Dân Mỹ nuôi mộng trở thành triệu phú đô la nhờ tiêm vắc xin COVID-19?

20/07/2021 - 16:15

PNO - Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải nhờ các chương trình tiêm vắc xin kèm quay xổ số với trị giá giải thưởng lên đến hàng triệu USD khiến tỷ lệ tiêm vắc xin ở Mỹ tăng cao?

Ban đầu thì anh chàng người Mỹ Jonathan Carlyle, 40 tuổi, không mấy quan tâm đến việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho bản thân.

Thế nhưng với 3 đứa con nhỏ cùng tình trạng công việc bấp bênh vì ảnh hưởng của đại dịch kéo dài gần 2 năm nay, người đàn ông này chợt nhận thấy việc tham gia đợt xổ số vắc xin với giải thưởng lên tới 1 triệu đô la Mỹ có thể xem như là một cứu cánh cho mình.

Các chương trình quay số trúng thưởng khi tiêm vắc xin COVID-19 nở rộ ở Mỹ - Ảnh: Washington Examiner
Các chương trình quay số trúng thưởng khi tiêm vắc xin COVID-19 nở rộ ở Mỹ - Ảnh: Washington Examiner

“Tôi cứ lần lữa mãi với việc tiêm vắc xin bởi không tin vào tính hiệu quả của nó lắm”, anh Carlyle nói với tờ báo địa phương Cincinnati Enquirer. Thế nhưng khi nghe TV thông báo chương trình tiêm vắc xin miễn phí kèm xổ số, anh đã quyết định phải đăng ký tham gia ngay.

Và may mắn đã mỉm cười với anh Carlyle khi trở thành một trong vài người dân ở tiểu bang Ohio mang về nhà tấm séc trị giá 1 triệu đô la Mỹ từ chương trình “Tiêm vắc xin - rinh tiền tỷ” do chính quyền tiểu bang phát động.

“Tôi vui mừng đến phát điên lên”, anh Carlyle kể lại, và không quên đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội nhằm khuyến khích mọi người đi tiêm vắc xin để được may mắn như mình.

Ảnh Jonathan Carlyle ở tiểu bang Ohio (Mỹ) đã may mắn trúng thưởng 1 triệu USD nhờ tham gia chương trình tiêm vắc xin - Ảnh: Office of Gov. Mike DeWine/WTOL 11
Anh Jonathan Carlyle ở tiểu bang Ohio (Mỹ) đã may mắn trúng thưởng 1 triệu USD nhờ tham gia chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Mike DeWine/WTOL 11

Thế nhưng, giới xã hội học lại đặt câu hỏi rằng: liệu những chương trình vận động người dân tiêm vắc xin bằng hình thức quay số trúng thưởng như thế này có phải là lý do chính thu hút người dân tiêm vắc xin hay không? Và một nghiên cứu mới đây lại cho ra kết quả khá bất ngờ.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y dược Boston (Mỹ) nhận thấy rằng, việc kết hợp quay số may mắn với chương trình tiêm vắc xin do tiểu bang Ohio thực hiện không hề giúp làm tăng thêm tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin khi so sánh với các địa phương khác không có chương trình xổ số.

“Ngoài ra, xác suất may mắn trúng thưởng xổ số là quá thấp khiến không phải người dân nào cũng hào hứng để xem đó là động lực tiêm vắc xin”, nhóm nghiên cứu giải thích.

Chính quyền các bang ở Mỹ tin rằng, việc đăng thông tin và hình ảnh những người may mắn sẽ kích thích nhiều người khác đi tiêm vắc xin - Ảnh: Paul Kitagaki Jr./Sacramento Bee/AP
Chính quyền các bang ở Mỹ tin rằng, việc đăng thông tin và hình ảnh những người may mắn sẽ kích thích nhiều người khác đi tiêm vắc xin - Ảnh: Paul Kitagaki Jr./Sacramento Bee/AP

Các nhà khoa học đã trích xuất dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và nghiên cứu tỷ lệ tiêm vắc xin ở người lớn tại tiểu bang Ohio vào các thời điểm: 4 tuần trước khi chương trình tiêm vắc xin kèm xổ số và 4 tuần sau đó. Họ cũng so sánh dữ liệu này với các tiểu bang khác trên khắp nước Mỹ để xem có sự khác biệt nào hay không.

Và những gì các nhà khoa học tìm thấy là: Không có sự khác biệt nào đáng kể giữa tỷ lệ tiêm vắc xin ở tiểu bang Ohio so với các địa phương khác, và các chương trình tiêm vắc xin khuyến mãi vé xổ số cũng không giúp ích gì nhiều cho con số tăng trưởng về số người được tiêm vắc xin.

“Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân của tình trạng trì hoãn tiêm vắc xin, nhà chức trách cũng nên xác định rõ nhóm đối tượng mục tiêu quan tâm đến trò chơi may rủi này hơn là áp dụng đại trà cho tất cả dân chúng”, nhóm nghiên cứu nêu khuyến nghị.

Các nhà khoa học cho rằng, cần tăng cường các điểm tiêm lưu động để tiếp cận những địa điểm có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp - Ảnh: Sergio Flores/Getty Images
Các nhà khoa học cho rằng, cần tăng cường các điểm tiêm lưu động để có thể tiếp cận những địa điểm có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp - Ảnh: Sergio Flores/Getty Images

Các giải pháp lôi kéo người dân tham gia tiêm vắc xin như tiểu bang Ohio và một số nơi khác ở Mỹ đang triển khai có thể vẫn gây ra nhiều tranh cãi, thế nhưng với anh chàng Carlyle may mắn sau một đêm chợt trở thành triệu phú thì không có gì phải phàn nàn cả.

“Tôi thích những chiến dịch mang tính thực tế như thế này. Chúng hữu ích hơn rất nhiều so với việc trữ hàng triệu liều vắc xin trong kho lạnh với ngày hết hạn đang cận kề mà không mấy ai quan tâm để sử dụng”, anh Carlyle bày tỏ với tờ Washington Examiner.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI