Bất cập học phí, viện phí "cõng" thuế thu nhập doanh nghiệp

12/05/2025 - 12:40

PNO - ĐBQH chỉ ra, các trường, bệnh viện công lập tự chủ đang bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2% và chi phí này khiến học sinh, người bệnh phải "cõng".

ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu bất cập khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở giáo dục, y tế công lập tự chủ
ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu bất cập khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở giáo dục, y tế công lập tự chủ - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Vấn đề áp thuế thu nhập doanh nghiệp với nhiều cơ sở y tế, giáo dục được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay, theo quy định, dịch vụ sử dụng ngân sách thì không thu thuế. Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị công lập tự chủ vẫn bị thu thuế, không chỉ với hoạt động kinh doanh, liên kết.

Có nghĩa, khi tính giá học phí tại các trường công lập tự chủ, viện phí của các bệnh viện công tự chủ đều phải tính thêm 2% chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Học sinh, người bệnh là người trực tiếp phải "gánh" khoản phí này.

ĐBQH chỉ ra, trong cơ sở công lập, hầu hết cơ sở vật chất, kỹ thuật là do Nhà nước đầu tư, giá trị không được khấu hao. Phần chênh lệch thu chi, thực chất là khấu hao còn lại, đáng lẽ được giữ lại để tái đầu tư, tuy nhiên lại bị tính thuế.

Trong khi, Đảng, Nhà nước có chủ trương miễn học phí, thậm chí miễn viện phí, việc thu thuế như trên, theo ĐBQH không đồng nhất về chủ trương.

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị không thu thuế với các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của các đơn vị công lập, trừ những hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài. Ông đề xuất luật có hiệu lực từ 1/10/2025.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị không đánh thuế với tiền, hiện vật từ thiện - ảnh: Media Quốc hội

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nêu có vướng mắc về việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 2% tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập tự chủ.

"Trong thực tế, cơ quan thuế hiện căn cứ vào chữ dịch vụ, cứ chữ nào dịch vụ là thu. Trong khi đó, hệ thống y tế có khái niệm “thu”từ dịch vụ sự nghiệp công”, nên đại đa số các dịch vụ của bệnh viện đều bị đánh thuế", ĐBQH nói.

Chính vì vậy, tôi xin đề xuất xuất bản bổ sung quy định điều này rõ ràng: đơn vị bệnh viện công không phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ dịch vụ chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ, nhân công, thiết bị y tế, chi phí quản lý...

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị bổ sung điều khoản: thu nhập nhận được từ tài trợ, bao gồm từ tiền và hiện vật, nếu sử dụng đúng cho các hoạt động giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo... thì không phải chịu thuế.

Từ đó, các bệnh viện có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất...; đồng thời, động viên nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ cho lĩnh vực y tế. Các quy định này sẽ làm rõ tính toán minh bạch, giảm rủi ro pháp lý cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xã hội.

Một bất cập khác được chỉ ra trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp là hiện nay, ngoài cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, các bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc, đưa đón người bệnh, chuyên gia tư vấn, giặt là, ăn uống... Các dịch vụ này sẽ được quy định như thế nào về thuế để vừa đảm bảo tính công bằng trong chính sách thuế, vừa giảm giá thành cho người bệnh.

Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cũng tính các khoản thu từ thuốc trong hoạt động khám chữa bệnh nội trú. Cơ sở khám chữa bệnh đóng thuế theo phương pháp trực tiếp doanh thu. Số tiền này sẽ tính vào tiền túi của người bệnh. Chính vì vậy, ĐBQH đề xuất hỗ trợ bổ sung quy định miễn thuế với thuốc bệnh nhân sử dụng trong nội trú.

Chung quan điểm với nhiều ĐBQH, ông Nguyễn Lân Hiếu tán thành, dự luật cần có hiệu lực sớm, từ 1/10/2025.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI