Cũng có lúc phải “nghĩ hộ” con

02/06/2021 - 06:00

PNO - Có rất nhiều tình huống mà với các con, khi chưa đủ vốn sống và trải nghiệm thì chưa thể biết cách ứng biến sao cho tốt. Cha mẹ hãy cứ “hiến kế” cho con, như một cách cùng con lớn lên.

Con gái tôi năm nay 14 tuổi, độ tuổi đánh dấu rất nhiều thay đổi về cả tâm và sinh lý. Vợ chồng tôi kết giao nhiều bạn bè thân thiết nên thi thoảng các gia đình tổ chức tụ tập vui chơi, ăn uống. Các con tôi được bạn bè tôi yêu quý, chăm sóc như con cái của họ và ngược lại. 

Vì quá đỗi quen thân, nên những hành động như ôm ấp, bế bồng, cưng nựng chúng âu cũng là chuyện thường. Nhưng thời gian này, con gái tôi bắt đầu phản ứng trước những cử chỉ thân mật từ các bạn của ba mẹ. 

Con nói: “Bác A. mỗi lần gặp đều ôm con rất chặt. Mùi thuốc lá làm con muốn ngộp thở. Con lớn rồi, không thấy thoải mái khi không phải người nhà mà cứ đụng chạm”.

Vợ tôi sau khi nghe con thổ lộ liền đặt câu hỏi: “Vậy con có giải pháp gì không?”.

Con gái suy nghĩ một hồi thì đáp: “Con sẽ trốn gặp bác ấy”. “Trốn tránh đồng nghĩa là con thụ động, hơn nữa nó còn thể hiện sự thiếu lịch sự trong giao tiếp nữa”.

Vợ tôi hiến kế: “Nếu không thích bác ôm, con vẫn có nhiều cách chào hỏi nhẹ nhàng khác mà không làm mất sự tự nhiên, thân mật. Ví như chạy đến chào và đưa hai tay ra đập tay với bác chẳng hạn. Hành động đó khi được lặp lại nhiều lần, tự động nó sẽ thay thế cái ôm, và con hoàn toàn ở thế… chủ động”. 

Con gái tỏ vẻ thích thú với “kế sách” mà mẹ đưa ra và quả quyết đó là một giải pháp tuyệt vời. Vợ tôi cũng nhân cơ hội này chia sẻ kỹ với con về vấn đề giới tính, bàn bạc trao đổi về “danh sách đối tượng không được đụng chạm” vào người mình. 

Thời gian này, con gái tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp vào trường chuyên. Vì không muốn phụ sự mong mỏi của ba mẹ, nên con cố học ngày học đêm.

Thấy con có vẻ căng thẳng, ăn uống không ngon miệng, tôi gợi ý: “Nếu con mệt và muốn nghỉ ngơi, con cứ nghỉ. Khi cơ thể mệt mỏi, muốn ngủ mà cứ ép bản thân phải thức, phải gắng học thì càng cố càng phản tác dụng, vì trí não sẽ rơi vào trạng thái bão hòa, nghĩ gì cũng lơ mơ. Cách tối ưu nhất để cơ thể khỏe khoắn, tư duy tốt là cho nó tái tạo nguồn năng lượng”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dẫu biết rằng, để dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề, ta nên kích thích trẻ xác định vấn đề, từ đó tự phát triển và đưa ra các giải pháp, cha mẹ không nên “nghĩ hộ”, “làm hộ”…

Lý thuyết chung là thế, song không phải lúc nào cũng có thể áp dụng. Bởi có rất nhiều tình huống mà với các con, khi chưa đủ vốn sống và trải nghiệm thì chưa thể biết cách ứng biến sao cho tốt. Cha mẹ hãy cứ “hiến kế” cho con, như một cách cùng con lớn lên. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI