Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: Tôi nhẫn nại cải huấn nhà chồng, kết quả là ai cũng vui

17/08/2022 - 15:01

PNO - Tôi lên tiếng, không phải để chống đối, chỉ mong mọi người thấu hiểu hơn về đám giỗ: là ngày để nhớ nhau.

 

Những mâm cỗ tốn nhiều thời gian (Ảnh internet)
Những mâm cỗ tốn nhiều thời gian, công sức (Ảnh minh họa)

Tôi lớn lên với hình ảnh các bác của mình đánh nhau vang xóm sau khi đã ngà ngà say trong những đám giỗ. Những trận chiến ấy chỉ kết thúc khi công an xuất hiện và nó nhàm chán đến mức hàng xóm chẳng buồn xem nữa.

Mười mấy tuổi, tôi đã hỏi mọi người, sao đàn ông cứ ngồi ở nhà trên, nói với nhau chuyện chính sự, chuyện Âu, chuyện Mỹ, luôn miệng thúc giục đàn bà và mặc đàn bà khẩn trương nấu nướng với không khí vô cùng căng thẳng.

Những người đàn ông ăn trên ngồi trước đó, có người chẳng làm ra được đồng bạc nào để nuôi sống chính mình. Những người đàn bà tất bật trong gian bếp chật chội đó, có người là hiệu trưởng của một trường cấp III lớn nhất huyện.

Bao nhiêu năm sau, các đám giỗ ngày ấy vẫn theo đúng tháng đúng ngày, khác chăng các bác đã già yếu nên không còn đủ sức để cãi nhau.

Cô hiệu trưởng - thím tôi - vẫn miệt mài với những cái đám giỗ nhà chồng như một phần không thể tách rời của cuộc sống của thím, dù tay chân đã run.

Tôi chưa khi nào có ý không tôn trọng quá khứ, tổ tiên, tôi cũng luôn thấy các đám giỗ đã làm tròn việc gánh vác lịch sử dòng họ. Nhưng, chúng ta có thể làm khác đi được mà.

Như thím tôi, cô hiệu trưởng oai phong, cứ đến gần đám giỗ là phải đi vay tiền cho 20 mâm cỗ đầy đủ các món, phải chuẩn bị chả nem, bánh ít, bánh tét từ trước hai ba ngày. Tiền bạc, sức lực nào chịu cho thấu.

Tôi nhớ lần đầu nói với thím: "Năm nay mình có thể không làm đám giỗ được không?". Mặt thím biến sắc, dù chú tôi đã mất cách đó 10 năm.

"Thím mong chờ gì ở các đám giỗ nhà chồng?", tôi hỏi nhỏ. Thím nghe mà rưng rưng nước mắt, khóc cho bao nhiêu năm cố gắng gồng gánh cái điều chính thím cũng không biết để làm gì.

Tôi hiểu, thím chu toàn mọi thứ cho đúng lễ nghĩa gia phong, nhưng thím quên mất một điều, niềm vui của mình, sự thoải mái của mình mới quan trọng nhất. Sao lại phải tất tả sớm hôm cực nhọc để trọn vẹn một tiếng khen của mọi người, còn mình thì cứ chẳng dám ngước lên nhìn đời.

Và thím tôi từ từ thay đổi. Bây giờ bà chỉ chuẩn bị một mâm cúng cơm nhỏ gọn, ít trái cây. Sau đó ngồi ăn cơm cùng con cháu, nhắc những câu chuyện kỷ niệm về người đã khuất.

Một mâm cơm đơn giản nhớ người đã khuất, tại không không? (Ảnh internet)
Một mâm cơm đơn giản nhớ người đã khuất, tại sao không? (Ảnh minh họa)

Đám giỗ, thực ra có nhiều điều hay, hay nhất chính là ý nghĩa của việc sum vầy. Nhưng muốn sum vầy, phải là sự phối hợp của nhiều thứ, tiền bạc, thời gian, con người.

Sum vầy chỉ đúng nghĩa khi mỗi năm có một ngày, và được sự chung sức của nhiều người, chứ không phải dồn hết cho một người tổ chức.

Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi cương quyết giản lược trong việc tổ chức đám giỗ, để mẹ chồng và các chị dâu được khỏe khoắn, vui vẻ.

Nhà chồng tôi chỉ nấu một bữa cơm ngon hơn ngày thường, mua ít hoa và trái cây, xông ít trầm, các anh chị em sẽ có mặt đông đủ sau giờ làm. Chúng tôi có bữa cơm vui vẻ. Không còn cảnh chị em dâu phải vất vả nấu nướng.

Những năm đầu mọi người còn ngại, khi những người họ hàng tự nhớ ngày giỗ mà đến, nhưng sau vài năm không còn ai đến nhà chồng tôi để dự nữa. Thế thôi, mà bao nhiêu năm đến là khổ!

Thực sự bao nhiêu chi phí cho một mâm cỗ thế này(Ảnh internet)
Thực sự bao nhiêu chi phí cho một mâm cỗ thế này (Ảnh minh họa)

Để mọi người hiểu rằng, sự thành kính nhớ thương người đã khuất, không nằm trong việc tổ chức đám giỗ thật to, thực ra là một hành trình khó khăn. Qua bao nhiêu thế hệ, khi mọi thứ đã thuộc về tiềm thức, không phải ai cũng đủ can đảm thay đổi.

Nhưng chẳng có gì là không thể. Tôi đã tốn vài tháng để nói chuyện với người thím, mỗi ngày một câu hỏi, để bà từ từ tin rằng mình có thể thay đổi việc này.  

Tôi cũng đã bắt đầu công cuộc... dạy chồng, từng chút một, để cho anh ấy thấy sự vô lý của đám giỗ linh đình. Tôi kể cho chồng nghe chuyện hàng xóm. Lúc mẹ anh nhà bên còn sống, anh để bà già 68 tuổi lọ mọ bán buôn, tự đi kiếm cơm. Anh từng hất mâm cơm khi người mẹ làm đổ thức ăn. Rồi khi bà mất, anh làm một cái đám ma thật lớn, bài diễn văn thật dài và những cái đám giỗ mà khách khứa ngồi choán hết con hẻm... 

Từng ngày, tôi vẫn lên tiếng, không phải để chống đối, chỉ mong mọi người thấu hiểu hơn về đám giỗ: là ngày để nhớ nhau.

Ái Nhân

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI