Đào tạo âm nhạc tầm hội nhập: Vẫn chuyện trên giấy

06/07/2016 - 11:07

PNO - Ngày 5/7, hội thảo khoa học cấp quốc gia về nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực do Bộ VH-TT-DL tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.

Tuy nhiên, với những gì mà hội thảo lẫn thực tế cho thấy, cụm từ “tầm khu vực” vẫn còn là một điều rất xa xôi.

Theo GS-TS-NGƯT Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), mục đích của hội thảo nhằm đánh giá thực trạng mức độ chủ động hội nhập và kết quả đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực thời gian qua của các cơ sở đào tạo, bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ, chương trình giáo trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, công nhận bằng cấp, chứng chỉ… Từ đó, Bộ sẽ có những chỉ đạo phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực của ngành.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề được đặt ra từ các cơ sở đào tạo, với các tham luận như: “Đảm bảo chất lượng đào tạo ngành âm nhạc trong hệ thống các cơ sở đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam”, “Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch trước yêu cầu đổi mới theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực”, “Đào tạo âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”… nhưng vấn đề được bàn tới vẫn chỉ ở mức chung chung.

Dao tao am nhac tam hoi nhap: Van chuyen tren giay
Thực tế, vấn đề đào tạo nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng hiện vẫn còn rất nhiều điều bất cập - Ảnh minh họa

Thực tế, vấn đề đào tạo nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng hiện vẫn còn rất nhiều điều bất cập, chưa bàn tới tiêu chuẩn hội nhập. Trong khi đó, theo GS-TS NSND Ngô Văn Thành, các nước bạn trong khu vực châu Á dù cũng chỉ mới thực sự bắt đầu việc đào tạo tài năng 10-15 năm trước đây, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và vượt xa Việt Nam, xét từ thành tích tại các cuộc thi quốc tế. “Chúng ta cũng đã đào tạo được một số ít những tài năng âm nhạc, nhưng thực sự những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi nhìn nhận dưới góc độ quy mô đào tạo của một quốc gia. Những tài năng ít ỏi này phần lớn đều được phát hiện sớm, được đào tạo căn bản, thường sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc, và do vậy, được tiếp xúc với âm nhạc trong môi trường thuận lợi hơn”, GS-TS NSND Ngô Văn Thành nhận xét.

Xét ở khoảng cách gần, độ vênh giữa đào tạo và đáp ứng thị trường - mục tiêu lớn nhất của đào tạo - là điều quá rõ ràng. Thời gian đào tạo dài, trung bình từ năm-bảy năm, nhưng cơ hội để làm nghề và sống đúng với nghề sau khi ra trường lại thấp. Nhiều cử nhân thanh nhạc “làm nghề” bằng hát đám cưới, nhiều người đánh dấu việc đã tốt nghiệp bảy năm học piano của mình bằng cách đi dạy kèm… Khoan bàn đến tiêu chuẩn hội nhập, thực tế không sáng sủa đó hiển hiện rất nhiều năm qua, ngay với thị trường nhỏ hẹp trong nước. Và, đó không phải là câu chuyện của năng lực sinh viên. Theo ThS Đoàn Quang Trung (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), vấn đề nằm chính ngay ở công tác giảng dạy.

“Chương trình học còn thiên về học thuật, hàn lâm, ít cập nhật kiến thức chuyên môn liên quan đến nhu cầu thực tế. Nhiều bài giảng đôi khi không còn phù hợp với tình hình xã hội, đời sống âm nhạc hiện tại. Vì vậy nếu sinh viên chỉ học ở trường thì khả năng thích ứng với xã hội là thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông nói. Cũng theo ông, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay, phần lớn giảng viên đều có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo chính quy tại trường và ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật ở nước ngoài nhưng lại bị hạn chế về kỹ năng sư phạm nên chưa truyền tải được kiến thức cho người học. Trong đó, lượng học sinh sinh viên thi lại tăng cao ở một số môn kiến thức âm nhạc tổng hợp vì… không hiểu bài. Ở bậc đại học, nhiều giảng viên có trình độ cao được đào tạo tương đối chuẩn mực ở các nước Đông Âu trước đây đang già đi nhưng trong thời gian khá dài trường vẫn chưa có đội ngũ kế tục đủ mạnh.

Hiện trạng này đã tồn tại rất nhiều năm, được thừa nhận bởi chính người làm nghề nhưng suốt thời gian qua, tất cả mọi biện pháp cải thiện, nâng cao vẫn chỉ nằm trên giấy. Cho đến hiện tại, ở thời điểm hội thảo này diễn ra, vẫn chưa hề có một giải pháp phù hợp với thực tế. Gần như, không ai nêu được chuẩn quốc gia cụ thể ở mức nào, chuẩn hội nhập ở đâu. Giải pháp, vì thế vẫn vĩ mô và chung chung.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI