Có phải cứ phụ gia thực phẩm là xấu?

09/08/2021 - 08:42

PNO - Có khá nhiều người tiêu dùng khi nghe đến cụm từ “phụ gia thực phẩm”, thường sẽ nghĩ ngay đến những hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có cái nhìn không mấy tích cực về các thành phần này. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ gia đều có hại, thậm chí nếu được sử dụng đúng cách, chúng có thể phát huy nhiều lợi ích của các món ăn và thực phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày.

Phụ gia thực phẩm là gì? 

Phụ gia thực phẩm là các thành phần được cho vào thực phẩm với mục đích đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến (tạo màu, tạo hương vị…), vận chuyển, đóng gói, bảo quản, tăng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. 


Gần gũi nhất chính là các loại gia vị cơ bản, quen thuộc trong căn bếp của chúng ta, như muối, đường, giấm, bột ngọt… cũng được gọi là phụ gia thực phẩm. Cũng như từ xa xưa, người ta đã sử dụng các gia vị vào mục đích giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Ví dụ: muối đã được sử dụng để ướp cá, thịt khi phơi khô, xông khói hay giấm dùng để lên men chua các loại rau củ.

Kế đến, là các chất phụ gia tạo màu có nguồn gốc từ thiên nhiên như màu nghệ, màu lá dứa, màu lá cẩm… Hoặc các loại enzyme dùng để sản xuất sữa chua cũng là phụ gia được tổng hợp từ vi sinh vật. Đôi khi còn là các vitamin được thêm vào thực phẩm để tăng bổ dưỡng. 

Với sự phát triển vượt bậc về công nghiệp và nông nghiệp qua từng thế kỷ, sản lượng thực phẩm ngày càng tăng, thậm chí vượt nhu cầu sử dụng, đòi hỏi phải có thêm các phương pháp xử lý, chế biến, bảo quản để có thể kéo dài thời gian sử dụng, thậm chí còn phải đáp ứng về an toàn vệ sinh… Do vậy đã có sự xuất hiện của các phụ gia thực phẩm được nghiên cứu và cải tiến đa dạng, phong phú hơn từ nguồn gốc tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học. 

Phụ gia thực phẩm có phải vấn đề đáng lo lắng?

Chúng ta cần hiểu rõ, để được phép sử dụng trong thực phẩm, các chất phụ gia phải được nghiên cứu sâu, rộng và chứng minh về tính an toàn. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (Codex Alimentarius Commission - CAC) đã có quy định Danh mục phụ gia thực phẩm, được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. 

Bên cạnh đó, tại từng quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước cũng kiểm soát chặt chẽ chất phụ gia dựa trên các quy định của mình. Cụ thể, ở Việt Nam có “Quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” kèm theo Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. 

Theo các chuyên gia, nếu các chất phụ gia được sử dụng đúng quy định về loại phụ gia, giới hạn hàm lượng an toàn thì cơ thể sẽ tự động đào thải các chất này ra ngoài mà không gây nên các biến đổi bất thường hay ung thư. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe bản thân. 

Tuy nhiên, vẫn có một số người có cơ địa đặc biệt, phản ứng quá nhạy cảm với một hoặc một số chất phụ gia ngay cả khi nó được sử dụng ở mức an toàn. Vì vậy, cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân và đọc kỹ thành phần trên bao bì thực phẩm để cân nhắc trước khi sử dụng. 

Giải thích thêm về sự lo lắng của người tiêu dùng về phụ gia thực phẩm có thể dẫn đến ung thư, các chuyên gia cho biết, chất “có thể sinh ung thư” khác xa chất “gây ung thư” (như khói thuốc lá, chất thải công nghiệp, khói xăng dầu, tia tử ngoại…) nhưng nhiều người vẫn thường lầm tưởng là một.

Chất có thể sinh ung thư chỉ biến thành chất độc, tạo điều kiện để tế bào bình thường biến thành tế bào ung thư khi có điều kiện thuận lợi của rất nhiều yếu tố khác nhau như hàm lượng “chất có thể sinh ung thư” cao vượt mức cho phép, sức đề kháng yếu, khả năng đào thải độc tố của gan và thận kém, lối sống phản khoa học. 

Thay vì lo lắng trước những tin đồn thiếu căn cứ về thực phẩm này, thực phẩm kia gây ung thư, người tiêu dùng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn uống đủ chất, chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện đều đặn, hợp lý mỗi ngày cùng tinh thần lạc quan. Đó mới chính là cách bảo vệ sức khỏe, tránh xa các nguy cơ bệnh tật trong đó có ung thư. 

Khánh My

 

 

Nguồn: ACV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI