Cứu tê giác bằng... lông đuôi ngựa

11/11/2019 - 07:45

PNO - Phát minh dùng lông đuôi ngựa để tạo nên sừng tê giác nhân tạo với hy vọng hạ giá sừng tê giác thật, cứu loài tê giác.Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc làm này là phi thực tế và phản tác dụng.

Gây rối thị trường sừng tê

Theo báo Anh The Guardian (8/11/2019), một nhóm nghiên cứu ở Đại học Oxford (Vương quốc Anh) đã chọn lông đuôi ngựa, vì ngựa vốn “gần gũi” với tê giác, và lông đuôi ngựa có kích thước tương tự như sợi keratin (hay lông) tạo nên sừng tê giác.

Sừng của hầu hết các loài động vật, gồm cả trâu bò, có một trung tâm xương được phủ bằng một lớp keratin - cùng loại protein có trong tóc và móng tay của con người. Sừng tê giác là loại keratin rắn, không có lõi xương.

Các nhà khoa học đã tạo ra sừng tê giác giả bằng cách dán lại lông đuôi ngựa, sau khi đã tước lớp ngoài của nó. Loại "keo" được sử dụng là một chất mô phỏng theo các vật liệu trong sừng tê giác thật. Cellulose cũng được đưa vào hỗn hợp nhân tạo để làm giống nguyên liệu thực vật được kết hợp khi con tê giác mài sừng.

Vật liệu thu được có thể dễ được đúc thành hình sừng tê giác, sấy khô trong chân không ở lò nóng, rồi đánh bóng. Kết quả cuối cùng là một vật liệu mang các tính chất cơ học tương tự như sừng tê giác trong thực tế, thậm chí trông tương tự dưới kính hiển vi.

"Sừng tê giác không phải là một chất ma thuật, chỉ đơn giản là lông mọc ra từ mũi con tê giác, kết hợp cùng vài chất khác." - giáo sư Fritz Vollrath, đồng tác giả của nhóm nghiên cứu, khẳng định.

Cuu te giac bang... long duoi ngua
Mặt cắt ngang của sừng tê giác thật (trái) so với vật liệu sừng nhân tạo mới (Scientific Reports)

Thành tựu mới này từ Đại học Oxford thật ra không phải là nghiên cứu đầu tiên về khả năng sản xuất sừng tê giác giả. Trong đó, có công ty công nghệ sinh học Pembient, ở Seattle (Hoa Kỳ) - khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra các sản phẩm thay thế sừng tê giác và ngà voi, để chống lại nạn săn trộm động vật hoang dã trên khắp thế giới. 

Công ty Pembient sử dụng các kỹ thuật tái tạo DNA của tê giác, và có thể sẽ dùng cả công nghệ mô, để tạo ra sừng tê giác tổng hợp. Loại sừng tê giác nhân tạo của Pembient dự tính sẽ được bán ra thị trường vào năm 2022.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu ở Đại học Oxford tin rằng việc sản xuất loại sừng tê bằng lông đuôi ngựa của họ sẽ được triển khai sớm hơn nhiều.

"Từ kết quả nghiên cứu của chúng tôi, làm sừng tê giác nhân tạo bằng lông đuôi ngựa, với đặc tính sinh học giống sừng thật, là một việc dễ dàng, và có chi phí thấp. Chúng tôi muốn phát triển công nghệ này hơn nữa, nhằm… gây rối loạn thị trường thương mại, ép giá sừng thật, từ đó có thể hỗ trợ việc bảo tồn tê giác." - giáo sư Fritz Vollrath chia sẻ với hãng tin CNN.

Nhóm của ông kỳ vọng rằng việc bán rộng rãi loại sừng tê giác lông ngựa sẽ làm… tràn ngập thị trường sừng tê giác bất hợp pháp, sẽ tạo ra sự nhầm lẫn, do đó sẽ gây ra sự sụp đổ về giá cả của những sừng tê giác thật có được từ nạn săn trộm.

Phi thực tế và phản tác dụng 

Sừng tê giác luôn là một nhu cầu xuất phát từ y học cổ truyền Trung Quốc, và cả từ hoạt động chạm khắc trang trí, dẫn tới sự phát triển không ngừng của mặt hàng này trên thị trường quốc tế bất hợp pháp. 

Năm 2018, theo tổ chức bảo tổn Save the Rhino, chỉ tính riêng ở Nam Phi đã có 769 con tê giác bị săn trộm, bất chấp quốc tế đã cấm buôn bán sừng tê giác từ năm 1977, theo Công ước về buôn bán các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Thậm chí bọn tội phạm còn liều lĩnh cố trộm bằng được những sừng tê giác trong… các bảo tàng ở châu Âu.

Cuu te giac bang... long duoi ngua
Tê giác châu Phi (hình của James Sanders, Flickr)

Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trên thế giới chỉ còn khoảng 20.000 tê giác trắng, 5.000 tê giác đen, và 3.500 tê giác một sừng còn sống. Cả thế giới hiện chỉ còn chưa tới 80 tê giác Sumatra, và 68 tê giác Java.

Trả lời phỏng vấn của CNN, bà Cathy Dean - giám đốc điều hành của tổ chức Save the Rhino, nói rằng phát minh mới sẽ không thể ngăn những người tìm kiếm sừng tê giác nguyên vẹn, bởi “Động lực chính của giá săn trộm là những doanh nhân rất giàu, sẵn sàng vung ra một số tiền lớn để mua toàn bộ chiếc sừng. Họ muốn sừng tê thật để trưng bày, để chứng minh rằng họ có quyền lực, giàu có và các mối quan hệ, để có thể mua sản phẩm bất hợp pháp ấy.”

“Từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng săn trộm vào năm 2007, số lượng sừng tê giác giả đang được lưu hành cao ở thị trường tiêu dùng châu Á.” - một người phát ngôn của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) nói với hãng CNN – “Mức độ săn trộm tê giác đã tăng lên không ngừng, do nhiều người mua vẫn thích sừng tê thật, cho dù sẽ gặp một số rắc rối để có được nó từ các nguồn mà họ cho là đáng tin cậy.”

"Câu hỏi rõ ràng là làm sao các nhân viên chấp pháp có thể phân biệt được sừng thật với sừng giả, đặc biệt là nếu cả hai đều được bán trên thị trường dưới dạng bột, hoặc như một thành phần trong vài loại dược phẩm, hoặc sản phẩm khác" - người phát ngôn của WWF lưu ý.

Theo báo Anh The Independent, tổ chức từ thiện bảo tồn động vật hoang dã Born Free, có trụ sở tại Anh, cho rằng việc làm tràn ngập thị trường với loại sừng tổng hợp như vậy chính là phát ra “thông điệp gây nhầm lẫn tới người tiêu dùng”, trước đó đã từng được khuyên rằng đừng nên mua sừng tê giác. Cách làm đó không chỉ có thể làm tăng thêm mối đe dọa đối với tê giác nơi hoang dã bằng cách kích thích nhu cầu, mà còn làm suy yếu các nỗ lực giáo dục người mua, khiến việc thực thi lệnh cấm trở nên khó khăn hơn.

“Hiện có rất nhiều nỗ lực để bảo vệ tê giác khỏi nạn săn trộm, song nếu bạn bất ngờ giới thiệu sừng tê giác giả cho một thị trường dựa trên niềm tin văn hóa và xã hội phức tạp, với mong đợi người tiêu dùng sẽ chuyển đổi, đó là… phi thực tế.” – ông Mark Jones, thuộc Born Free, cảnh báo.

"Việc buôn bán loại sừng tê giác tổng hợp có thể càng giúp củng cố nhận thức rằng sừng tê giác là một mặt hàng mong muốn, từ đó duy trì nhu cầu hiện có, thậm chí còn có thể kích thích nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng thật, nên sẽ làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại” - tiến sĩ Richard Thomas, đại diện Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã TRAFFIC, nói.

Nhựt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI