Chưa bao giờ thị trường lại đứng trước một cơn bão hàng giả, hàng kém chất lượng với quy mô và mức độ tinh vi như hiện nay. Từ thực phẩm chức năng, sữa bột trẻ em, mỹ phẩm đến thuốc điều trị bệnh, người dân đang bị đánh úp bởi những sản phẩm giả mạo, nguy hiểm, đe dọa trực tiếp sức khỏe của mình.
Chỉ trong vòng vài tháng, hàng loạt vụ việc chấn động đã được phanh phui. Đặc biệt, vụ việc gây chấn động gần đây là đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả, trong đó có 305 sản phẩm do doanh nghiệp “tự công bố” rồi biến mất khỏi địa chỉ đăng ký, một lỗ hổng pháp lý đang bị lợi dụng nghiêm trọng. Đường dây sản xuất sữa bột giả này đã hoạt động trong suốt 4 năm, tiêu thụ gần 600 loại sản phẩm giả mạo trên thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Một vụ việc khác liên quan đến thực phẩm chức năng giả cũng đã bị triệt phá. Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả. Các sản phẩm giả mạo này thậm chí còn được bán tại các hiệu thuốc và bệnh viện, khiến người dân không khỏi lo lắng về độ an toàn của các sản phẩm y tế trên thị trường.
Trong lĩnh vực mỹ phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố chủ cơ sở sản xuất và buôn bán hàng ngàn đơn mỹ phẩm giả trên mạng, thu giữ 2.500 sản phẩm mỹ phẩm giả. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng.
Điều khiến dư luận bàng hoàng hơn cả là không ít trong số đó từng được người nổi tiếng quảng bá, có mặt tại các chuỗi nhà thuốc lớn, những nơi đáng lẽ phải là “vùng an toàn” của người tiêu dùng.
Trong cơn hoảng loạn ấy, điều khiến công chúng phần nào vững tâm là hành động nhanh chóng và quyết liệt của cơ quan chức năng. Từ Bộ Công an, Bộ Y tế đến lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành... tất cả đã cùng phối hợp để bóc gỡ từng mắt xích của các đường dây làm ăn phi pháp.
Việc công khai danh sách sản phẩm vi phạm, yêu cầu thu hồi khẩn cấp, tiêu hủy toàn bộ lô hàng sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, kể cả người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo... cho thấy thái độ không khoan nhượng của cơ quan chức năng.
Sự vào cuộc này là đúng lúc và rất cần thiết. Bởi hơn lúc nào hết, người tiêu dùng đang cảm thấy mất phương hướng giữa ma trận sản phẩm thật – giả lẫn lộn.
Một lon sữa công thức giả có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng. Một viên thuốc giả có thể khiến bệnh không được điều trị đúng cách, thậm chí tử vong. Một lọ mỹ phẩm không kiểm định có thể gây dị ứng, viêm da, hay nặng hơn là ung thư. Đây không đơn thuần là hành vi kinh doanh phi pháp, mà là sự liều lĩnh đến tàn nhẫn, coi rẻ tính mạng cộng đồng.
Dư luận đồng tình với cách làm cương quyết của lực lượng chức năng. Nhưng cũng đồng thời đặt ra một kỳ vọng rõ ràng hơn: Đừng chỉ dừng lại ở việc “truy bắt tận tay, day tận trán” các vụ việc lớn, mà cần xây dựng hệ thống phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng vững chắc.
Hàng giả có đất sống là vì những kẽ hở trong quản lý, từ khâu cấp phép, hậu kiểm… đến quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Nếu không siết lại quy trình, không nâng cao tiêu chuẩn kiểm định và minh bạch hóa thông tin sản phẩm, thì sau đợt sóng này, thị trường sẽ lại nổi lên một làn sóng khác, tinh vi hơn, khó lường hơn.
Về lâu dài, cuộc chiến chống hàng giả cần đến sự tham gia của toàn xã hội. Người tiêu dùng cần cảnh giác và có thói quen kiểm tra thông tin nguồn gốc rõ ràng. Doanh nghiệp chân chính cần lên tiếng, tự bảo vệ thương hiệu và góp phần làm sạch môi trường kinh doanh. Cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì sự quyết liệt như hiện nay, không chỉ để xử lý hậu quả, mà để phòng ngừa tận gốc.
Chỉ khi những kẻ làm ăn gian dối bị xử lý thật nghiêm, người dân mới lấy lại được niềm tin đã mất. Và chỉ khi thị trường nội địa được làm trong sạch, doanh nghiệp làm ăn tử tế mới có cơ hội cạnh tranh công bằng. Cuộc chiến chống hàng giả không đơn thuần là trấn áp vi phạm, mà là nỗ lực lập lại trật tự xã hội, bảo vệ sinh mạng và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Phước Dũng