Cuộc đua sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 đang tăng tốc

20/06/2021 - 06:05

PNO - Trong bối cảnh xuất hiện những biến chủng COVID-19 nguy hiểm, cùng với áp lực nguồn cung vắc xin hạn chế, các nhà sản xuất dược phẩm vẫn đang chạy đua nghiên cứu, tìm cách cải tiến sản phẩm, cải thiện khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chủng ngừa tạo ra hiệu quả rất lớn trong việc tăng khả năng đề kháng của con người trước virus SARS-CoV-2, giảm lây truyền COVID-19. Việc tiêm chủng đầy đủ cho 20% dân số được ước tính có tác dụng tương tự như việc đóng cửa các phương tiện giao thông công cộng và những nơi làm việc không thiết yếu; tiêm chủng đầy đủ cho 50% dân số sẽ có hiệu quả lớn hơn so với việc áp dụng đồng thời tất cả các hình thức phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang triển khai các chương trình tiêm chủng với tốc độ khác nhau do thiếu nguồn cung cấp vắc xin, và với các biến thể mới của virus, các nhà sản xuất dược phẩm đang phải chạy đua một lần nữa.

Thành công và thất bại

Hôm 14/6, công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ thông báo, ứng cử viên vắc xin COVID-19 của họ đạt hiệu quả 90,4% trong một thử nghiệm giai đoạn 3 tại Mỹ và Mexico. Công ty cho biết thêm, loại vắc xin này “được dung nạp tốt” và các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau tại chỗ tiêm kéo dài dưới ba ngày, đi kèm mệt mỏi, đau đầu và đau cơ, kéo dài dưới hai ngày. Vắc xin của Novavax dễ dàng lưu trữ, vận chuyển bằng tủ lạnh thông thường.

Công nhân đóng gói vắc-xin Pfizer tại một nhà kho ở bang Michigan, Mỹ - Ảnh: Getty Images
Công nhân đóng gói vắc xin Pfizer tại một nhà kho ở bang Michigan, Mỹ - Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, một nghiên cứu lớn công bố hôm 16/6 cho thấy vắc xin COVID-19 của CureVac - công ty dược phẩm sinh học của Đức - chỉ đạt hiệu quả 47%, thấp hơn rất nhiều so với mong đợi. Mặc dù chỉ là báo cáo sơ bộ, kết quả đã đặt ra câu hỏi về tương lai của ứng cử viên vắc xin từ Đức. Giống như các mũi tiêm từ Moderna và liên minh Pfizer-BioNTech, vắc xin của CureVac dựa vào công nghệ mRNA, sử dụng các tế bào của chính cơ thể làm nhà máy sản xuất vắc xin chống lại SARS-CoV-2.

Ở phương diện khác, một thử nghiệm do Đại học Oxford dẫn dắt vừa tìm ra một loại thuốc mới có thể giúp bệnh nhân COVID-19 phục hồi trong bệnh viện. Đây là loại thuốc đầu tiên có khả năng ngăn chặn virus, thay vì nhắm vào hội chứng viêm phát triển trong giai đoạn sau của bệnh.

Sản phẩm do hãng dược Regeneron (trụ sở tại New York, Mỹ) phát triển có tác dụng đối với những bệnh nhân không hình thành kháng thể sau khi nhiễm COVID-19, điển hình như bệnh nhân ung thư, với hệ thống miễn dịch suy giảm do quá trình điều trị. 

Nếu không dùng thuốc, trung bình 30% bệnh nhân sẽ tử vong. Thuốc của Regeneron là hỗn hợp của hai kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm, casirivimab và imdevimab, giúp liên kết với hai vị trí khác nhau trên protein gai bám đột biến của SARS-CoV-2, ngăn chặn vi-rút xâm nhập vào tế bào. Ngoài ra, những thử nghiệm nhỏ ở Mỹ cho thấy một số hiệu quả ở những người dùng thuốc sớm, giúp ngăn ngừa khả năng nhập viện do chuyển biến xấu.

Cũng trong ngày 16/6, một nghiên cứu nhỏ công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy, loại thuốc uống trị viêm khớp dạng thấp Xeljanz của Công ty Pfizer đã giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc suy hô hấp ở bệnh nhân nhập viện do viêm phổi vì COVID-19 ở Brazil. 

Tăng cường khả năng sản xuất

Bên cạnh việc tìm kiếm, cải thiện khả năng phòng và chữa trị COVID-19, việc mở rộng năng lực sản xuất là điều cần thiết để đạt được đủ độ bao phủ vắc-xin nhằm ngăn chặn sự lây truyền và đột biến trên toàn cầu của SARS-CoV-2. Trước đại dịch, khoảng 3,5 - 5,5 tỷ liều vắc xin được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, hành tinh cần ít nhất 12 tỷ liều vắc xin COVID-19, con số này sẽ tăng lên khi vắc xin được chấp thuận cho các nhóm tuổi trẻ hơn và các mũi tiêm nhắc lại là bắt buộc nhằm ứng phó các biến thể mới. 

Nhìn chung, phải mất 5 năm để xây dựng và chứng nhận các cơ sở sản xuất quy mô lớn. Một số nguyên liệu thô và thiết bị thiết yếu cần nhiều tháng hoàn thiện bởi các kỹ sư lành nghề. Trong ngắn hạn, các công ty dược phẩm lớn đã hình thành liên minh sản xuất, như Merck (công ty dược phẩm Mỹ) đồng ý giúp sản xuất 100 triệu liều vắc-xin Johnson & Johnson trong các nhà máy của mình, thay vì tự nghiên cứu sản phẩm mới. Sanofi, GSK và Novartis cũng đã đồng ý sản xuất vắc xin mRNA cho BioNTech và CureVac.

Trong dài hạn, các công ty nhắm đến thành lập cơ sở sản xuất mới. BioNTech cho biết sẽ xây dựng trụ sở và nhà máy mới tại Singapore để sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin dựa trên mRNA mỗi năm. Tương tự, Trung Quốc đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 mới có khả năng cung cấp từ 500 triệu đến 1 tỷ liều mỗi năm. Chính phủ Canada cũng công bố khoản đầu tư 200 triệu USD để giúp Resilience Biotechnologies, công ty có trụ sở tại Ontario, xây dựng nhà máy sản xuất hàng triệu liều vắc xin dựa trên công nghệ mRNA. Riêng hãng Pfizer sẽ chuyển giao dây chuyền sản xuất vắc xin COVID-19 đến nhà máy Grange Castle ở Dublin, Cộng hòa Ireland, như một phần của khoản đầu tư mới trị giá 40 triệu USD tại địa phương vào năm 2022. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI