Đàn bà dễ quên nhưng không dễ tha

27/02/2017 - 06:30

PNO - Vợ chồng ăn chung mâm vậy chứ món ai nấy nuốt, bệnh đau chở nhau đi bác sĩ vậy chứ về nhà giường ai nấy ngủ.

Mắm lóc nè! Mắm tép nè! Mắm linh nè! Ðường thốt nốt nè… Trời ơi là trời… bộ tưởng tôi ngu hả? Trời ơi… suốt đời tôi vì chồng vì con mà ông trả nghĩa như vậy đó…

Mỗi tiếng “nè” là một tiếng “bịch” kèm theo. Mỗi tiếng “trời” là mỗi lời sụt sịt đính kèm. Nhà tôi cổng ngõ hướng Tây nên khi ông mặt trời nghiêng vai thì khuôn mặt ngàn năm của ông ấy lom lom nhìn vào từng góc nhà. Hôm nay thì ông không thèm rọi vào nhà nữa mà chiếu vào từng sợi tâm tư của chú tôi. Thím bên kia một mình hò hét. Mấy món “quà hối lộ” đã ra sân nằm hết thì chỉ còn nước mắt và lời trách móc của hai mươi năm dồn nén.

Chú tôi lộc cộc bật quẹt.

Dan ba de quen nhung khong de tha
 

Hai nhà cách nhau cái hàng rào chuyên trồng sả, nên cơn tam bành của thím nổi lên chú cũng dễ dàng “tản cư” và nhà tôi là “trại tị nạn”. Những hũ mắm thơm nức hương vị miền Tây lăn lông lốc ngoài sân. Thím hết kêu gào thì khóc lóc. Chú đốt thuốc càng nhiều, gương mặt quắt lại vì khói thuốc hay vì nắng quái. Nhưng nước mắt ở đâu sao cứ lần dò xuống má. Thím ghen!

Không đanh gọn với người ấy như hai mươi năm trước, thì ghen với mấy cái hũ mắm.

Chả là chú vừa cùng câu lạc bộ cờ tướng xã nhà đi viếng Bà Chúa Xứ Châu Ðốc về. Những loại mắm miền tây vốn là món yêu thích của thím. Rồi lẩu mắm, mắm chưng, mắm kho cà… sẽ bày ra từ đó… gia đình sẽ hỉ hả vui tươi vừa ăn vừa hít hà vừa chảy nước mắt vì ớt cay, vì mùi mắm nồng nàn hương vị đất trời…

Nếu không có người to nhỏ rằng trong chuyến viếng Bà vừa qua, chú đã gặp lại “người ấy”.

Ngày đó, chú chọn ngay đám giỗ ông nội mà thưa chuyện:

Thưa anh chị Hai, có câu “quyền huynh thế phụ”, ba mẹ mất rồi, giờ còn anh chị. Em xin thưa trước là anh chị, sau là vợ em… cho em được cưới cô Khanh làm vợ bé. Chả là cô ấy cảnh nhà đơn chiếc nhưng có công ăn việc làm ổn định lắm. Mà cổ cũng thương em. Nhà em một vợ ba con làm ăn bữa đực bữa cái. Em cam đoan, cổ sẽ giữ phận làm bé, không bao giờ dám hỗn láo với anh chị và mẹ thằng bé Hai… Bù lại, cổ sẽ giúp vợ chồng mình bốn cây vàng làm vốn mần ăn đó Tím à!

Mười năm chung sống, hình như đây là lần đầu chú Út tôi mới gọi tên vợ dịu dàng như vậy. Tôi, con bé 10 tuổi trong buồng vén cửa màn ngó ra.

Thím Út đứng dậy cái sột. Ghế đai bị xô ngã cái “ành”. Câu nói hay nhất trong tuồng cải lương được thím nói lại:

Vậy là tôi bán chồng tôi sao?

Cô Khanh ngồi bên cánh cửa, mặt xanh chành như tàu lá chuối non.

Thím Út tiếp:

Anh chị Hai tính sao thì tính, còn tôi, không người đàn bà nào muốn chia chồng hết á! Ðói thì tôi cạp đất mà ăn chứ không bán chồng. Nếu ông muốn có cổ, thì không có tôi!

Rồi thím ngoay ngoảy đi ra ngõ.

Chắc chú Út nghĩ, ngày đám giỗ thím sẽ không dám lớn tiếng. Khách khứa rần rần, dù gì cũng phải giữ thể diện cho chồng. Vả lại lâu nay thím cũng nghe phong thanh rồi mà. Cái nhà này, tươm tất như vầy là nhờ ai. Chiếc tủ thờ bằng gỗ cẩm lai, bộ sa-lon gỗ, cái truyền hình màu kia… không phải chú nói là của cô Khanh biếu thím đó sao. Thím đã cho khiêng đồ vô nhà, giờ sao lại…

Họ hàng ngồi nhìn cô Khanh như nhìn vật thể lạ. Trong mắt họ, cô Khanh đúng là dám “xâm mình” mới đi xin làm bé như vậy. Thái độ của thím Út làm ba tôi cũng ngại. Ông rót trà đến tràn cả bàn cũng không hay. Má tôi đập đập tay chồng thủng thẳng:

Chú Út à… chuyện đột ngột quá… anh chị không tính được. Thôi chú cho cô Khanh về đi. Chuyện đâu còn có đó…

Cô Khanh sẽ sàng cúi chào mọi người rồi ra ngõ. Chiếc xe Honda Dame màu xanh ngọc cô chạy, nó đẹp làm sao, long lanh như ánh hào quang bừng dậy giữa vùng quê đang còn cót két xe đạp và xào xạo bước chân thế này.

Hai mươi năm trước, Luật Hôn nhân gia đình không như bây giờ. Hai mươi năm trước đàn bà thâm trầm hơn bây giờ. Dù sau buổi đám giỗ đó chú Út tôi... đi luôn theo cô Khanh. Nhưng thím vẫn ở nhà tảo tần hôm sớm nuôi dạy ba đứa con mà không một lời oán than trách cứ. Ba tôi đi tìm chú, khuyên can mấy lần nhưng đều vô nghĩa. Má tôi phải “ra tay”, bà tìm đến nhà cô Khanh, đúng là cơ ngơi chắc chắn, cái cửa hàng vật tư nông nghiệp to tổ chảng nơi phố huyện này, ba đời chú Út tôi ăn chưa chắc hết. Má mời cô Khanh và chú Út tôi ngồi, “xin giải  đáp” giùm chị ba câu hỏi. Nếu chú Út trả lời suôn thì hãy ở lại với cô Khanh luôn, chị sẽ lo chuyện vợ con chú. Bằng chú trả lời không suôn, thì phải trở về.

Dan ba de quen nhung khong de tha
 

Cô Khanh người nhỏ nhắn, trán cao thông minh, dạo ấy cũng đã gần bốn mươi (lớn hơn chú Út tôi sáu tuổi) nhưng biết ăn mặc nên trông cứ như chớm ba mươi. Cô luôn tay rót nước mời khách, dạ thưa cung kính, còn khuyến khích má tôi: “Chị cứ tự nhiên hỏi anh Út ạ. Em thì trước sau như một, vẫn thương ảnh và muốn làm em của chị ấy”.

Má tôi đằng hắng câu thứ nhất:

Chú Út nói coi thím có sinh con được cho chú không vậy?

Vợ em sinh hai trai, một gái lẽ nào chị không biết?

Câu thứ hai:

À… vậy thím Út có một dạ với chồng không vậy?

Dà… chị toàn hỏi khó, vợ em nết na đức hạnh lắm à.

Câu thứ ba:

Vậy thím có bất kính với cha mẹ chồng không chú?

Ba mất lâu rồi, còn má, vợ em là dâu ngoan tới ngày má về trời luôn. Không lẽ chị không biết sao chị Hai?

Vậy thím Út là người vợ tốt quá rồi. Ba điều cần thiết của đạo làm vợ, thím đều có đủ, thì tại sao chú bỏ thím ấy? Chị nói thật nghen cô Khanh, con Tím nó tốt vậy, được cha mẹ cưới cho mà thằng Út còn bỏ, thì em cũng tốt cỡ con Tím là cùng…Má tôi nói ít. Nhưng cô Khanh hiểu nhiều. Cô đã chia tay chú Út tôi từ đó và chú đã trở về gia đình.

Hai mươi năm chú cun cút lao động, ra vô chạm mặt vợ không dám to tiếng nặng lời, như là để chuộc lại lỗi lầm ngày đó. Con cái cũng đã học hành nên người nhờ sự tận tụy lao động của người cha. Nhà có của ăn của để dần lên. Thím Út từ lâu đã không còn tay lấm chân bùn nữa.

Nhưng với thím, không niềm vui nào bù đắp được một trái tim đã tan vỡ, một mối hận tình đã thâm căn cố đế. Ðến nỗi, mỗi khi xem phim, thấy chuyện vợ chồng nào na ná như chuyện nhà mình hồi trước, nhưng cái kết có khác hơn, là người chồng mang hết của cải cho bồ nhí. Chừng “lết bằng mo bò bằng mủn” mới trở về thì thím chắt lưỡi ra chiều thỏa mãn: “Cho đáng đời… ngày đó má cháu mà không cao tay ấn đó nghen Bé Ba, thì giờ cũng có người thân sơ thất sở rồi”.

Tôi bảo, nhưng quan trọng là chú đã trở về, ít nhất cũng xem như đã biết lỗi. Thím “căng” quá làm chi, người ta không vui đã đành, mình cũng nặng đầu. Thím bảo, đó là do cháu chưa… trải nghiệm cảm giác bị chồng phụ rẫy. Chứ nếu có rồi không chừng còn kéo hết bên nội bên ngoại đi đánh ghen với bao nhiêu là dao, kéo, búa, liềm… chứ không im lặng cam chịu như thím đâu.

Mấy khi nghe chuyện “nhạy cảm” như vậy, chú Út tôi thường bỏ ra chái hè ngồi đó hút thuốc một mình. Và hình như hai mươi năm nay chú không một lần xem ti vi, chú sợ… trên đó sẽ dẫn câu chuyện nào na ná như chuyện của chú… Rồi thím lại được dịp đay nghiến thỏa thuê.

Bốn năm nay, khi con gái út đã lấy chồng, mấy công vườn cho thuê hết. Mặt bằng đàng trước cho người ta mướn mở cửa hàng điện thoại mỗi tháng có bạc triệu nên thím Út tôi xem như… hết việc làm. Thím đi học khiêu vũ, đi tập dưỡng sinh, tham gia câu lạc bộ thơ ca xã phường… nên trẻ ra trông thấy.

Chú Út có nghề mộc, giờ tham gia vào tổ từ thiện của xã. Ðóng sửa bàn ghế cho nhà nghèo, cất nhà tình thương, đóng luôn quan tài cấp tế… Rảnh thì đi đánh cờ tướng. Cuộc sống chú thím đã xem như an nhàn về nhiều mặt. Nhưng làm sao ai biết được, đàn bà dễ quên nhưng không dễ bỏ.

Chú lại châm thuốc, bảo rằng đời thằng đàn ông oanh oanh liệt liệt khắp bốn phương trời nhưng sẽ không biết được, sai lầm phút chốc nhưng trả giá bằng cả cuộc đời. Bây có biết thím Út bây đã “cấm vận” tao suốt hai chục năm nay không? Ăn chung mâm vậy chứ món ai nấy nuốt, bệnh đau chở nhau đi bác sĩ vậy chứ về nhà giường ai nấy ngủ. Tao không bao giờ “đụng” được bả kể từ chuyện ngày xưa. Tao biết, tại bả hận tao, hận tới xương tủy.

Mà con có biết không, đàn ông… gọi là phái mạnh nhưng trái tim họ yếu đuối lắm con. Tao công nhận hồi đó đòi cưới cô Khanh làm bé là tao sai, nhưng một bên là nhà cửa nhếch nhác, vợ con nheo nhóc, cằn nhằn nhau từng ngày. Một bên cơm no áo ấm, thơm tho ngọt ngào… đàn ông nào chịu nổi…

Còn vụ mấy cái hũ mắm hôm nay ạ? Chú... Chú không có gì thiệt sao?

Ta nói… có gặp lại cô ấy thật. Nhưng chỉ là chào hỏi qua loa… chứ sáu chục tuổi rồi thì… làm cái gì được đây? Còn mắm đó là câu lạc bộ cờ tướng của chú chia làm hai phe, đấu cờ với nhau, bên thua phải mua mắm tặng bên thắng. Mà thím bây cứ không tin…

Hoàng hôn càng cúi sát ngọn cây. Những tia nắng chỉ còn là vệt dài ngũ sắc. Chiều nay chắc thím mất buổi khiêu vũ rồi. Còn chú, bao nhiêu tướng, sĩ trên những chuyến xe, pháo, mã vẫn không kéo hết nỗi lòng của ngần ấy năm qua.

Đ.P Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI