Đau đầu vì lỡ tay chi một cái tết xa hoa

04/02/2022 - 14:13

PNO - Dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, tư tưởng “làm cả năm ăn ba ngày tết” khiến nhiều người vẫn muốn chi bộn tiền sắm sửa cho năm mới.

Sau khi mua nhà mới, vợ chồng Thảo vẫn còn nợ ngân hàng hơn 400 triệu đồng. Khoản nợ này cũng không phải là gánh nặng quá lớn so với thu nhập của vợ chồng cô trước đây.

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh chưa nặng nề lắm, cặp vợ chồng này cảm thấy vẫn xoay xở được. Thế nhưng, năm nay dịch bệnh nặng nề hơn, thu nhập bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, khiến cho Thảo rơi vào tình trạng căng thẳng về tiền bạc.

Tết đến, phải sắm sửa thứ nọ, thứ kia, rồi quà cáp cho hai bên nội ngoại, khiến cô cảm thấy đau đầu. Mấy tuần trước, ti vi bị hỏng, Huân liền mua cái mới. Nhân tiện, anh bàn với vợ đổi bộ sofa cho phòng khách mới mẻ để đón tết. Thảo một mực phản đối. Trong thời buổi dịch bệnh này, thu nhập đang bị ảnh hưởng, những đồ cũ vẫn đang dùng tốt thì tội gì phải thay mới. Hơn nữa, năm nay do dịch bệnh chắc bạn bè, người quen cũng hạn chế tới nhà chúc tết, việc thay nội thất mới càng không cần thiết.

Chi tiêu hợp lý, bạn vẫn có một cái Tết vừa ấm cúng vừa tiết kiệm (Hình minh họa)

Chi tiêu hợp lý, bạn vẫn có một cái tết vừa ấm cúng vừa tiết kiệm (Hình minh họa)

Đã thế, Huân vẫn muốn chi một số tiền kha khá để mua mai, quất và lan chơi tết. Còn Thảo chỉ muốn mua cây mai nhỏ cho có không khí là được. Hai vợ chồng cứ mặc lại áo dài và bộ vest cũ cũng chẳng sao. Chỉ sắm sửa quần áo mới cho hai đứa trẻ là đủ.

Huân lại cho rằng dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả nhà đã không được đi du lịch như mọi năm để thay đổi không khí và nghỉ ngơi thì nên thay đổi nội thất một chút cũng không sao. Tết nhất mà không có chậu mai tử tế thì còn gì là ngày tết. Nếu vợ thấy thiếu, anh có thể đưa thêm tiền cho cô. Thảo đã giải thích với chồng, cô cắt giảm chi tiêu vì muốn tiết kiệm thêm chút đỉnh, vì chắc chắn phải một thời gian nữa thu nhập mới được như lúc trước dịch.

Chuyện còn chưa dừng lại ở đó. Mọi năm, hai vợ chồng Huân đều biếu ba má mỗi bên 15 triệu đồng để ông bà sắm tết. Thêm vào đó, Thảo cũng mua kha khá bánh trái và đồ ăn mang sang biếu ba mẹ. Năm nay, biết các con khó khăn, bà nội bọn trẻ đã dặn Thảo không phải sắm sửa gì cho ông bà. Ông bà có lương hưu nên tự lo được.

Chị Thảo bàn với chồng chỉ biếu ba má hai bên mỗi bên 5 triệu và mua bánh trái, đồ ăn như mọi năm. Huân lại cho rằng cả năm chỉ có dịp tết để biếu ba mẹ chút đỉnh, gọi là báo hiếu. Công lao ba má nuôi dưỡng bao nhiêu năm, hỗ trợ kinh tế cho hai vợ chồng lúc mới cưới, ông bà không tính toán thì thôi, cớ sao con cái mới khó khăn một chút đã tính toán với cha mẹ. Nếu Thảo thấy tiếc thì Huân sẽ tự lo tiền mừng tuổi ông bà nội ngoại.

Đó là còn chưa kể tới việc Huân là con cả trong gia đình, nếu anh mừng tuổi ba má ít hơn em trai và em gái, anh sẽ thấy mất mặt. Thảo lại cho rằng đã là người một nhà thì không cần phải câu nệ chuyện đó. Ba má hai bên đều có lương hưu, đâu phải không có thu nhập, phải sống dựa vào tiền con cháu chu cấp.

Ngày tết, nhìn chồng "vung tay quá trán", ruột gan Thảo rối bời. Ra Giêng, còn nhiều thứ phải chi tiêu, với cái đà này kiểu gì cũng thiếu hụt. Lúc đó, cực chẳng đã phải đi vay mượn họ hàng, người quen, không phải làm trò cười hay sao?

Nếu chỉ sắm sửa chi tiêu đúng như Thảo đã tính toán, thì năm nay vợ chồng cô tiết kiệm được mấy chục triệu đồng. Số tiền này không lớn, nhưng đang sống trong cảnh dịch bệnh, không biết khi nào mọi thứ mới quay về như lúc trước khi có dịch bệnh, nên tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó. Tết nhất, chỉ cần được bình an để sum vầy bên nhau là đủ.

Ngọc Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI