Đất “bờ xôi, ruộng mật” cũng bỏ hoang

14/08/2020 - 07:25

PNO - Hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp tại Nghệ An đang bị bỏ hoang, trong đó có không ít diện tích thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”. Dù vậy, người dân cũng chẳng mặn mà cho doanh nghiệp thuê đất để khai thác dài lâu.

Lời tòa soạn: Người nông dân ở Quảng Ngãi chết trân trên đồng khi ruộng của mình bị nhà đầu tư san lấp phân lô rồi đền bù với giá rẻ mạt, để họ phải mòn chân đội đơn đi kiện. Cũng người nông dân đó, ở Nghệ An, lại... bĩu môi với lời đề nghị cho thuê đất “bờ xôi, ruộng mật” dài hạn để “công nghiệp hóa nông nghiệp”, vì thu nhập từ nghề khác có thể bảo đảm cuộc sống, nên đất để đó ngó chơi, mặc cho cỏ mọc thành rừng. Hững hờ quay mặt hay tha thiết cháy lòng với đất, đều là câu chuyện nông dân ở ngã ba đường, không có quyền chọn lựa, hay có chọn lựa cũng chỉ là hình thức, bởi giá trị và lợi ích từ đất với họ, gần như không. Một lần nữa, trong cơn đại dịch này, những xung đột lợi ích kinh tế giữa buổi khốn khó áo cơm, hẳn sẽ thêm vết hằn trên ruộng. Vết dầu loang gây bao hệ lụy khi ruộng đồng than khóc, vẫn tiếp tục, khi Nhà nước chưa thực sự xem đất đai trong tay nông dân là máu thịt của họ...

Bài 1: Nước mắt nông dân thời phân lô bán nền

Đất ''ngon lành'' nhưng không sản xuất

Được xem là vựa lúa của Nghệ An, song không khó để bắt gặp những cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm ở huyện Yên Thành trong vụ mùa hè thu năm 2020. Vì sao, những cánh đồng màu mỡ này lại bỏ hoang?

Những cánh đồng lúa mênh mông bị bỏ hoang ở huyện lúa Yên Thành
Những cánh đồng lúa mênh mông bị bỏ hoang ở huyện lúa Yên Thành

Ông Nguyễn Xuân Phượng - nhà ở xã Phú Thành, huyện Yên Thành bày tỏ: “Bây giờ nhìn ra ruộng đồng bỏ không buồn lắm. Chỉ có cánh người già mới làm vì nuối tiếc thôi, chứ lũ trẻ chẳng đứa nào ngó ngàng tới đồng ruộng. Mà cũng đúng, bám vô đây thì lấy chi mà ăn”.

Nhìn những đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng mênh mông, ông Phượng nhẩm tính, ngày trước, mỗi vụ cấy có khi kéo dài cả tháng trời, nay chỉ dăm ba ngày là xong nhưng tất tần tật đều phải thuê. Mỗi sào phải đầu tư 250.000 đồng tiền cày bừa, 300.000 đồng tiền thuê cấy lúa, 180.000 đồng tiền gặt, rồi tiền giống lúa, làm cỏ, thuốc bảo vệ thực vật... “Vị chi đầu tư mất tầm 1,5 triệu đồng/sào/vụ. Nếu như ngày xưa có thể lấy công làm lãi, chứ nay thuê hết thì may ra được mùa mới không bị lỗ” - ông Phượng nói.

Bà Phan Thị Mười (xã Long Thành, huyện Yên Thành) so sánh, hai vợ chồng con gái bà đều làm công nhân, mỗi tháng cũng có 7 đến 8 triệu đồng tiền lương, nếu so với làm ruộng thì thu nhập ổn định hơn nhiều. Cậu con trai của bà Mười, sau khi học đủ thứ nghề thì quyết “ly nông bất ly hương” bằng nghề sửa điện thoại, trừ chi phí mỗi tháng cũng có năm ba triệu để dành. Bởi vậy nên giờ nhiều người không muốn làm ruộng nữa, có chăng cũng chỉ làm một vụ để có lúa sạch ăn, không phải đi mua mà thôi.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho hay, trong số hàng trăm héc-ta diện tích ở địa phương này bị bỏ hoang, có rất nhiều diện tích thuận lợi sản xuất, nhưng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều vì thu nhập từ cây lúa không cao bằng những ngành nghề khác, trong khi nhu cầu lương thực đã được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, vụ hè thu còn gặp điều kiện thời tiết nắng hạn đầu vụ, lũ lụt cuối vụ, sâu bệnh nhiều nên người dân cũng không mặn mà sản xuất.

Hiện tại xã Đô Thành, vùng đất có tiếng là “bờ xôi, ruộng mật” (đất đai màu mỡ) của huyện Yên Thành cũng đang có gần 540ha đất lúa không được xuống giống. Một số xóm cũng bỏ hoang phần lớn diện tích nhưng chưa có số liệu thống kê chính thức. 

Dân chẳng mặn mà cho thuê đất

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành (huyện Yên Thành) cho hay, thời gian qua có rất nhiều công ty, doanh nghiệp quan tâm đến những cánh đồng mênh mông đang bị bỏ hoang ở địa phương này.

Đến nay, một số doanh nghiệp đã về nhờ xã làm trung gian giúp họ thuê đất với diện tích lớn, thời hạn 30 năm để sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao song chỉ nhận được cái lắc đầu của người dân. “Người dân vẫn muốn sản xuất một vụ mỗi năm để lấy lúa sạch cho gia đình, chủ động về lương thực” - ông Huệ nói.

Chính quyền xã cho biết, đã rất nỗ lực vận động những hộ dân không có nhu cầu cho người khác mượn, thuê đất sản xuất nhưng không đạt kết quả. Theo người dân, nguyên nhân do ngoài mục đích vẫn sản xuất một vụ để lấy lúa sạch ăn thì cuộc sống người dân xã Đô Thành đã rất cao nên họ chẳng mặn mà với số tiền cho thuê ruộng ít ỏi đó. 

Theo ông Dương, vấn đề là người dân chỉ bỏ không ruộng nửa năm nên việc cho thuê khó thực hiện. Hơn nữa, để doanh nghiệp thuê đất thì cần phải có cả cánh đồng liên vùng, liền thửa song không phải hộ nào cũng có tư tưởng bỏ ruộng nên để tích tụ một vùng cho doanh nghiệp sản xuất khép kín là rất khó. Do đó, hiện địa phương này tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân nhận lại ruộng để sản xuất, kết hợp xây dựng một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân.

“Hiện nay, người dân không còn thiếu thốn về mặt lương thực nữa. Họ chủ yếu đi làm những công việc khác, mỗi ngày có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. Trong khi đó, nếu sản xuất thì một năm cũng chỉ kiếm được chừng triệu bạc” - ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành giải thích về lý do người dân không canh tác và cũng không muốn trả lại ruộng đất.

“Dẫu vậy, chính quyền địa phương cũng chỉ khuyến khích người dân chuyển nhượng cho người khác, hay tích tụ cho người khác sản xuất chứ không thể ép buộc”, ông Tuyên chia sẻ thêm.

Giống tình cảnh ở huyện Yên Thành, tại huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng đang bị bỏ hoang. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết, huyện này có hơn 465ha diện tích bỏ hoang tập trung ở các xã Diễn Hồng, Diễn Tháp... Đây là những nơi người dân có điều kiện kinh tế tốt. “Bán sào ruộng vài chục triệu cũng lớn đó, nhưng những người dân “có điều kiện” họ không bán. Một số ít hộ nghèo thì mới bám ruộng không bỏ hoang” - ông Hiếu giải thích.

Ông Hiếu cho biết thêm, năm 2019, có một đơn vị về xã Diễn Tháp đặt vấn đề thuê 40ha đất sản xuất lúa giống, song chỉ có thể thuê vụ một chứ không thể ký hợp đồng thuê dài hạn. Do đó, đến nay, câu chuyện về sự mâu thuẫn trong việc đất bỏ hoang vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa có “hướng đi” phù hợp. 

Dự án “chết yểu”, dân bị vạ lây

Thông qua hợp tác xã Viên Thành (huyện Yên Thành), tháng 6/2010, Công ty TNHH Globe Farm (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng thuê gần 50ha đất của 800 hộ dân xã Viên Thành với giá 600 USD/ha/năm để thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu trị giá gần 4 triệu USD. Vài năm đi vào hoạt động, dự án trồng chuối dần “chết yểu”. Trong khi đó, người dân cũng không nhận được tiền thuê đất.

Sau nhiều nỗ lực “đàm phán” để đòi lại tiền thuê đất, tháng 10/2019, công ty này bất ngờ có đơn gửi chính quyền địa phương và người dân cho thuê đất trình bày hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời xin chỉ trả tiền thuê đất năm 2016, tạo điều kiện để doanh nghiệp thanh lý hợp đồng, trả lại đất cho người dân.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI