Giảm doanh thu do "đụng" hàng giả
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - kể, cuối năm ngoái, một đối tác của công ty phát hiện có sản phẩm giả mạo thương hiệu Meet More của Toàn Cầu. Qua kiểm tra, ông phát hiện một số cơ sở sản xuất ở tỉnh Lâm Đồng đóng gói cà phê trong bao bì na ná Meet More, chỉ khác 1 chữ cái trong thương hiệu, tức Meet More bị biến thành Meet Moree.
Ông nói: “Chúng tôi đã gửi công văn đến cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời gửi thông báo tới các đối tác phân phối về trường hợp này để họ tránh nhầm lẫn”. Theo ông, vụ nhái thương hiệu này đã làm giảm đáng kể lượng sản phẩm bán ra của công ty, giảm uy tín của công ty với người tiêu dùng, khiến công ty ông phải tốn nhân sự và thời gian để giải quyết vụ việc. Nhưng tác động lớn nhất của việc làm nhái, làm giả sản phẩm là khiến những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính rất nản lòng.
 |
Lực lượng quản lý thị trường TP Đà Nẵng thu giữ hàng giả thương hiệu nổi tiếng ngày 20/5. Ảnh do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cung cấp |
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lê Thành - cho hay, doanh thu bán hàng trong 4 tháng đầu năm 2025 của công ty giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái mà nguyên nhân chính là nạn bán hàng giả online. Tập đoàn Lê Thành chuyên phân phối hàng chính hãng nên giá bán cao, trong khi hàng nhái, hàng giả trông không khác mấy hàng thật mà giá lại quá rẻ.
Ông nêu ví dụ: “1 chai nước hoa nữ của thương hiệu Versace Eros Pour Femme EDP 100ml được Lê Thành phân phối với giá hơn 3,3 triệu đồng, nếu có đợt khuyến mãi thì giảm còn 2,7 triệu đồng. Thế nhưng, cũng nhãn hiệu này, khi được giới thiệu là hàng xách tay hoặc được cá nhân bán online thì giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Những sản phẩm giá rẻ như vậy chắc chắn là hàng giả”. Ông nói thêm, sản phẩm giả được làm rất tinh vi, nếu không đặt cạnh hàng thật thì khó biết được thật, giả. Sản phẩm giả khiến thị trường bị loạn giá và đẩy người tiêu dùng vào nguy hiểm bởi chúng có thể gây hại cho sức khỏe người dùng.
Do những tác động tiêu cực của hàng giả, hàng nhái đến doanh nghiệp (DN) chân chính, đến thị trường và sức khỏe người dùng, ông Lê Hữu Nghĩa đề nghị Chính phủ mạnh tay phòng, chống. Ông Nguyễn Ngọc Luận đề nghị phạt nặng cơ sở, DN sản xuất cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Cần xem lại công tác chống hàng giả
Luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - chỉ ra sự bất cập trong quản lý chất lượng sản phẩm: “DN tự công bố chất lượng sản phẩm, cơ quan quản lý nhà nước lại chậm kiểm tra hoặc kiểm tra thiếu thực chất khiến hàng kém chất lượng tồn tại lâu trên thị trường và chỉ bị xử lý khi có phản ánh, tố giác”. Theo bà, hàng giả được làm rất tinh vi, có cả nhãn phụ và tem chống giả nên người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại ra thông báo về hàng giả một cách chung chung, không cụ thể về loại hàng hóa, nhãn hiệu bị làm giả và thiếu thông tin phân biệt với hàng thật.
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả ở tỉnh Vĩnh Phúc đầu tháng 5/2025 - Ảnh do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cung cấp |
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM - cho rằng, thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức lớn: số lượng giao dịch khổng lồ, hình thức kinh doanh đa dạng; nhiều đối tượng không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh; chưa có quy định xử lý cụ thể đối với một số hành vi vi phạm trên môi trường mạng; mức xử phạt chưa đủ sức răn đe… khiến việc giám sát và xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam - cho rằng, hàng giả, hàng nhái tràn lan là do ý thức người tiêu dùng còn hạn chế; công cụ xác minh hàng giả còn thiếu; mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái chưa đủ sức răn đe; việc thực thi pháp luật còn thiếu đồng bộ. Theo ông, các đợt cao điểm truy quét hàng nhái, hàng giả chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết tận gốc vấn nạn này. Sau mỗi đợt truy quét, các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức sản xuất, phân phối để tiếp tục hoạt động, thu lợi bất chính.
 |
Các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai ở chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM - Ảnh: Thanh Hoa |
Để giải quyết tận gốc vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Phạm Văn Thọ cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, dài hơi, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng công nghệ tiên tiến: các DN có thể sử dụng giải pháp kết hợp blockchain, AI và chip RFID để mỗi sản phẩm có mã định danh riêng, hỗ trợ lưu trữ thông tin và truy xuất nguồn gốc. Khi phát hiện bất thường, hệ thống sẽ cảnh báo sớm rủi ro, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, tránh mua phải hàng giả.
Ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đợt cao điểm này diễn ra từ ngày 15/5 - 15/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày 14/5. |
Đi đâu cũng gặp hàng giả, hàng nhái
Các sạp, cửa hàng trên các tuyến đường quanh chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) chuyên bán các sản phẩm nước tẩy rửa nhái các thương hiệu nổi tiếng như Comfort, Downy, Tide, Hygiene, Yes, Nikko. Khách quen chỉ cần đến lấy hàng và thanh toán, còn khách lạ phải trả lời câu hỏi “mua hàng công ty hay hàng thường”. “Hàng công ty” là hàng có nhãn mác chính hãng, “hàng thường” là hàng xá (không rõ nguồn gốc). Đáng chú ý, những sản phẩm mang danh “chính hãng” ở đây được bán với mức giá chỉ bằng khoảng 1/4 đến 1/3 so với giá niêm yết các sản phẩm cùng loại trong các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi.
Một cán bộ của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Nikko Việt Nam cho biết, cách đây vài năm, công ty đã phát hiện một số hộ kinh doanh quanh chợ Kim Biên buôn bán các sản phẩm bột giặt Nikko giả mạo. Bao bì của các sản phẩm giả này được làm rất tinh vi, đẹp hơn bao bì hàng chính hãng, chỉ khác biệt ở số điện thoại công ty được in trên bao bì. Công ty đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tại chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM), chúng tôi thấy nhiều mặt hàng bánh, kẹo, sữa, thực phẩm, mỹ phẩm không minh bạch về nguồn gốc, phần lớn được dán nhãn “hàng xách tay”, hầu hết thiếu nhãn phụ ghi rõ thông tin đơn vị nhập khẩu hoặc có nhãn phụ nhưng thông tin sơ sài. Khảo sát 5 sạp hàng bán nước uống collagen Menarad “trẻ hóa nội sinh” của Nhật Bản, chúng tôi ghi nhận, chỉ 1 sạp có dán nhãn phụ ghi đơn vị nhập khẩu nhưng không ghi số công bố phê duyệt của cơ quan y tế.
Ở khu vực kinh doanh mỹ phẩm của chợ Bình Tây, một tiểu thương tiết lộ, hơn 90% hàng hóa tại đây là của Trung Quốc, 10% còn lại của Thái Lan và tất cả đều là hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp. Người này cho xem một số sản phẩm giả các thương hiệu Nhật, Pháp như Shiseido, DHC, SK-II, La Roche-Posay, Vichy và khuyến khích người mua cứ yên tâm nhập sỉ hàng về bán bởi khách mua lẻ thường lầm tưởng đó là hàng hiệu chứ không nghĩ là hàng Trung Quốc, Thái Lan.
Tại các chợ sỉ khác ở TPHCM như An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1), Saigon Square (quận 1), các sản phẩm đồng hồ, mắt kính, túi xách, trang sức, quà lưu niệm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai, giá từ 100.000 đến 5 triệu đồng/sản phẩm.
Ý kiến: Thực thi pháp luật chưa nghiêm Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông tràn lan trên thị trường, cần rà soát lại xem có những kẽ hở nào trong hệ thống pháp luật để sửa đổi ngay về mặt thể chế. Đối với những quy định pháp luật đã có, cần xem lại khâu thực thi pháp luật bởi nếu thực thi nghiêm thì tại sao tội phạm vẫn sản xuất, lưu thông được hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian dài. Trên thực tế, ngành công an đã bắt giữ một số đối tượng không thực hiện nghiêm chức trách, tiếp tay cho tội phạm.  Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm rơi vào 2 trường hợp: lơ là công vụ khiến tội phạm lợi dụng hoặc đồng lõa, tiếp tay cho tội phạm. Những trường hợp này phải bị xử lý thật nghiêm minh. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về đạo đức công vụ và đạo đức DN. Trong số 18 tội danh có mức án tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, có tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc giả. Hình phạt nặng như thế nhưng tại sao tội phạm vẫn bất chấp? Đó chính là do vấn đề đạo đức.
Nhìn tổng thể, chúng ta rất quan tâm đến khởi nghiệp, tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể phát triển. Nhưng, những điều này phải đi kèm với đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) Đừng để doanh nghiệp tự chống hàng giả Các DN chân chính rất vất vả, tốn kém khi chống hàng giả, hàng nhái nhưng hiệu quả thu được lại rất thấp. Chẳng hạn, có DN biết nơi đang bán hàng giả của một thương hiệu mà mình đang là đại diện độc quyền, nhưng muốn khởi kiện thì phải chứng minh đó là hàng giả, chứng minh được mức độ thiệt hại của công ty mình. Bên cạnh đó, tiến độ xử lý của cơ quan chức năng thường chậm và kết quả xử lý thường nhẹ khiến DN khá nản lòng.  Trừ một số ít DN có vốn lớn mạnh dạn đầu tư cho hoạt động chống hàng giả đến cùng, số đông DN còn lại thường tự vệ yếu ớt hoặc chấp nhận sống chung với hàng giả. Để chống hàng giả, trước tiên các DN phải tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình. Cần có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm bởi đây là căn cứ để xác định hàng thật và xử lý hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng Tiêu chuẩn thiếu nhất quán, quản lý rời rạc Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa ở Việt Nam đang phân tán ở nhiều khâu khác nhau nên những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thể đưa hàng ra thị trường bằng chứng nhận ở một khâu nào đó. Do đó, việc hình thành một nền tảng chung cho các quy định ngành hàng theo từng chủng loại là cần thiết.  Việt Nam có quá nhiều nơi cấp phép hoặc ban hành tiêu chuẩn cho hàng hóa nhưng lại chưa có sự phân định về quản lý.
Chẳng hạn, ngành công thương có tiêu chuẩn riêng cho thực phẩm còn ngành y tế lại có tiêu chuẩn cho dược phẩm, thuốc. Ở các nước tiên tiến, họ có tiêu chuẩn đồng nhất cho sản phẩm và do một cơ quan cấp phép. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là cơ quan ban hành tiêu chuẩn và kiểm soát tiêu chuẩn thực phẩm đồng nhất ở tất cả các bang. Ở Nhật Bản, dù là hàng nhập khẩu, hàng nội địa hay hàng để xuất khẩu cũng đều phải theo một chuẩn duy nhất. Việt Nam cần liên kết giữa những tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, OCOP, tiêu chuẩn xanh thành một bộ tiêu chuẩn chung thống nhất để quản lý dễ dàng hơn, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tốt hơn. Việc truy quét hàng giả cần được tiến hành thường xuyên, ở nhiều ngành hàng. Bên cạnh đó, cần sản xuất hàng Việt theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Thuế đối ứng của Mỹ là nhắm vào gian lận thương mại, hàng đội lốt chạy vào Việt Nam để xuất ra nước ngoài, nên việc chống hàng giả cũng là cách để hàng Việt phát triển bền vững. Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Mai Ca- Huyền Anh (ghi) |
|
Mai Ca - Thanh Hoa