Con vào dạ, mạ phải tu

27/02/2023 - 18:56

PNO - Những đứa trẻ sẽ sao y bản chính nếu cha mẹ, người lớn xung quanh nói năng, cư xử không tử tế, đàng hoàng.

Là bà mẹ 2 con, quay cuồng với cuộc sống bận rộn, tôi cũng sẽ không nhận ra điều đó cho đến một lần trước khi đi ngủ, Chim Sâu - con gái lớn 7 tuổi - thủ thỉ: “Mẹ có biết câu nói nào của mẹ khiến con rất buồn mà đến giờ con vẫn không quên được không?”.

- Câu nào vậy con, mẹ không nhớ.

- Lúc con 4 tuổi, con nghịch quá, đến giờ không chịu ngủ, mẹ nói nếu Chim Sâu không lên giường, mẹ sẽ đem con bán cho bà ve chai.

- Ừ, mẹ xin lỗi. Nhưng lúc đó mẹ tức quá. Từ lúc con khóc, rất giận mẹ vì câu nói đó, mẹ đã không bao giờ lặp lại nữa. Nên con hãy quên và tha thứ cho mẹ nhé.

- Con không cố tình, nhưng vì tối nay thấy mẹ với ba cãi nhau, mẹ to tiếng nạt nộ ba, tự nhiên câu nói đó lại xuất hiện trong đầu con. Chắc những câu nói hung dữ của mẹ cũng khiến ba buồn như con từng buồn đấy. Ba có nhiều lần giận con nhưng ba có bao giờ nói đem con bán ve chai đâu. Ba cũng giận nhau với mẹ nhưng ba không bao giờ nói nặng lời như mẹ.

Chim Sâu và Bắp - 2 đứa con “chuyên gia tư vấn” của tác giả
Chim Sâu và Bắp - 2 đứa con “chuyên gia tư vấn” của tác giả

Nghe con nói, tôi giật mình. Nhiều bạn bè nói tôi là người phụ nữ ruột để ngoài da, luôn sống thật sống thẳng với cảm xúc của mình. Tôi giận đó, rồi quên đó. Mỗi lần có “biến”, bao nhiêu suy nghĩ, ấm ức trong lòng tôi sẽ mang xả hết. Thậm chí, trong nhiều cuộc nói chuyện với người thân, tôi còn vỗ ngực tự hào, khuyên mọi người hãy “thẳng ruột ngựa” như mình. Trong những tình huống va chạm, mâu thuẫn, đừng nên nhẫn nhịn quá rồi giữ lại phần oan ức. 

Mỗi lần cô bạn thân tâm sự chuyện mâu thuẫn chồng con, tôi bảo bạn, nếu cứ nín nhịn, miệng im như thóc thì có ngày oan ức, dồn nén rồi sinh bệnh. Nghe tôi khuyên, bạn cũng chẳng phân bua gì. Bạn nhắn: “Nhiều lúc mình cũng muốn ồn ào một trận cho đã nư nhưng rồi chẳng làm được. Có lẽ cách hành động, cư xử như thế nào sẽ tương ứng với tính cách trời sinh của người đó, không phải tập là được, muốn đổi là đổi được”.

Hôm nay, khi nghe lời con gái nói, tôi nhận ra, ngay cả tính tình cũng có thể sửa đổi, nhất là khi ta đã có gia đình. Gia đình không đơn giản là một nơi mà người này chăm sóc, chiều chuộng người kia; không phải là nơi có những bữa cơm nóng sốt để mọi thành viên ngồi vào bàn rồi luận về cách chế biến, hương vị của rau củ, thịt cá…

Gia đình là nơi mà ở đó mỗi người đều có ý thức tự hoàn thiện, nâng cấp mình để xây dựng một tổ ấm ngày càng hài hòa, bình yên, êm ấm. Gia đình là nơi có những bữa cơm mà dù món ăn được bày ra rất dở nhưng mỗi thành viên đều biết cách động viên, nâng đỡ để người đứng bếp đỡ cảm thấy ái ngại, áp lực.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Tôi có một người bác trai bên nhà nội rất am tường về các cung, mệnh, nhân duyên của đời người. Bác bảo, phước phận, nhân duyên của một phụ nữ không được tính từ thời điểm độc thân mà là từ khi cấn thai, khi những đứa con lần lượt chào đời.

Những đứa con không chỉ là bảo chứng về một cột mốc thay đổi, trưởng thành của phụ nữ, chúng còn ảnh hưởng, chi phối, mang đến những điều may lành hoặc sóng gió trong toàn bộ cuộc đời người mẹ về sau. Bác bảo thêm, mỗi phụ nữ trong xã hội phải là một người vợ hiền, một người mẹ tốt; họ không được lơ là chuyện trau dồi, tu dưỡng mỗi ngày.

Cách lý giải của bác tôi cũng gần với câu cửa miệng của ông cha ngày xưa: “Con vào dạ, mạ đi tu”. Tu tập, trau dồi, rèn luyện từ hành động lớn đến từng câu nói nhỏ. 

Sự thất thường, quá đà trong cử chỉ, lời nói của tôi không chỉ mang đến cảm giác buồn bã, tổn thương cho những người thân yêu. Với tâm hồn mong manh của những đứa trẻ, đó còn là những vết bẩn độc hại. Những đứa trẻ cũng sẽ sao y bản chính nếu cha mẹ, người lớn xung quanh nói năng, cư xử không tử tế, đàng hoàng. 

Nếu không có cuộc nói chuyện hôm qua, con không nói ra những điều mình buồn, tôi nghĩ một ngày nào đó con gái cũng có những lần nói năng thô lỗ, gây thương tổn lên cậu em của mình.

Sau lời nhận lỗi và tỏ thành ý sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc của tôi. Bắp (cậu út 4 tuổi) chen vào: “Chị Chim Sâu đừng buồn nữa. Ai cũng có lúc lỡ lời. Mẹ lỡ lời, em lỡ lời, chị lỡ lời. Nhưng ai giải quyết (ý cu cậu muốn diễn giải việc nhận lỗi và sửa sai) xong rồi thì mình cũng quên đi thôi”.

Nghe Bắp nói, tôi bật cười, ôm 2 con vào lòng, thầm cảm ơn vì những suy nghĩ ngây thơ, những cuộc trò chuyện thủ thỉ cùng nhau mỗi ngày.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Tôi là người mẹ nông nổi, khờ dại, đôi lần nói năng văng mạng với chồng, cư xử mất kiểm soát cảm xúc với con. Tôi thầm cảm ơn mầm yêu thương của tình mẫu tử không một ngày nào là ngừng lớn lên. Tôi cảm ơn cả những khoảnh khắc, tình huống tôi đã chưa thực sự yêu con mình, chồng mình đúng cách. Tất cả giúp tôi dần nhìn lại bản thân và sửa chữa những lỡ lầm.

Khi thời gian trôi qua, tôi mong cô con gái nhạy cảm của mình sẽ quên đi câu nói dở tệ, tôi cũng tin mình sẽ trở thành một phiên bản mẹ tuyệt vời hơn trong mắt các con.

Diệu Thông

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI