Kenya: Sự hoài nghi và thiếu hụt vắc xin đẩy nhiều người đến cái chết vì COVID-19

24/08/2021 - 19:36

PNO - Những người thợ đóng qua tài tại Kenya đang phải làm việc gấp 2, 3 lần công suất bình thường, khi số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này tăng mạnh. Các nhà chức trách Kenya thừa nhận rằng thông tin sai lệch, sự hoài nghi của người dân về đại dịch và vắc xin cũng như việc thiết hụt nguồn cung vắc xin là những nguyên nhân chính đưa đất nước đến thảm kịch này.

Trong khuôn viên của một bệnh viện xanh um cây lá dưới chân Núi Kenya - ngọn núi cao nhất Kenya và cao thứ nhì châu Phi - nhiều nhân viên mặc đồ bảo hộ màu xanh nhạt kín từ đầu đến chân đưa lần lượt các thi thể đã được tẩm liệm vào xe cứu thương. Trong vài tuần qua, cảnh tượng bi thương này đã thành chuyện bình thường ở nơi đây. 

Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên làm cho các cơ sở sản xuất quan tài ở Kenya bận rộn hơn
Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên làm cho các cơ sở sản xuất quan tài ở Kenya bận rộn hơn

Mount Kenya Hospital (Bệnh viện Núi Kenya) - một bệnh viện chỉ có 31 giường nằm ở hạt Nyeri, nằm cách thủ đô Nairobi vài giờ về phía bắc và là nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - hiện đang phải căng mình đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ tư với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Dữ liệu chính thức trên toàn quốc của Kenya cho thấy, trong tuần qua trung bình mỗi ngày nước này chỉ có 20 ca tử vong. Nhưng trên thực tế, hầu hết người dân ở đây đều có người quen biết chết vì COVID-19.

Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên cũng làm cho các cơ sở sản xuất quan tài ở Kenya bận rộn hơn. Trước đại dịch, mỗi người thợ chỉ làm 1 chiếc quan tài trong 2, 3 ngày hoặc 1 tuần. Nhưng nay, có những ngày họ phải làm 3 chiếc. Chủ các cơ sở cũng phải thuê gấp đôi số lượng thợ so với bình thường để đáp ứng nhu cầu.

“Chúng tôi đang phải làm việc với lịch trình dày đặc và cảm thấy rất mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần”, Joseph Mureithi - người thợ đóng quan tài 34 tuổi - chia sẻ.

Cũng như nhiều bệnh viện khác trên cả nước Kenya, Bệnh viện Núi Keny đang phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới vì hết chỗ và thiếu nguồn lực. Tuy mới lắp một máy nén oxy, nhưng bệnh viện vẫn cần thêm nhiều bình oxy nữa để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

Hầu hết các bệnh nhân ở Mount Kenya đều chưa được tiêm ngừa - không phải vì họ không được cung cấp vắc xin mà là bởi vì, trong hầu hết các trường hợp, họ không muốn tiêm. Nhiều thông tin sai lệch vắc xin và sự hoài nghi vào hệ thống y tế của đất nước được cho là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Hiện, ở một số hạt của Kenya, tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 0,5%. Tính trên cả nước, tỷ lệ này thấp hơn 2%.

Trên thực tế, Kenya đã bị thiếu hụt vắc xin từ những ngày đầu tiên. Đến nay, nước này chỉ có 3,6 triệu liều vắc xin, chỉ đủ để tiêm cho khoảng 3,5% dân số hơn 55 triệu người.

Mureithi cho biết nhiều người dân Kenya thực tế đang tìm cách để được tiêm vắc xin khi chứng kiến số ca tử vong tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nhưng một số đồng nghiệp của anh thì vẫn nói rằng sẽ không tiêm vắc xin ngay cả khi được cung cấp miễn phí. Dennis Maina - một thanh niên 24 tuổi - là một trong những số đó.

“Nhiều người không chết vì COVID-19 mà vì một căn bệnh khác. Một số gia đình mua quan tài lại nói với tôi rằng người thân của họ đã chết dù đã được tiêm ngừa”, Maina giải thích.

Trước sự hoài nghi về vắc xin của một đại bộ phận người dân, chính phủ Kenya đã phải áp dụng các biện pháp cứng rắn, chẳng hạn bắt buộc công chức phải tiêm vắc xin theo luật định. Thống đốc một số bang cũng ủng bộ các biện pháp này để tăng tỷ lệ người dân được tiêm ngừa.

Mặc dù vậy, Mutahi Kahiga - Thống đốc hạt Nyeri - cho biết hơn 1/3 sĩ quan cảnh sát, giáo viên và người cao tuổi được tiêm liều vắc xin đầu tiên đã không quay lại tiêm liều thứ 2.

“Chúng tôi có hơn 40 bộ lạc, với các truyền thống, tín ngưỡng và quan niệm về các điều cấm kỵ khác nhau. Nhiều người vẫn cố bám vào các niềm tin truyền thống và phủ nhận sự tồn tại của COVID-19. Và đó là lý do vì sao Kenya đang đứng trước thảm cảnh như hiện nay”, Kahiga lên tiếng.

Do số ca tử vong vì COVID-19 ở Sri Lanka tăng lên đột biến trong thời gian gần đây, nhiều gia đình ở nước này đã chọn mua quan tài làm bằng giấy bìa cứng (carton) để lo hậu sự cho người thân bằng cách hỏa táng.

quan tài làm bằng giấy bìa cứng (carton) để hỏa táng người chết vì COVID-19
Sri Lanka dùng quan tài làm bằng carton để hỏa táng người chết vì COVID-19

Theo Priyantha Sahabandu - một thành viên của hội đồng thành phố Dehiwala-Mount Lavinia, thuộc quận Colombo - là người đầu tiên đưa ra ý tưởng nói trên và cho biết những chiếc quan tài được làm từ giấy tái chế này có giá thành chỉ bằng 1/6 giá của những quan tài gỗ rẻ nhất.

Hôm 21/8, Sri Lanka đã ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay là 198 người, đưa tổng số người tử vong ở nước này từ đầu đại dịch lên 7.560.

“Hiện, trung bình mỗi ngày Sri Lanka có khoảng 400 người chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có COVID-19. Để làm 400 chiếc quan tài thì phải chặt khoảng 250 đến 300 cây. Để ngăn chặn sự tàn phá môi trường, tôi đã đề xuất ý tưởng này với ủy ban sức khỏe của hội đồng. Ngoài ra, nhiều người dân nghèo cũng không có đủ tiền để mua những chiếc quan tài bằng gỗ đắt tiền”, Sahabandu giải thích.

Mỗi chiếc quan tài làm bằng giấy bìa cứng có giá khoảng 4.500 rupee Sri Lanka (khoảng 500.000 đồng), so với giá 30.000 rupee của một chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền, và có thể chứa đến 100kg, Sahabandu cho biết thêm.

Những chiếc quan tài này, ban đầu chủ yếu được sử dụng cho các nạn nhân COVID-19, nhưng nay đã trở nên phổ biến hơn đối với những người quan tâm đến môi trường. Từ đầu năm 2020, khoảng 350 quan tài loại này đã được bán ra và 150 chiếc đang được sản xuất theo đặt hàng của hội đồng thành phố.

Nhất Nguyên (theo The Guardian, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI