên đánh thuế với điều hòa trên 24.000 BTU

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - ảnh Media Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) - Ảnh: Media Quốc hội

Về thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ, ĐBQH Trần Văn Khải cũng chỉ ra sự bất hợp lý. Bởi, điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa, thực tế không làm giảm nhu cầu. Dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe.

Mức thuế hiện tại, vì vậy mang tính chất đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại. Thêm nữa, quy định hiện hành còn bất cập ở quy định: điều hòa công suất lớn (>90.000 BTU) không chịu thuế. Như vậy “doanh nghiệp hoặc người giàu lắp máy công suất lớn lại không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

ĐBQH đề xuất bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chỉ nên áp thuế tiêu thu đặc biệt với các hệ thống điều hòa công suất cực lớn (phục vụ không gian rộng đặc biệt) và cần đánh giá kỹ hiệu quả.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề xuất, điều hòa từ trên 24.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý do, hiện nay ở các đô thị, các khu chung cư, căn hộ chung cư thường có từ 1 đến 2 phòng và 1 phòng khách.

“Một số kỹ sư điện lạnh được tham khảo cho rằng, căn hộ có 3 phòng mà lắp 1 điều hòa 24.000 BTU cho cả 3 thì vừa tiết kiệm điện vừa tiết kiệm chi phí” - ông nói.

ĐBQH đoàn Đắk Nông cũng đề xuất bỏ quy định xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của thuế này - đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.

“Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Xăng cũng thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục” - ông Nguyễn Trường Giang đưa ra ý kiến.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI