Đắp đập tạm sông Quảng Huế giải mặn cho Đà Nẵng, người dân Quảng Nam bức xúc

26/06/2022 - 13:23

PNO - Việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP. Đà Nẵng đang khiến người dân ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bức xúc vì nhiều lý do.

 

Đập tạm trên sông Quảng Huế ngăn nước từ sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn
Đập tạm trên sông Quảng Huế ngăn nước từ sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc, Quảng Nam - cho biết: Từ những năm trước, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương thống nhất cho TP. Đà Nẵng đắp đập ngăn sông Quảng Huế với mục đích tăng lượng nước ngọt cung cấp cho TP. Đà Nẵng và phục vụ nước sản xuất cho TX. Điện Bàn, vào mùa mưa lũ năm 2020 con đập đã bị hư hỏng. 

Việc đắp đập ngăn sông trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân 4/5 thôn của xã Đại An (huyện Đại Lộc) gồm: Phú Nghĩa, Phú Hòa, Phú Phước và Quảng Huế.

Vào mùa nắng, mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt và nước sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng. Vào mùa mưa, do lực cản của con đập trên sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa) tạo dòng xoáy gây sạt lở chiều dài bờ kè 150m và diện tích đất sản xuất 1,5ha nên hiện nay vị trí sạt lở đã cách nhà dân 50m, rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của 15 hộ dân, nhất là mùa lũ mưa sắp tới. 

Theo ông Vĩnh, ngày 21/2/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn tiếp tục thống nhất chủ trương đắp đập trên sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia dẫn đến việc nhân dân xã Đại An rất bức xúc.

“Qua nhiều diễn đàn, nhiều kênh thông tin, nhân dân xã Đại An đã kiến nghị với các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền về nỗi lo lắng, bất an của mình nhưng đến nay chưa được giải quyết”, ông Vĩnh cho hay.

Theo đó, tổng hợp từ kiến nghị của nhân dân vùng bị ảnh hưởng, Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc đề xuất lên các cấp khi đắp đập ngăn sông cần chừa cửa xả hoặc có giải pháp phù hợp khác để điều tiết lượng nước về hạ du sông Quảng Huế, đảm bảo sự ổn định, cân bằng về mặt sinh thái của tự nhiên và duy trì nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân xã Đại An. 

Đồng thời, cần sớm có chủ trương khắc phục đoạn bờ kè qua thôn Phú Nghĩa để bảo vệ đất sản xuất và tính mạng nhân dân; hỗ trợ kinh phí cho người dân đóng giếng sâu từ khoảng 20-30m để vào mùa khô có nước sinh hoạt. 

Ông Vĩnh cho biết thêm: Sự việc trên, Ban Dân vận Huyện ủy đã báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy, báo cáo tình hình nhân dân trong các báo cáo định kỳ gửi về tỉnh, nhưng chưa có kết quả giải quyết cụ thể. Vào ngày 14/6/2022, tại diễn đàn đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền xã Đại An với nhân dân, các ý kiến của người dân thôn Phú Nghĩa rất bức xúc và tha thiết kiến nghị với các cấp lãnh đạo quan tâm, sớm giải quyết sự việc trên. 

Không những vậy, Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc còn cho biết công trình đắp đập ngăn sông nói trên tác động trực tiếp đến đời sống của đại đa số người dân xã Đại An nhưng chưa được tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Do đó, Ban này đề xuất Ban Dân vận Tỉnh ủy kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cần có buổi đối thoại, thông tin, trao đổi với nhân dân xã Đại An các vấn đề liên quan đến công trình đập ngăn sông Quảng Huế, đồng thời lắng nghe ý kiến tham gia thảo luận, bàn bạc, đề xuất của người dân, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. 

Trước tình hình này, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo giải quyết. Mới đây, ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại An và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình và xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân xã Đại An.

Tình trạng nước sông ở Đà Nẵng nhiễm mặn xuất hiện từ năm 2010, sau khi các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia tích nước và đi vào vận hành, đặc biệt là nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã chuyển nước của sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Từ đó, cứ hằng năm đến mùa hè là nước sông Cẩm Lệ (nhận nước từ sông Vu Gia) tại khu vực cửa thu nước vào nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 92% nước sạch cho toàn thành phố Đà Nẵng) lại bị nhiễm mặn một cách thường xuyên.

Để khắc phục tạm thời việc nhiễm mặn, Đà Nẵng phải thực hiện nhiều biện pháp như đắp đập tạm ở sông Quảng Huế để ngăn nước sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn, đưa cửa thu nước thô lên thượng nguồn sông Cẩm Lệ, đóng kè ngăn nước mặn xâm thực ở hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ...

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI