Đấu tranh chống thuốc giả: không có ngoại lệ và vùng cấm

26/05/2025 - 13:39

PNO - Không chỉ xử lý hành vi bán, mà còn cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc

Phải đấu tranh quyết liệt đối với nạn buôn bán thuốc giả

Sáng 26/5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Báo Tiền Phong phối hợp với Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM và Trường Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay toàn ngành y tế và cả hệ thống chính trị đang quyết liệt triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người, nạn thuốc giả khiến xã hội có thể đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng, nhất là sức khỏe nhân dân và uy tín của ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo

“Vì vậy, bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào, dù chỉ là một viên thuốc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề thuốc giả, thực phẩm chức năng giả rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Thuốc giả là tội ác. Ngăn chặn thuốc giả không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn ngành y tế, doanh nghiệp, truyền thông và cả cộng đồng”.

Theo tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng thuốc giả từ bên ngoài xâm nhập, rồi lan rộng qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại Việt Nam vẫn đang thiếu trang thiết bị hiện đại để kiểm tra nhanh tại chỗ, chưa đồng bộ về năng lực. Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với thuốc không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự.

Thuốc giả bị công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá
Thuốc giả bị công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá

Trước thực trạng trên, ông Hùng đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp ngăn chặn thuốc giả như hoàn thiện pháp luật, tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

“Bên cạnh đó, cần siết chặt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội. Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự tỉnh táo và hợp tác của người dân” - ông Hùng nói.

Luật chưa đủ răn đe

Luật sư Phan Thành Tâm, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hiện nay có 10 cơ sở pháp lý cho công tác quản lý dược, trong đó, có Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo khoản 1 Điều 194: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị xử phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Còn theo khoản 2 Điều 194, người nào nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng như có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt từ 5 đến 12 năm tù.

Bên cạnh đó, luật sư Tâm cho rằng công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn, thiếu sự cập nhật, đồng bộ; bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước, cơ cấu tổ chức chồng chéo, một người kiêm nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm phân tán, luật chưa đủ tính răn đe, bởi tội buôn bán thuốc giả có thể chỉ bị xử án treo, chưa tương xứng với hậu quả và nguy cơ xã hội.

Khách tham gia hội thảo lưu lại thông tin về thuốc giả
Khách tham gia hội thảo lưu lại thông tin về thuốc giả

Luật sư Tâm đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm, phân công cụ thể (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm); tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện pháp luật.

Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm thuốc chữa bệnh; siết chặt quản lý, khẩn trương rà soát các quy định hiện hành; tăng mức xử phạt đối với hành vi buôn bán thuốc giả, kể cả xử lý hình sự nếu cần thiết. Tăng cường trách nhiệm của cơ sở cung ứng thuốc và chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa thuốc giả trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, bổ sung các quy định về tiền kiểm, hậu kiểm thuốc xác định rõ cơ quan chủ trì, xử lý thuốc giả; tăng cường phối hợp liên ngành, tránh chồng chéo; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thuốc; thiết lập đường dây nóng để người dân tố giác thuốc giả; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin thuốc nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới; giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet, mạng xã hội…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI