Coi chừng sụp 'bẫy tư vấn' trên facebook!

21/05/2015 - 08:24

PNO - PN - Không trực tiếp quảng cáo sản phẩm mà tiếp cận niềm tin của khách hàng bằng những thông tin tư vấn là một trong những chiêu bán hàng trên facebook hiện nay, khiến khách hàng chủ động “lọt bẫy”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mất tiền, mua bức xúc

Lê Như Ngọc (Đồng Hới, Quảng Bình) bị sẹo lồi trên ngực và nhiều vết rạn da trên cơ thể. Dù đã đến bệnh viện chiếu tia laser nhưng những tổn thương không thuyên giảm. Thường xuyên sử dụng facebook, Ngọc tìm thấy một địa chỉ tư vấn miễn phí về da liễu, có tên "Bác sĩ da liễu", với hơn 100 ngàn lượt ưa thích.

Sau khi gửi ảnh sẹo và vết rạn cho các “chuyên gia”, cô được tư vấn sử dụng thuốc trị rạn có giá hơn 1,8 triệu đồng/tuýp và thuốc trị sẹo có giá 1,3 triệu đồng/tuýp. “Chuyên gia” cũng cam kết, thuốc có thể chữa trị được tất cả các vết sẹo trên cơ thể. Đặc biệt, sau ba tháng điều trị, nếu không mang lại hiệu quả thì sẽ hoàn tiền 100%.

“Mình bôi kem theo đúng hướng dẫn, tuy nhiên sau ba tháng, vết sẹo và rạn không hề cải thiện chút nào. Nhóm tư vấn lại khuyên mình tiếp tục sử dụng thuốc tới bốn-năm tháng vì có thể cơ địa hấp thụ chậm, tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, kết quả vẫn y nguyên”, Ngọc bức xúc.

Ngọc cho biết thêm, trang tư vấn này giới thiệu là trung tâm được thành lập bởi các bác sĩ (BS) chuyên về da liễu của trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên, khi kết quả điều trị không như ý, cô lại nhận được câu trả lời là do “nhân viên tư vấn” không nắm rõ tình trạng nên đã hướng dẫn không đúng tỷ lệ điều trị. Như vậy, kê thuốc và bán sản phẩm cho Ngọc không phải BS hay dược sĩ có chuyên môn như trung tâm này đã giới thiệu?

Theo Ngọc, khi cô yêu cầu trả lại tiền theo đúng cam kết, trung tâm thẳng thừng từ chối: “Nhân viên này hơi ẩu khi tư vấn như vậy, vì đây là dòng thuốc đặc trị không phải mỹ phẩm như ngoài thị trường mà phải cam kết hoàn tiền”. Sau đó, Ngọc tiếp tục hỏi cách giải quyết của trung tâm nhưng chỉ nhận được… sự im lặng.

Hoàng Kim Yến (Đà Nẵng) cũng mua một lọ kem trị rạn da trị giá 1,6 triệu đồng nhưng hoàn toàn không có hiệu quả như quảng cáo. “Khi tôi mua thuốc, nhân viên tư vấn rất nhiệt tình nhưng khi có vấn đề thì họ trở mặt. Bây giờ các vết rạn da của tôi vẫn thấy rõ ràng như không dùng thuốc, ai sẽ chịu trách nhiệm?”, Yến than phiền.

Coi chung sup 'bay tu van' tren facebook!

Ảnh minh hoạ: Internet

Lập lờ để quảng bá và bán sản phẩm

Khảo sát các trang Bác sĩ da liễu hay Bác sĩ chuyên khoa da liễu trên facebook mà khách hàng đã phản ảnh, chúng tôi nhận thấy dù giới thiệu là trang do các BS da liễu tốt nghiệp từ trường ĐH Y Dược TP.HCM thành lập, với sứ mệnh tư vấn kiến thức da liễu thẩm mỹ theo tiêu chuẩn y khoa, nhưng nội dung của các trang này lại chủ yếu quảng bá tính năng “thần kỳ” của các sản phẩm như thuốc trị rạn da; thuốc giúp dài, rậm mi, thuốc mọc tóc… cùng cách thức mua hàng, thanh toán. Mỗi sản phẩm đều có giá rất cao, từ một triệu đến gần hai triệu đồng.

Thậm chí trên hai trang này tuyệt nhiên không có thông tin về danh tính của bất kỳ BS da liễu nào cụ thể. Mọi nội dung tư vấn cũng chỉ xoay quanh giá và cách thức thanh toán khi mua sản phẩm.

Sau khi nhắn tin hỏi về tình trạng da bị mụn trên mặt và rạn ở vùng bụng vào mục inbox của trang Bác sĩ da liễu trên facebook khoảng 10 phút, chúng tôi nhanh chóng nhận được hồi âm của một người tự xưng là BS của trường ĐH Y Dược, tên Mai Ly. Cô này chủ yếu hỏi về tình trạng da của tôi, sau đó gửi một loạt các ảnh trước và sau điều trị mụn, rạn da như để quảng bá về hiệu quả điều trị của các loại sản phẩm đang bán. Theo cô, nếu chỉ là điều trị rạn da thì chỉ cần gửi ảnh chụp rồi mua dòng thuốc đặc trị rạn da y khoa Stratamark mà trung tâm bán để dùng là đủ. Nếu để chữa mụn thì cần đến tận nơi để BS khám và lên liệu trình điều trị.

Theo hướng dẫn, tôi đến địa chỉ 343/5F Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM gặp “bác sĩ” Mai Ly. Đây là địa chỉ của Phòng khám chuyên khoa da liễu 2 Skin. Một nhân viên tư vấn ở đây tiếp đón, ghi nhận thông tin khách hàng và đưa tôi gặp BS khám da, nhưng không phải BS Mai Ly mà là một người tên Thu. Theo thông tin từ nhân viên tư vấn, Mai Ly là… nhân viên chăm sóc khách hàng chứ không phải BS. Như vậy, những trung tâm này đã có sự lập lờ trong chiêu thức quảng bá để bán hàng. Họ bố trí một đội ngũ chăm sóc khách hàng túc trực trên fanpage với danh nghĩa là BS nhằm đánh vào lòng tin khách hàng để bán sản phẩm. Đồng thời, qua đây họ cũng “săn” được các khách hàng tiềm năng cho dịch vụ chăm sóc và điều trị da.

PGS-TS-BS Lê Ngọc Diệp, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: “Tình trạng rạn da cũng tương tự như những vết sẹo sâu, nguyên nhân do da bị đứt gãy các sợi collagen. Do vậy, không sản phẩm nào có thể làm mất đi được vết rạn, đặc biệt với những vết rạn lâu năm thì lại càng không thể. Sản phẩm trị rạn da chỉ mang tính phòng ngừa, làm giảm bớt những khó chịu trên bề mặt da cho phụ nữ mang thai là chính chứ cũng không thể ngăn được tình trạng rạn da. Sau khi sinh, da đã có cơ chế tự phục hồi, các vết rạn thu nhỏ dần và mờ đi. Vì vậy, nếu thoa ở thời điểm này nhiều chị em sẽ có cảm giác là thuốc/kem có tác dụng, thực chất thuốc chỉ hỗ trợ một phần, còn bản thân da của cơ thể đã tự phục hồi”.

Thực tế, không ít khách hàng đã phản ảnh trên trang Bác sĩ da liễu rằng “Mua một tuýp trị sẹo và một tuýp trị rạn dùng được bốn tháng rồi không có chút cải thiện gì. Mình còn dùng cho cả vết rạn mới toanh mà cũng chẳng có tác dụng gì hết”; hoặc “Mình đã sử dụng Stratamark được bốn tháng mà chẳng thấy đỡ chút nào. Các vùng da bị rạn vẫn vậy”…

Cảnh giác PR núp bóng tư vấn

Điều tra mới nhất của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) vào đầu năm 2015 cho thấy, có tới 79,03% người tiêu dùng hiện nay có thói quen dựa vào mạng xã hội và diễn đàn để lựa chọn sản phẩm. Bán hàng trên facebook không còn là chuyện mới. Nhưng thời gian gần đây, nhiều tài khoản facebook không công khai bán hàng mà núp bóng những hình thức tư vấn khiến người mua hàng dễ bị “vào tròng”.

“Khi thấy lượng “like” lớn, người mua hàng như mình thường cho rằng, đây là địa chỉ uy tín nên được quan tâm. Mặt khác, tên của nhóm và các bài viết trên nhóm không tập trung vào vấn đề bán hàng mà có rất nhiều những thông tin, tư vấn bổ ích. Ban đầu mình tham gia chỉ là để đọc các bài viết chăm sóc da. Sau đó, nghe họ tư vấn hay, rất chắc chắn nên mình mới tin và mua sản phẩm”, Hoàng Kim Yến phân tích về những chiêu bán hàng “tinh vi” trên facebook.

Rất nhiều trang bán hàng đều áp dụng cách thức trên để tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt với các nhóm sản phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em. Chị Khánh Ly (Thanh Hóa) ngạc nhiên khi một hội nhóm dành cho các bà mẹ nuôi con, vốn dĩ là nơi chia sẻ thông tin, không mang tính kinh doanh lại được “admin” cất công “tài trợ” - quảng cáo tới người dùng trên facebook.

Đặc biệt, hội nhóm này có “các mẹ” tư vấn - không nói rõ là BS hay không nhưng có thể trả lời “tuốt tuột” về các vấn đề ho cảm, sổ mũi, tiêu chảy, táo bón, nôn trớ, biếng ăn… Các “bà mẹ thông thái" này thường xuyên tư vấn trẻ sử dụng một loại sản phẩm để chữa còi xương, tiêu hóa kém - với những lời ca tụng như “thần dược”. Và tránh sự “soi xét” của người tham gia, gần đây, nhóm này công khai công bố quảng cáo cho sản phẩm này nhưng khẳng định không bán, mà chỉ để lại… số điện thoại của nhà phân phối (!?).

BS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, sai lầm lớn của các bà mẹ nuôi con nhỏ hiện nay là thường xuyên bổ sung vitamin D3 và thực phẩm chức năng vì lo con còi xương, chậm lớn. Những biểu hiện như trẻ quấy khóc, rụng tóc hay tăng cân chậm có rất nhiều nguyên nhân, không chỉ là còi xương. Việc các bà mẹ tự tiện bổ sung thuốc cho con không khác gì mang con làm… thí nghiệm. Mọi biểu hiện bất thường của trẻ đều phải được các BS thăm khám, kê đơn”, BS Dũng phân tích.

BS Dũng cũng khuyên các bà mẹ phải “tỉnh táo” bởi không phải sản phẩm nào khi uống vào cũng thấy ngay những tác hại, khiến trẻ phải nhập viện, cấp cứu. Có những tác động chưa nhận thấy bằng mắt thường và ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài của trẻ.

 H.ANH - A.HÀ 

Dù giới thiệu là trang do các BS da liễu tốt nghiệp từ Trường ĐH Y dược TP.HCM thành lập, với sứ mệnh tư vấn kiến thức da liễu thẩm mỹ theo tiêu chuẩn y khoa, nhưng nội dung của các trang này lại chủ yếu quảng bá tính năng “thần kỳ” của các sản phẩm như thuốc trị rạn da; thuốc giúp dài, rậm mi, thuốc mọc tóc… cùng cách thức mua hàng, thanh toán.

Bán hàng trên facebook:  Không ai quản!

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Văn phòng luật sư Nguyễn Yến (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện nay việc kinh doanh trên mạng xã hội vẫn không bị đánh thuế, tức nhà nước chưa “quản” hành vi này.

Bán hàng trên mạng xã hội là hoạt động thương mại điện tử song lại nằm ngoài phạm vi quản lý của Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), chỉ những mạng xã hội được đăng ký thành lập, hoạt động ở Việt Nam mới thuộc đối tượng quản lý của Nghị định 52/2013 của Chính phủ và Thông tư 47 về thương mại điện tử.

Với những mạng xã hội ở nước ngoài, Cục chỉ quản lý với các tổ chức có văn phòng đại diện tại Việt Nam, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn. Mạng xã hội facebook hiện nay chưa có đại diện ở Việt Nam và có đuôi miền.com nên… nằm ngoài sự quản lý của Cục.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI