Chuyên gia: Nước sông Thu Bồn sẽ "giải khát" cho Đà Nẵng

15/06/2021 - 07:05

PNO - Nhiều năm nay, việc tích nước của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia khiến TP.Đà Nẵng luôn rơi vào tình trạng “thượng nguồn thiếu nước, hạ du nhiễm mặn” vào mùa khô. Vì vậy, việc lấy nước từ sông Thu Bồn được kỳ vọng sẽ giải quyết tốt tình trạng thiếu nước sinh hoạt vắng những cơn mưa.

Quá phụ thuộc vào thủy điện

Khoảng mười năm nay, cứ đến mùa khô, TP.Đà Nẵng lại thiếu nước, nhiễm mặn là do hai nhà máy cấp nước chính (chiếm 92% tổng lượng nước cấp toàn thành phố, gồm Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay) đều lấy nước từ sông Cẩm Lệ - con sông lấy nước từ sông Vu Gia của tỉnh Quảng Nam. Ở thượng nguồn sông Vu Gia, hệ thống thủy điện nhiều lớp đã chặn lấy hết nước nên vào mùa khô, sông Cẩm Lệ bị nước biển từ cửa Hàn chảy ngược vào.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên diễn ra vào mùa nắng nóng ở TP.Đà Nẵng do nguồn nước nhiễm mặn và thủy điện tích nước - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên diễn ra vào mùa nắng nóng ở TP.Đà Nẵng do nguồn nước nhiễm mặn và thủy điện tích nước - Ảnh: Đình Dũng

Có những thời điểm, hai nhà máy nước trên không thể xử lý được nước nhiễm mặn, phải phụ thuộc vào trạm bơm phòng mặn An Trạch (cách Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 8km về phía thượng nguồn) với công suất thiết kế 210.000m3/ngày đêm, không đủ phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của toàn TP.Đà Nẵng (trung bình khoảng 300.000 m3/ngày đêm).

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều nơi ở TP.Đà Nẵng thường xuyên chịu cảnh nước yếu, như dọc đường K20, Nguyễn Đình Chiểu, Mân Quang, Lưu Quang Vũ, khu Khái Tây, khu phố chợ Hòa Hải thuộc Q.Ngũ Hành Sơn; kiệt 73, 159 đường Phó Đức Chính, kiệt 73 đường Trương Định thuộc Q.Sơn Trà và một số khu vực của các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, H.Hòa Vang. 

Hầu như năm nào, chính quyền TP.Đà Nẵng cũng phải phát công văn yêu cầu các ban quản lý công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia xả nước để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho thành phố vào mùa khô hạn. Ngược lại, vào mùa mưa lũ, UBND TP.Đà Nẵng lại phải yêu cầu thủy điện hạn chế việc xả lũ chống ngập.

Cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho TP.Đà Nẵng - luôn đối mặt với tình trạng nhiễm mặn vào mùa khô - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho TP.Đà Nẵng - luôn đối mặt với tình trạng nhiễm mặn vào mùa khô - Ảnh: Đình Dũng

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng - cho biết qua xem xét diễn biến mực nước và lưu lượng nước về các hồ Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 từ năm 2019-2021, năm 2021 là năm mà nguồn nước đến khá dồi dào, nước hiện đang còn trong các hồ nhiều nhất.

Tuy nhiên, việc vận hành các hồ chứa thủy điện hiện đang gặp khó khăn do thừa điện mặt trời và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho hạ du. Ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước TP.Đà Nẵng - cho biết: “Những tháng đầu năm 2021, sông Quảng Huế bị xói lở do mưa lũ năm 2020 nên lượng nước về sông Vu Gia suy giảm nặng, cộng với việc phát triển năng lượng điện áp mái nên các thủy điện không vận hành theo quy trình khiến lượng nước về sông Cầu Đỏ hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiễm mặn nặng. Sau khi đập tạm tại Quảng Huế (H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng xong (ngày 13/4/2021), lượng nước về sông Cầu Đỏ được cải thiện, tình trạng nhiễm mặn giảm rõ rệt”.

Ông Hồ Hương cũng cho rằng, các ngành của TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu, thi công đập vĩnh cửu tại sông Quảng Huế để điều tiết nước sông Vu Gia về TP.Đà Nẵng và bảo đảm mực nước tại trạm bơm phòng mặn An Trạch cho các máy bơm của Đà Nẵng hoạt động bình thường. Nếu năm nào cũng đắp đập tạm trên sông Quảng Huế thì không chủ động được việc cấp nước vì phải qua các thủ tục. 

Nên lấy nước từ sông Thu Bồn

Để xử lý tình trạng thiếu nước xảy ra hằng năm, UBND TP.Đà Nẵng đã đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của trạm bơm phòng mặn An Trạch, cải tạo cửa thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, thi công đắp đập tạm trên sông Quảng Huế, triển khai xây dựng nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm nhằm khai thác nguồn nước sông Cu Đê.

Sơ đồ vị trí dự kiến đặt tuyến ống nước từ cầu Giao Thủy về TP.Đà Nẵng - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Sơ đồ vị trí dự kiến đặt tuyến ống nước từ cầu Giao Thủy về TP.Đà Nẵng - Ảnh: Đình Dũng

Ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng - cho rằng các giải pháp trên chỉ giải quyết được nhu cầu nước cho thành phố đến khoảng năm 2030; về lâu dài, cần giải pháp bền vững hơn. Theo quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/3/2021, tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 của thành phố là khoảng 800.000m3/ngày đêm. Vì vậy, nếu TP.Đà Nẵng vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia, sẽ không ổn.

Cụ thể, trên sông Vu Gia, Thủy điện Đắk Mi 4 đã chặn dòng và chuyển 1,2 tỷ m3 nước về sông Thu Bồn. Ngoài ra, các thủy điện khác như A Vương, Sông Bung 4 cũng tích khoảng 500 triệu m3 nước. Các thủy điện phía dưới như Sông Bung 4A, Sông Bung 5 cũng giữ nước đủ lưu lượng mới phát. Do đó, mâu thuẫn nguồn nước giữa Đà Nẵng và các thủy điện sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để.

Ngoài ra, trước đây, vào mùa khô, sông Quảng Huế chuyển 20% nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn nhưng nay dòng sông đã biến đổi, chuyển 80% nước về sông Thu Bồn. Do đó, không nên đắp đập cứng chặn sông Quảng Huế vì nó trái quy luật và dẫn đến phá dòng, gây hậu quả khôn lường. Không những vậy, phía hạ lưu có sông Vĩnh Điện thông giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn nhưng tỉnh Quảng Nam đã đắp đập ngăn mặn nhằm cấp nước ngọt cho TP.Hội An và H.Duy Xuyên khiến việc nhiễm mặn ở cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ diễn ra thường xuyên.

Cũng theo ông Huỳnh Vạn Thắng, sau vài chục năm nữa, đô thị hóa sẽ khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ nằm ở giữa thành phố. “Không ai lấy nước giữa thành phố để làm nước sạch bao giờ. Ở Hà Nội, họ dẫn nước từ sông Đà cách hàng chục cây số; ở TPHCM, họ lấy nước từ hồ Dầu Tiếng. Còn ở TP.Đà Nẵng, Nhà máy nước Cầu Đỏ nằm gần như ở giữa thành phố bởi vì H.Hòa Vang ở phía trên đang đô thị hóa, thị xã Điện Bàn và H.Đại Lộc của Quảng Nam ở sát bên cũng đang đô thị hóa rất nhanh. Không những vậy, phía trên Nhà máy nước Cầu Đỏ, sân golf Bà Nà hoạt động là mối nguy về chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nguy hiểm là sân golf đó nằm gần chỗ lấy nước sinh hoạt của thành phố” - ông phân tích.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, về lâu dài, TP.Đà Nẵng lấy nước sinh hoạt từ sông Thu Bồn là ổn định nhất. Qua khảo sát, vị trí nên xây dựng nhà máy lấy nước thô ở sông Thu Bồn là ở xã Đại Hòa, H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, phía hạ lưu cầu Giao Thủy.

Ông lý giải: “Nguồn nước sông Thu Bồn ổn định, lại có nước từ sông Vu Gia đổ về nên rất dồi dào. Dọc thượng lưu sông Thu Bồn cũng không có các nhà máy ô nhiễm, độ nhiễm mặn ở sông này cũng không bao nhiêu, khoảng cách từ vị trí lấy nước về đập dâng An Trạch khoảng 12km là quá gần. Việc lấy nước từ sông Thu Bồn còn giúp giải quyết dứt điểm được các tranh chấp về nước giữa TP.Đà Nẵng với các thủy điện trên sông Vu Gia, giữa TP.Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam trên sông Vĩnh Điện.

Về đề xuất này, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng - cho hay: “Việc khai thác nguồn nước sông Thu Bồn tại khu vực cầu Giao Thủy mới chỉ là ý tưởng, chưa có nghiên cứu, đánh giá chi tiết. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu nước của TP.Đà Nẵng vào mùa khô, ý tưởng này cần sớm được nghiên cứu, thực hiện”. 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, qua tính toán sơ bộ, việc khai thác nước sông Thu Bồn tại Ái Nghĩa lợi hơn tại Giao Thủy. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Đà Nẵng vẫn sẽ tập trung đầu tư hồ Sông Bắc để phát triển nguồn nước trên sông nội tỉnh (sông Cu Đê), chủ động nguồn nước có chất lượng cao, giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước sông Vu Gia. Đây là kho dự trữ nước chiến lược của TP.Đà Nẵng, tạo nguồn nước dự trữ cho giai đoạn đến năm 2045. 

Lê Đình Dũng
 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI