Mua thuốc giả, rước bệnh thật vì tin lời “bác sĩ online”

12/05/2025 - 06:24

PNO - “Bác sĩ online” xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, sẵn sàng bắt bệnh, chữa bệnh bằng những đơn thuốc, thực phẩm chức năng “đặc trị”, “gia truyền”. Không ít người đã phải gánh chịu hậu quả khi tin vào những lời tư vấn sai lệch và dùng sai thuốc, sai liều lượng.

Tin chuyên gia ảo, rước bệnh thật

Trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát, anh T.V.K. - 37 tuổi, ở tỉnh Bình Phước - được chẩn đoán men gan cao, mỡ máu tăng, chỉ định điều trị bằng thuốc, và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, hạn chế uống rượu, bia.

Sau 1 tháng uống thuốc, anh K. đến phòng khám tư nhân để kiểm tra lại thì các chỉ số chưa được cải thiện rõ rệt nên được bác sĩ khuyên tiếp tục uống thuốc. Tình cờ xem TikTok, anh thấy video giới thiệu bài thuốc giải độc gan, tan mỡ máu bằng lá ổi. Nữ “chuyên gia” trên TikTok khẳng định giải độc gan sau 7 ngày và khỏi bệnh hoàn toàn sau 30 ngày.

Anh K. kể: “Chị ấy nói chỉ cần ngắt đọt non của cây ổi, đun sôi khoảng 5 phút, cho thêm một ít muối hột rồi uống như uống trà mỗi sáng hoặc uống thay nước lã. Sau khi uống, tôi cảm thấy ngủ sâu hơn, ăn uống ngon miệng, không còn căng thẳng nên thường đun ấm to, để dành uống cả ngày”. Từ khi gặp “thần dược”, anh K. cũng ngưng uống thuốc theo toa của bác sĩ.

Thời gian gần đây, các cơ sở y tế ghi nhận không ít bệnh nhân bị suy thận, suy gan, hôn mê… do dùng thuốc theo sự tư vấn của bác sĩ trên mạng. Trong ảnh: Một bệnh nhân suy thận điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - ẢNH: PHẠM AN
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế ghi nhận không ít bệnh nhân bị suy thận, suy gan, hôn mê… do dùng thuốc theo sự tư vấn của bác sĩ trên mạng. Trong ảnh: Một bệnh nhân suy thận điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Phạm An

Sau khoảng 4 tháng liên tục uống nước lá ổi, anh K. bắt đầu có triệu chứng chóng mặt, căng tức vùng hạ sườn phải, tiểu ít, tiểu gắt. Anh đến một bệnh viện ở TPHCM khám, bác sĩ cho biết, anh bị tổn thương gan cấp, men gan tăng gấp 3 lần so với chỉ số ban đầu, cần nhập viện. Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe anh dần ổn định nhưng vẫn cần theo dõi và phục hồi gan lâu dài. Anh K. phân bua: “Tại tôi thấy người trên TikTok mặc áo bác sĩ, nói kinh nghiệm hơn 20 năm điều trị men gan bằng đông y, nhiều người bình luận dưới video rằng đã làm theo và hết bệnh trong vài tháng nên tôi rất tin tưởng”.

Điều trị glocom (cườm nước trong mắt) nhiều năm, chị D.T.L.B. - 28 tuổi, ở tỉnh Long An - lên mạng tìm cách chữa dứt bệnh dù bác sĩ Bệnh viện Mắt TPHCM khẳng định chưa có phương pháp trị dứt bệnh này mà chỉ có phác đồ điều trị nhằm ổn định nhãn áp, bảo vệ dây thần kinh mắt. Nghe theo lời “bác sĩ” trên mạng, chị B. đặt mua một lọ thuốc nhỏ mắt gia truyền được quảng cáo là “đặc trị cườm nước” với giá hơn 400.000 đồng, nhỏ mắt 3 lần/ngày. Khi vừa nhỏ thuốc, chị B. bị đau rát 2 mắt, sưng nhẹ mí mắt nhưng không đi khám.

“Lúc live stream (quay phát trực tiếp trên mạng), bác sĩ nói thuốc được bào chế từ tinh chất gừng, nghệ và 20 thảo dược khác nên tôi nghĩ cay rát mắt là do gừng. Tình trạng này kéo dài khoảng 5 phút, sau đó tôi thấy mắt rõ hơn nên vẫn tiếp tục xài thuốc này. Khoảng 4 ngày sau, mắt tôi đau dữ dội, nhìn kém và sưng húp, gần như không còn nhìn thấy nữa” - chị B. nhớ lại.

Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, các bác sĩ xác định, chị B. bị tổn thương giác mạc, tăng nhãn áp cấp tính, có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời. May là sau gần 1 tháng điều trị, chị dần phục hồi thị lực, nhưng vẫn cần tái khám bởi có khả năng bị di chứng của thuốc mua từ mạng.

Không để "bác sĩ online" tự tung tự tác

Bác sĩ Nguyễn Quang Đại - Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Mắt TPHCM - cho hay, ngành y thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh glocom. Các phương pháp như dùng thuốc, lazer, phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân ổn định nhãn áp, bảo vệ dây thần kinh mắt mà thôi. Mặc dù các bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân glocom rất kỹ nhưng người bệnh vẫn luôn muốn được điều trị dứt điểm. Ông khuyên, người bị glocom nên thực hiện nghiêm chỉ định của bác sĩ (đo nhãn áp, kiểm tra thị lực, tuân thủ phác đồ điều trị).

Ông nói, khi vào mạng xã hội, ông thấy một số clip tư vấn điều trị bệnh glocom, trong đó người tư vấn tự nhận là chuyên gia hàng đầu về bệnh này, cam kết chỉ cần điều trị 1 liệu trình là hết bệnh 100% nhưng liệu trình, thuốc mà họ nêu ra hoàn toàn không có cơ sở khoa học và chưa được Bộ Y tế cấp phép. Bệnh nhân luôn muốn khỏi bệnh, xem các clip với tần suất dày đặc thì họ tin theo, làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Không ít bệnh nhân suy gan, suy thận do tin “bác sĩ online”, áp dụng các bài thuốc phi khoa học - Ảnh minh họa: Phạm An (chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM)
Không ít bệnh nhân suy gan, suy thận do tin “bác sĩ online”, áp dụng các bài thuốc phi khoa học - Ảnh minh họa: Phạm An (chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM)

Theo ông Lê Văn Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông - ngoài chuyên gia y tế ảo, vẫn có một số bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư thực hiện chương trình tư vấn y tế. Tuy nhiên, khi tư vấn y khoa, các chuyên gia không nên đưa tên thuốc tây y lẫn đông y, bởi người dân Việt Nam rất tin vào bác sĩ, nhất là người có học hàm, học vị cao, từng hoặc đang giữ cương vị quan trọng trong bệnh viện, trong ngành y. Họ sẽ tìm mua các sản phẩm được tư vấn, quảng cáo và bỏ thuốc, liệu trình đã được bác sĩ bệnh viện chỉ định.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc có đông “bác sĩ online” tư vấn, thậm chí bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý: “Đây là những hoạt động trái phép, gây hại sức khỏe, tính mạng người dân. Cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc”. Theo ông, các bộ, ban, ngành liên quan phải khẩn trương vào cuộc, kiểm soát các nền tảng trực tuyến, tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc chậm trễ quản lý không chỉ tiếp tay cho hành vi lừa đảo, gây nguy hiểm cho người dân mà còn làm suy giảm niềm tin vào hệ thống y tế và pháp luật. Cần có những biện pháp mạnh và hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.

Ý kiến:

Cẩn thận với việc khám bệnh từ xa

Y tế từ xa giúp bác sĩ khám, tư vấn cho khách hàng nhanh hơn, người bệnh tiết kiệm được các chi phí như đi lại, thuê nhà nghỉ. Tuy nhiên, khám bệnh từ xa chưa thể thay thế được hình thức khám trực tiếp. Đặc biệt, hiện nay, y tế từ xa cũng chưa có tính pháp lý rõ ràng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khám, chữa bệnh từ xa nhưng phải thật cẩn trọng và không nên lạm dụng hình thức này bởi kể cả khi khám trực tiếp, bác sĩ còn chưa chắc đã chẩn đoán, đưa ra được quyết định đúng đắn.


Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Quản lý thuốc, thực phẩm trực tuyến rất khó

Sở Y tế TPHCM gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo, kinh doanh trực tuyến. Trong đó, khó khăn lớn nhất là xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm công ty sở hữu sản phẩm, người sở hữu website, chủ tài khoản, người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo trên mạng xã hội, nhất là khi máy chủ đặt ở nước ngoài. Khi bị phát hiện, việc các cá nhân, tổ chức tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử, không hợp tác, không làm việc theo giấy mời cũng khiến cơ quan quản lý lúng túng. Cơ quan quản lý cũng chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ để xử lý quảng cáo vi phạm.

Sở Y tế TPHCM đã đề xuất tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý quảng cáo vi phạm trên các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử; quản lý chặt chẽ thông tin các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu, quản lý các trang, nhóm trên mạng xã hội, trang tin điện tử, website.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI