“Cõi thơ” ở Hoàng thành Thăng Long

30/01/2023 - 07:04

PNO - Sau 3 năm gián đoạn vì COVID-19, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 xuân Quý Mão sẽ diễn ra vào ngày 5/2 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thay vì ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều tỉnh thành khác cũng rục rịch tổ chức ngày thơ vào dịp rằm tháng Giêng.

Nâng quy mô, đổi thể thức 

Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, các sự kiện tôn vinh thơ sẽ diễn ra tại khu vực sân Đoan Môn, với các không gian thiết kế: cổng thơ, đường thơ, nhà ký ức, quán thơ, đàn thơ, đường sách… Đây sẽ là “cõi thơ” cho người thưởng lãm hòa mình vào thế giới của thi ca, cùng thưởng thức danh tác của các thi nhân Việt Nam, chiêm ngắm các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi; cùng với hoạt động giao lưu, đọc thơ và trò chuyện với sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ. 

Không gian Hoàng thành  Thăng Long sẽ rất ấn tượng  cho đêm thơ Nguyên tiêu - ẢNH: HOANGTHANHTHANGLONG.COM

Không gian Hoàng thành Thăng Long sẽ rất ấn tượng cho đêm thơ Nguyên tiêu - Ảnh: hoangthanhthanglong.com

Ngoài việc thay đổi địa điểm, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 còn thay đổi quy mô và cách thức dàn dựng. Đạo diễn Lê Quý Dương sẽ là tổng đạo diễn cho ngày thơ lần này. Ngày thơ dàn dựng mang tính lễ hội với âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp. Chương trình đêm thơ Nguyên tiêu được sân khấu hóa, trong đó đặc biệt có sự xuất hiện trở lại giọng đọc của các nhà thơ Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm… (từ tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam); các phần trình diễn, diễn xướng thơ của nhiều thế hệ; cùng với đó là phần biểu diễn các khúc phổ thơ nổi tiếng… Đạo diễn Lê Quý Dương nhận định, Hoàng thành Thăng Long là không gian ấn tượng, vừa có bề dày lịch sử vừa toát lên được tinh thần lãng mạn cũng như tôn vinh các giá trị của thi ca. 

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích lịch sử gắn với các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. “Một không gian chạm vào đâu cũng cảm giác có sự linh thiêng của một kinh thành cổ, mang ý nghĩa hội tụ linh khí quốc gia.

Một số tác phẩm thơ được trao giải thưởng, tặng thưởng trong năm qua
Một số tác phẩm thơ được trao giải thưởng, tặng thưởng trong năm qua

Chọn Hoàng thành Thăng Long để tổ chức Ngày thơ Việt Nam, trước hết có thể nói thơ đã được trân trọng, đã có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Mang thơ vào Hoàng thành, ngầm hiểu thơ được nâng tầm, lan tỏa không chỉ với giới văn chương mà thuộc về công chúng, thuộc về quốc gia” - nhà văn Hoài Hương chia sẻ cảm nhận. 

Với chủ đề Nhịp điệu mới, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 trao gửi thông điệp về sự chuyển mình, hòa nhịp trong tâm thế tươi mới, tràn đầy năng lượng và hy vọng sau thời gian dịch bệnh. Hội Nhà văn TPHCM cùng các hội nghề nghiệp ở nhiều tỉnh, thành cũng đang rục rịch chuẩn bị, tìm phương thức cũng như nguồn kinh phí đầu tư, tái tạo và làm mới Ngày thơ Việt Nam trong dịp tết Nguyên tiêu năm nay.

Tìm lại vị thế cho thơ 

Sự im vắng suốt 3 năm của Ngày thơ Việt Nam khiến cho những mùa Nguyên tiêu vắng đi sự rộn rã nô nức của những sân thơ, những cuộc giao lưu cũng như sự sôi động cùng dư âm để lại. Dù vậy, thơ vẫn không hề “mất mùa” trong suốt thời gian ấy. Ngược lại, trong khó khăn, thơ lại thể hiện được tính xung kích và trở thành ngọn lửa nhỏ chia sẻ, sưởi ấm lòng người. Không kể những sáng tác về đề tài COVID-19 (đã được trao các giải thưởng, in thành sách), thời gian qua, các tác phẩm thơ vẫn đều đặn xuất hiện và ngày càng khẳng định vị thế trên văn đàn. 

Mùa giải thưởng cuối năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh 4 tập thơ: Ngàn bài thơ khác (Trần Lê Khánh), Bóng của ý nghĩ (Nguyễn Bảo Chân), Đi tìm những bóng người (Vĩ Hạ) và Chín nhánh da vàng (Trần Đức Tín). Trong khi đó, giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và giải Mai Vàng 2022 được trao cho trường ca Những ngọn khói về trời của nhà thơ Bùi Phan Thảo. Hội Nhà văn TPHCM cũng trao các tặng thưởng cho các tập thơ: Phút bù giờ (Minh Đan), Tôi-em và một (Trần Trí Thông), Corona (trường ca của Xuân Trường) và Ngàn tiếng đời ấp ủ (Đinh Nho Tuấn). 

Trong năm qua, nhiều nhà thơ tên tuổi cũng cho ra mắt tác phẩm mới: Phan Ngọc Thường Đoan với Đất nước tôi màu xanh, Ngô Thị Hạnh với Lặng soi, Phạm Trung Tín với Đối diện chính mình, Hà Cao với Lũng đoạn đêm… So với văn xuôi, thơ luôn có phần “lép vế” trên phương diện truyền thông và lại chịu nhiều “thị phi” trên mạng xã hội. Nhưng những người yêu thơ chân chính vẫn gìn giữ thi hứng sáng tác, cần mẫn gieo thơ và không ít người gặt hái quả ngọt.

Tìm lại vị thế cho thơ cũng là một trong những trọng trách đặt lên vai ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Tôn vinh đúng giá trị, nâng tầm vóc cho thi ca và đặc biệt là góp phần lan tỏa thơ và những cảm xúc đẹp đến công chúng. 

Có ý kiến cho rằng, thơ lâu nay bị xem là “nhạt, ít tác phẩm hay” thì việc tinh lọc tác phẩm có chất lượng để gửi đến công chúng trong các sự kiện ngày thơ năm nay cũng là điều quan trọng. Sau thời gian im ắng, Ngày thơ Việt Nam trở lại hứa hẹn nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ giới văn chương lẫn công chúng. 

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI