Cuộc đấu tranh để trở lại làm việc của bệnh nhân ung thư vú

19/10/2022 - 08:34

PNO - Sau quá trình điều trị, một số bệnh nhân ung thư vú trở lại làm việc phải vật lộn với các tác dụng phụ sau hóa trị, các vấn đề về ngoại hình, định kiến ​​và phân biệt đối xử.

 

 phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi điều trị ung thư vú có thể giảm bớt quá trình chuyển đổi cho bản thân, chẳng hạn như chuẩn bị trước cho những cuộc trò chuyện khó khăn. (Ảnh: iStock / celiaosk)
Phụ nữ bị ung thư vú có thể gặp vài hạn chế khi quay lại làm việc

Ngoài việc đối mặt với tương lai không chắc chắn, các phương pháp điều trị đau đớn, tốn kém, cùng với sự đau khổ về thể chất lẫn tinh thần, bệnh nhân ung thư vú còn phải vật lộn với việc sự nghiệp và tài chính bị gián đoạn.

Tiến sĩ Samuel Ow, chuyên gia tư vấn tại khoa Huyết học - Ung thư, Viện Ung thư Đại học Quốc gia, Singapore (NCIS) cho biết, một số người tiếp tục làm việc trong khi điều trị, trong khi những người khác chọn nghỉ việc từ 3 - 12 tháng để hóa trị, phẫu thuật và xạ trị.

Trên thực tế, một số bệnh nhân đã nghỉ việc hoàn toàn. Trên toàn cầu, từ 26 - 53% người sống sót sau ung thư bị mất việc hoặc bỏ việc trong khoảng thời gian 72 tháng sau khi chẩn đoán, Hillary Hoo, trợ lý nhân viên xã hội cấp cao của Hiệp hội Hỗ trợ tâm lý xã hội Singapore (SCS), nói.

Hoo cho biết, bất kể khi nào trở lại làm việc, các bệnh nhân ung thư vú đều trải qua căng thẳng và lo lắng. Nơi làm việc của họ có thể đã thay đổi, cơ thể của họ đã thay đổi, và họ có thể không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có một quá trình chuyển đổi tốt đẹp.

Thử thách lại công việc sau khi bị ung thư 

Hầu hết người bệnh đều bị một số tác dụng phụ của hóa trị, bao gồm mệt mỏi, mất ngủ và kém tập trung - còn được gọi là “sương mù hóa trị”.

Tuy nhiên, rất ít người nhận thức được các tác dụng phụ tồn tại lâu dài ngay cả sau khi hoàn thành hóa trị. Ngoài mệt mỏi và kém tập trung, tác dụng phụ còn bao gồm tê ngón tay hoặc ngón chân, cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần, tiến sĩ Ow cho biết.

Yeo Ai Lin, người sống sót sau ung thư vú giai đoạn 2, kể lại rằng cô đã mất cảnh giác vì những tác dụng phụ sau hóa trị, chẳng hạn như đau khớp và đau nhức cơ thể. Đối với Yeo, tác dụng phụ sau hóa trị còn dữ dội hơn trong thời gian hóa trị, khiến công việc của cô trở nên khó khăn.

“Các hành động và chuyển động của tôi đều chậm lại hoặc phải điều chỉnh lại để cơ thể không hoạt động quá sức, do đó sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Tay tôi cũng yếu hơn trước nên việc di chuyển hàng hóa, đồ đạc cũng khó khăn hơn", cô nói.

Nhiều người cũng lo lắng về việc liệu cấp trên và đồng nghiệp có thông cảm với những hạn chế của họ hay không. Trên thực tế, một số người có thể trở lại làm việc với cảm giác cơ thể như “hàng hóa bị hư hỏng”.

Những người khác phải vật lộn với các vấn đề về ngoại hình do rụng tóc vì hóa trị, cũng như những thay đổi về hình dáng bên ngoài của bộ ngực do phẫu thuật cắt bỏ, tái tạo hoặc xạ trị. Bác sĩ Ow lưu ý, những bệnh nhân trẻ hơn có thể mãn kinh sớm, điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thể chất như khô da và tăng cân.

Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư vú thậm chí có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. “Một số người chia sẻ rằng họ bị đồng nghiệp xa lánh vì coi là "xui xẻo" hoặc "dễ lây lan". Họ cũng thấy mình là đối tượng của những lời đàm tiếu, hoặc bị loại khỏi các cơ hội làm việc”, chuyên viên Hoo nói.

Bệnh nhân thậm chí có thể bị chấm dứt hợp đồng. Một nghiên cứu của Mỹ cho rằng, 20 - 30% bệnh nhân ung thư vú sẽ mất việc làm. “Những bệnh nhân đang tìm kiếm công việc mới cũng lo lắng về việc liệu việc tiết lộ chẩn đoán ung thư vú có ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội nhận được việc làm của họ hay không, và nhiều người đã bị từ chối, mặc dù bệnh đã thuyên giảm”, Hillary Hoo nói thêm.

 một số bệnh nhân ung thư vú lo lắng về việc liệu đồng nghiệp và sếp của họ có thông cảm với những hạn chế và nhu cầu mới của họ khi họ trở lại làm việc sau khi điều trị hay không. (Ảnh: iStock / alvarez)
Một số bệnh nhân ung thư vú lo lắng về việc liệu đồng nghiệp và sếp của họ có thông cảm với những hạn chế của họ sau khi trở lại làm việc hay không 

Cần hỗ trợ nhân viên bị ung thư vú 

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay, vì thế nhiều chuyên gia cho rằng, mọi người nên tìm hiểu thêm về căn bệnh này và các tác dụng phụ, đồng thời lưu tâm đến những cuộc đấu tranh hàng ngày mà người thân, bạn bè hay đồng nghiệp đang đối mặt. Không nên kỳ thị bệnh nhân và những người sống sót khi h trở lại làm việc. 

“Chúng tôi không chỉ giải quyết việc chẩn đoán và chữa trị ung thư", Aisha Jiffry, một người sống sót sau khi mắc ung thư vú, cho biết cô đang đối mặt với một hình ảnh cơ thể mới, đang phải đấu tranh để xây dựng lại sự tự tin và lòng tự trọng của mình. “Hãy thấu hiểu trong giai đoạn khó khăn này. Mặc dù nhiều người trong chúng tôi có thể đã trải qua một quá trình biến đổi, nhưng chúng tôi không phải là người ngoài hành tinh”.

Theo cô, đồng nghiệp cũng nên tránh nhận xét tiêu cực hoặc đưa ra những lời khuyên vô tình chạm vào nỗi đau của bệnh nhân. “Đừng hỏi liệu tôi có thể chạm vào bộ ngực được tái tạo của bạn hay không, hoặc đưa ra những bình luận vô bổ. Hành trình của mỗi người đều khác nhau, vì vậy hãy ngừng so sánh giữa những bệnh nhân chúng tôi", Aisha nói thêm.

Theo Hillary Hoo, nếu được ở trong môi trường làm việc hòa nhập hỗ trợ, bệnh nhân ung thư vú có thể tiếp tục đóng góp một cách có ý nghĩa vào công việc cũng như cuộc sống. “Những bệnh nhân trở lại làm việc có ý thức cam kết mạnh mẽ và luôn nỗ lực để làm tốt công việc, đặc biệt nếu nơi làm việc đã hỗ trợ họ trong suốt quá trình mắc bệnh", bà Hillary Hoo nói.

Thảo Nguyễn (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI