Cuộc lãng du của Trí Nguyễn

20/10/2017 - 07:40

PNO - Trở về Việt Nam thực hiện buổi hòa nhạc 'Chuyện lãng du', nghệ sĩ Trí Nguyễn tiết lộ album 'Beyond borders' (Vượt qua ngăn cách) của anh đã lọt qua vòng đầu trên hành trình chinh phục giải Grammy 2017.

Trước đó, album cũng đã giành giải Vàng Global Music Awards (GMA) 2017 - giải thưởng mà như Trí Nguyễn thừa nhận là có sự góp sức rất lớn của khán thính giả Việt (trong tiêu chí chấm giải có cả hiệu ứng khán giả, đánh giá của truyền thông). Nếu biết rằng album trước đó của anh - Consonnaces - cũng đã giữ giải Vàng GMA 2015, ta sẽ tin rằng hành trình của Trí Nguyễn vẫn chưa dừng lại.

Cuoc lang du cua Tri Nguyen

Là một nghệ sĩ “hai tay hai súng” (vừa là đệ tử chân truyền của các đại sư đàn tranh Việt Nam, vừa là một danh cầm piano), Trí Nguyễn tự khoác lên mình sứ mệnh mang tiếng đàn tranh Việt Nam bước ra thế giới.

Trong mọi buổi biểu diễn của anh tại Pháp luôn có phần dành cho đàn tranh. Trong nhiều tác phẩm anh soạn, các nhạc cụ phương Tây luôn trở thành bệ đỡ cho tiếng đàn tranh Việt.

Anh kể trong hội đồng bình chọn Grammy, sau khi nghe Beyond borders, nhiều nghệ sĩ quốc tế bất ngờ biết đến một nhạc cụ Việt Nam “hay đến thế”. “Tôi nghe bạn nhận xét mà không thể nén được tự hào” - Trí Nguyễn nói.

Song cùng với sự tự hào ấy tại Grammy, anh cũng tỏ ra phiền muộn khi nhìn lại cách chơi đàn tranh của nhiều nghệ sĩ trong nước hiện nay - đã bỏ (mất) đi nhiều thủ pháp nhấn, mổ, rung… trong đặc trưng trình tấu đàn tranh Việt để chạy theo kiểu chơi đàn “lả lướt” của Trung Quốc - kiểu chơi đàn mà sinh thời GS-TS Trần Văn Khê gọi là “rườm rà”, “hoa mắt”, “thừa hình thức mà thiếu cái tâm, cái thần”.

Cuoc lang du cua Tri Nguyen
 

Đặt đàn tranh cạnh các nhạc cụ phương Tây trong thể loại CrossOver (Âm nhạc giao thoa), Trí Nguyễn vẫn giữ lối chơi đàn hai ngón cổ truyền đã được nhạc sư Hai Biểu truyền thụ. Kể cả khi phải “nhường nhịn” nhạc cụ nước bạn (vì giới hạn khả năng phối hợp của từng loại nhạc cụ), anh vẫn quyết liệt giữ sự tinh tuyền trong ngón đàn của mình.

Trong chuyến về nước lần này, Trí Nguyễn bất ngờ giới thiệu tác phẩm Lý mười thương chơi theo thể điệu boléro. Đây là món “nợ” và là thách thức giữa anh và truyền thông Việt. Trong lần về nước hồi đầu năm, anh đã được đề nghị thử phối hợp đàn tranh và boléro - dòng nhạc đang hồi sinh mạnh mẽ ở quê nhà.

Tưởng chỉ đùa chơi, Trí Nguyễn đã dành thời gian nghiên cứu bản Boléro lừng danh của Raven, nghiên cứu điệu nhạc này để đưa vào tác phẩm. Đó là cách anh vượt qua các giới hạn, qua mọi hố sâu ngăn cách nhạc Việt với âm nhạc quốc tế.

Đêm hòa nhạc Chuyện lãng du - Beyond borders sẽ diễn ra lúc 20g, ngày 27/10 tại Nhà hát Music One (Nhà hát VOH) với ba phân đoạn. Khúc dạ vũ là không gian để Trí Nguyễn khoe khả năng chơi piano - trình tấu các tác phẩm kinh điển như La Cumpasita, Oblivion, Por Una Cabeza và các bản Nocturne của Chopin.

Cuoc lang du cua Tri Nguyen
 

Phần Bốn mùa là những tác phẩm trong album Consonnaces như Khốc hoàng thiên, Trăng thu dạ khúc, Tử quy từ… Bản Kinh Hoa Cúc xuất hiện như một interlude nối sang phần Ba miền với bộ ba tác phẩm đại diện: Trống cơm, Lý mười thương, Lý ngựa ô.

Luôn luôn là Lý ngựa ô (Back riding horse) kết thúc các chương trình của Trí Nguyễn. Như anh nói: “Dù đi đâu, bao xa, rồi tôi cũng phải trở về”. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI