Bộ Y tế yêu cầu cán bộ công chức không vì lợi ích nhóm tiếp tay cho hàng giả

17/05/2025 - 22:10

PNO - Bộ Y tế nhấn mạnh cán bộ, công chức tuyệt đối không chịu tác động, không lợi ích nhóm trong quá trình thẩm định, cấp phép sản phẩm y tế.

Các sản phẩm thu được trong vụ sản xuất 100 tấn thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả
Các sản phẩm thu được trong vụ sản xuất 100 tấn thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả

Ngày 17/5, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Trước đó, ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để triển khai công điện của Thủ tướng trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức các đợt tấn công cao điểm từ ngày 15/5 - 15/6/2025. Đối tượng kiểm tra, rà soát là các sản phẩm thuốc, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

Các địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 20/6/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, để tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.

“Tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc phòng chống tội phạm và tội phạm có tổ chức; siết chặt công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc, nhằm ngăn chặn, xử lý và kiến nghị khởi tố trong trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu.

Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký, cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm.

Những cá nhân, tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Các cơ quan, đơn vị phổ biến tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, các quy chế, quy định, quy trình công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ.

Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tuyệt đối không chịu tác động, ảnh hưởng, không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng theo quy định của pháp luật”.

Công chức, viên chức chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn.

Trước đó, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, sữa giả, thuốc giả, thiết bị y tế giả... gây chấn động dư luận.

Mới đây nhất, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng hơn 100 tấn hàng hóa giả. Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020 và bán tại tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng vừa bắt giữ và khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về tội nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi vi phạm của MediPhar và MediUSA - 2 công ty trong vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả gây rúng động dư luận hồi tháng 4 vừa qua.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI