Nhiều cơ sở sản xuất thuốc giả, quảng cáo lố bị xử lý
Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã xử phạt Công ty TNHH Nhất Nhất 200 triệu đồng về hành vi: quảng bá gây nhầm lẫn liên quan đến các sản phẩm sữa rửa mặt Lenka, nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid…
Công ty này đã bị buộc cải chính công khai trên trang thông tin điện tử của mình. Đáng nói là vào tháng 5/2016, công ty này cũng đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký.
 |
Các loại thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ, xử lý vào tháng 4/2025 - Nguồn ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Sở Y tế TPHCM cũng đã phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả bao gồm các loại thuốc như Cefuroxim 500mg, Cefixim 200mg và Neo-Codion. Các cơ sở vi phạm này đã bị lập hồ sơ và chuyển sang Công an TPHCM để điều tra, xử lý. Từ phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra và phát hiện 1 nhà thuốc tại TPHCM có hành vi kinh doanh thuốc giả, chuyển cơ quan công an xử lý.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã liên tiếp ban hành công văn nhằm siết chặt quản lý, giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng. Riêng tháng 4 và 5/2025, sở đã ban hành ít nhất 6 công văn quan trọng, tập trung vào quản lý thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, rà soát tình trạng sữa giả, cảnh báo thuốc không rõ nguồn gốc và yêu cầu tuân thủ nghiêm pháp luật trong kinh doanh dược.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay, sở đang tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược nhằm ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên địa bàn. Các lỗi vi phạm thường gặp ở các cơ sở kinh doanh dược bao gồm: kinh doanh không đúng phạm vi giấy phép, mua bán thuốc từ các cơ sở không đủ điều kiện, lưu hành thuốc không có hóa đơn, chứng từ; cơ sở chưa thực hiện theo dõi dữ liệu mua, bán theo quy định và không đảm bảo chất lượng...
Trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm tháng Năm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc. Theo đó, từ ngày 15/5 đến 15/6, các địa phương phải mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, y tế và Ban chỉ đạo 389 địa phương để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Bộ Y tế yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 20/6.
Không tự ý dùng thuốc, thực phẩm chức năng
Một bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, không ít người bệnh, nhất là người đang mắc bệnh mạn tính, tin dùng các sản phẩm trên mạng rồi phải vào cấp cứu vì suy gan, suy thận. Có trường hợp khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nặng, phải lọc máu liên tục mới có thể cứu sống.
Khi được hỏi, hầu hết người bệnh cho rằng trong quá trình xem điện thoại, thường có các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được thổi phồng tác dụng như “trị bách bệnh, thuốc gia truyền hoàn tiền nếu không khỏi, uống 1 lần là dứt điểm bệnh…”. Thực chất, các loại thuốc này có hàm lượng corticoid rất cao. Ban đầu uống vào người bệnh cảm thấy cơn đau giảm nhiều, ngủ ngon, thèm ăn và nghĩ rằng đã mua đúng thuốc. Bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chuyển sang dùng thuốc mua trên mạng, đã có không ít trường hợp được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nặng...
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - thực phẩm chức năng, thuốc giả sẽ khó đáp ứng về điều trị, dẫn đến người dùng không nhận được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào như mong đợi, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Chưa kể các sản phẩm này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Uống trong thời gian dài làm tích tụ chất có hại, dẫn đến suy gan, suy thận, ung thư. Đối với những người đang mắc bệnh, việc sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc giả thay vì thuốc điều trị có thể làm bệnh tình trở nên nghiêm trọng, bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị.
“Do đó, người dân nên mua thuốc tại cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhà thuốc được cấp phép, thận trọng khi đặt mua online, hàng xách tay. Nên kiểm tra kỹ tem chống giả, bao bì, hạn sử dụng trước khi mua, không tự ý sử dụng thêm thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ” - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan khuyến cáo.
TPHCM tăng cường kiểm tra thực phẩm chức năng, thuốc giả Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết sở đã ban hành công văn khẩn về việc rà soát, báo cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm… Yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh, sử dụng trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả nhà thuốc và cơ sở kinh doanh khác). Đảm bảo không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các cơ sở phải rà soát lại quy trình mua thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế tại đơn vị trong thời gian qua. Đảm bảo sản phẩm được cung ứng là hàng hóa được phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, nhà thuốc và trung tâm kiểm nghiệm tăng cường kiểm tra nội bộ, rà soát danh mục thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng hoặc kinh doanh. Đặc biệt là các sản phẩm từng bị Bộ Y tế cảnh báo. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chỉ mua hàng từ nguồn hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. |
Phạm An - An Nguyên