Con riêng của cha tôi

04/12/2018 - 19:04

PNO - Cho tới khi ba nhập viện, tôi mới biết mình có người chị cùng cha khác mẹ.

Chị đi chậm trên hành lang trắng toát, mắt dáo dác nhìn quanh, tay này cầm giỏ áo quần, tay kia xách cái túi căng phồng, sau mới biết đó là gạo nếp. Làn da rám nắng, áo sơ-mi màu tím hoa cà chấm bi và quần tây đen ống đứng màu vải còn mới, chân mang dép da cũng màu đen còn mới. Dễ nhận ra chị là dân quê lâu lâu có việc phải về thành phố.

Con rieng cua cha toi

Má tôi đã nhướng mắt và cất tiếng: “Thoa tới thăm ba hả?” và chị “dạ!”. Bí mật của gia đình lộ ra bất ngờ khiến tôi chỉ biết ngớ người. 

*

Má kể hồi đó nơi này còn rừng thiêng nước độc. Dân tha phương tứ xứ kéo tới làm ăn, khổ quá nương tựa nhau rồi ăn ở với nhau, có bốn mặt con mới dành dụm được tiền vé xe bồng bế nhau về thăm quê chồng. Tới lúc đó má mới biết ba đã có vợ con ở quê. 

“Sao má không cho tụi con biết trước?”, tôi trách. “Để làm gì? Như bây giờ con biết rồi đó thì làm được gì?”, má nói. Ừ, tôi cũng có biết làm gì đâu. 

*

Buổi tối má trực bệnh viện, tôi qua phòng má ngủ, nhường phòng mình cho chị. Khi đó tôi chưa biết là mình sẽ hối tiếc. Lẽ ra tôi nên ngủ chung để chị em có cơ hội hỏi han. Ít ra thì chị có dịp kể về sự hy sinh lặng lẽ của mẹ mình để ba được yên ổn. Nhà quê, đàn bà một mình nuôi con đâu dễ yên thân. Hoặc ít ra tôi có thể trả lời những câu hỏi thăm về ba. Hoặc… tôi có thể nói dối là ba hay nhắc tới mẹ con chị lắm! 

Làm một chuyến đi xa vậy, có lẽ mẹ con chị cũng nuôi chút hy vọng nào đó, sau bao bạc bẽo thì cũng có khi người ta nghĩ lại, thay thế lời xin lỗi với người từng đầu ấp tay gối bằng sự quan tâm tới đứa con bấy lâu không được yêu thương.

Nhưng qua cơn nguy kịch, ba bình thản ăn hết cà-mèn cháo chị đút. “Cháo nếp quê mình đó ba”, chị nói, và câu trả lời là một tiếng “ừ”. Cứ như việc khi ba đau ốm thì con cái vây quanh là đúng thôi. Ba thản nhiên mặc kệ nỗi lao xao lặng thầm của má con tôi và sự hụt hẫng của chị.

Sau một tuần, ba xuất viện, chị xin phép về với lý do việc nhà nông bận bịu. Ba không nói câu nào giữ chị lại. Má tôi gọi ông xe ôm quen chở chị ra bến xe. Bà hàng xóm thì thào: “Về rồi hả? Chắc tưởng bịnh nặng đi luôn nên tính chuyện thừa kế đó”.

Con rieng cua cha toi
Ảnh minh họa

*

Thời gian qua, dư âm sự có mặt của chị chìm dần vào quên lãng. Có lẽ tôi đã không nhớ lại nếu không vì tôi sắp đi bước nữa, anh ấy có một đứa con gái riêng tuổi mười ba và tôi cũng có một đứa con.

Chị hiện ra trong nỗi lo lắng mơ hồ của tôi về cuộc sống chung với hai đứa con riêng. Tôi mường tượng đi học về hai đứa rúc trong phòng đợi tới bữa cơm gọi ra thì mỗi đứa cúi gằm ăn cho xong phần mình. Tệ hơn nữa, là cãi cọ chê bai kiếm cớ gây gổ…

Tôi chợt nhớ tới chị, nhớ khi chị xách túi gạo nếp đi trên hành lang bệnh viện trắng toát và khuôn mặt chị đỏ bừng khi ba đáp lại cà-mèn cháo nếp bằng tiếng ừ cụt lủn, nhớ nhất lúc chị ngồi sau lưng ông xe ôm trở về quê. Khi đến, chị một mình tìm kiếm. Tìm kiếm ra, gặp gỡ rồi mà khi về, chị vẫn một mình. Hẳn trên chuyến xe đó nhiều lần chị lau nước mắt.

Nếu hồi đó tôi có hiểu biết như bây giờ, một cái nắm tay và một vòng ôm có lẽ cũng thỏa đôi chút niềm an ủi hay hơn vậy nữa, cho nỗi ước mong trao nhận ruột rà xoa dịu nỗi đau. 

Đã muộn chưa? Tôi dò hỏi số điện thoại của chị. Bao nhiêu lần bấm phím là bấy nhiêu lần ngón tay tôi ngập ngừng dừng lại. Chị bây giờ chắc đã đùm đề con cái, phụ nữ nông thôn thường là vậy. Bao lo toan cơm áo có lẽ đã vùi lấp chuyến đi nhận cha ê chề ngày nào. Tôi có nên xới lại không?

Mà chắc gì chị đã quên? Buồn tủi thường khó quên. Như tôi đây, khi buồn tôi hay nhớ những điều không nên nhớ. Biết đâu chị vẫn ghi trong tim căn phòng tôi để chị nằm một mình suốt tuần lễ chập chờn hy vọng.

Còn kịp không cho cuộc chuyện trò nhận ruột rà? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI