Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19:

Đau cổ, họng sau khi khỏi COVID-19

19/11/2021 - 06:49

PNO - Đã khỏi COVID-19 và đang cách ly nhưng vẫn còn đau cổ và cảm giác như có gì ở cổ, nuốt đau, nói cũng hơi đau.


Cách đây một tháng, tôi dương tính với COVID-19. Hiện tại, tôi đã khỏi và đang cách ly nhưng vẫn còn đau cổ và cảm giác như có gì ở cổ, nuốt đau, nói cũng hơi đau. Làm sao để hết triệu chứng này, thưa bác sĩ?

Thanh Vân (Q.Bình Thạnh, TPHCM)


Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Lê Huy Hòa, Phòng khám Chuyên gia Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, trả lời: Theo như bạn mô tả, triệu chứng đau họng của bạn có thể do hội chứng hậu COVID-19, hoặc do mới mắc bệnh khác không liên quan đến COVID-19. Đau họng do hậu COVID-19 gây khó chịu, lo lắng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Còn đau họng do bệnh lý mới mắc thì tùy theo nguyên nhân mà có phương pháp điều trị và tiên lượng khác nhau.

Về hội chứng hậu COVID-19, khi virus xâm nhập cơ thể (ở đây là vùng mũi họng, và hệ hô hấp), tế bào lympho T nhận diện virus, tiết ra các Cytokines để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động, lympho B sản xuất ra kháng thể, lympho T khác thì tăng sinh để trực tiếp bắt giữ virus, các bạch cầu được hấp dẫn về ổ viêm, các mạch máu được mở rộng để chuyên chở vật chất kháng virus đến ổ viêm…

Tất cả hoạt động này có được là do vai trò của các Cytokines. Sự đề kháng của cơ thể lớn dần và virus bị ức chế dần, sau 7 - 10 ngày bệnh nhân loại bỏ được virusra khỏi cơ thể và khỏi bệnh. Có khoảng 80% bệnh nhân khỏi bệnh một cách êm ả như vậy, sau vài ngày nóng sốt, đau họng… Để điều trị chứng đau họng hậu COVID-19, bạn cần súc miệng bằng nước muối ấm, sử dụng các thuốc như viên ngậm, bình xịt họng, thuốc đa sinh tố… ăn uống đầy đủ.

Còn nếu tình trạng đau họng kéo dài, hoặc tăng thêm, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ho khạc đàm, sưng nề và nổi hạch vùng cổ… thì có thể không phải do hội chứng hậu COVID-19. Các nguyên nhân gây đau họng có thể gặp là: nhiễm cúm hoặc cảm lạnh, nhiễm vi khuẩn Streptococcus, trào ngược dạ dày - thực quản, dị ứng, không khí quá khô, khói thuốc, hóa chất, chấn thương vùng cổ, khối u vùng cổ. Để chẩn đoán đau họng, cần dựa vào triệu chứng lâm sàng, hỏi bệnh cẩn thận, chi tiết, khám vùng cổ, soi vùng họng… Để chẩn đoán nguyên nhân đôi khi cần phải xét nghiệm máu, phết họng để tìm vi khuẩn, hoặc sinh thiết khối u vùng họng (nếu có)…

Bạn cần đến bệnh viện khi có các biểu hiện sau: đau họng ngày càng tăng, nuốt đau, nuốt vướng, khó thở hoặc đau tăng khi thở mạnh, khó há miệng, sốt cao trên 38oC, kèm đau các khớp, đau tai, cứng cổ, ho khạc có máu hoặc ho khạc đàm đục có màu vàng, xanh. Về điều trị, ngoài để giảm triệu chứng như súc miệng bằng nước muối ấm, thuốc ngậm hay xịt họng… người bệnh sẽ được điều trị chuyên khoa tùy theo nguyên nhân gây đau họng. 

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn.


 Gia Nhi (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI