Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: Mỗi năm mẹ tôi "gánh" 15 đám giỗ chạp

15/08/2022 - 19:00

PNO - Ba tôi là cháu đích tôn, lại vai trưởng họ, nên mọi lễ nghi giỗ quẩy ông bà, chạp họ... đều thuộc "phần" ba. Ba mất, mẹ tôi "gánh" một mình.

 

Có lần anh Cả tôi ngồi nhẩm tính, đếm ra được mỗi năm nhà tôi có hết thảy 15 tiệc giỗ chạp. Nào là ông nội, bà nội, ông cố, bà cố, chú Ba (mất khi còn trẻ), ông Hai (em trai của ông nội); chạp họ; cúng họ đầu năm, cuối năm cầu mưa thuận gió hòa và tổng kết, phân chia trách nhiệm trong năm mới... 

Hầu như tháng nào nhà tôi cũng có 1 tiệc cúng giỗ. Có tiệc, họ hàng quy tụ lên đến trăm người. Hồi còn bé, với tôi đó là ngày hội, vui hơn cả tết vì đám con nít trong họ tụ tập, chạy nhảy lăng xăng. Lớn lên mới biết, mỗi bận giỗ chạp ba mẹ tôi lại oằn lưng thêm thế nào.

Tôi còn nhớ, tháng lương đầu tiên anh Cả mang về đưa cho ba mẹ, ngay trước ngày giỗ ông nội. Anh đưa bằng 2 tay và nói: "Con góp chút xíu tấm lòng, để ba mẹ làm giỗ ông".

Anh em chúng tôi khi lớn lên và đi làm, tự lập chi tiêu, mới hiểu được cảnh mỗi tháng ba đem sổ ra, cộng cộng trừ trừ rồi kẹp vào đó một số tiền, là tiền để tháng sau làm giỗ.

Không ít lần ba mẹ ngồi tính tính toán toán rồi thở dài thườn thượt. Có năm lúa mất mùa, biển động, cá không có mà lúa cũng không thu được, ba mẹ đành "giỗ gộp", "giỗ kiếu" - là gộp 2 đám giỗ gần nhau lại 1 lần, hoặc chỉ cúng trái cây, chè... thay vì tiệc mặn.

Nhưng, ngoài sự áy náy trong lòng vì không chu toàn được "cái ăn cái lễ" cho ông bà tổ tiên, ba mẹ còn hứng chịu tiếng ra lời vào của họ hàng, rằng ba mẹ... bỏ đói ông bà.

Rồi ba tôi mất, bao nhiêu tiệc giỗ chạp mỗi năm, mẹ thay ba gánh vác. Những đứa con lần lượt lớn lên, đi làm xa, một mình mẹ ở nhà lui cui với ngần ấy lần tiệc. May là, ba tôi mất thì trọng trách trưởng họ cũng được chuyển giao cho người khác, và yêu cầu trách nhiệm của trưởng họ bây giờ cũng đã khác.

Người đàn bà gần 70 tuổi là mẹ tôi, cái gì có thể quên, nhưng những ngày giỗ ghi trên tờ giấy đã úa vàng thì không bao giờ quên. Bây giờ mẹ cũng giản lược nhiều, vì sức khỏe không còn như xưa để thực hiện đủ các lễ nghi. Chúng tôi đều cố gắng bảo nhau vào những ngày giỗ, nếu tranh thủ được thì về với mẹ cho vui, nhưng mỗi năm cũng chỉ được đôi ba lần. 

Dẫu vậy, mẹ vẫn không ít lần  lần mắng anh em tôi té tát vì cái tội không đứa nào nhớ nổi từng ngày giỗ trong năm, trừ ngày giỗ ba và chú. Mẹ nói các con không được "mất gốc". 

Sau này, khi vào Nam, tôi thấy nhiều gia đình đổi ngày giỗ sang ngày cuối tuần, để người tổ chức có thêm thời gian chuẩn bị mà con cháu cũng có thể đến dự với quỹ thời gian thong thả. Thế nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo, đám giỗ là sự tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà đã khuất, không phải là hoạt động để tiện cho người đang sống. 

Càng trưởng thành, càng đi xa chúng tôi càng có nhiều suy nghĩ khác thế hệ trước về cúng giỗ. Với tôi, vì ngày giỗ là ngày để con cháu nhớ về ông bà, cội nguồn, nên nó nên là dịp để thuận tiện nhất để con cháu có thể góp mặt, thắp nén nhang và ôn lại những câu chuyện cũ trong trạng thái vui vẻ nhất.

Nói một cách khác, nó là "lễ", nhưng không nên thiếu phần "hội", để con cháu ai cũng phấn khởi vì được quần tụ trong cảm giác ấm cúng, chứ không phải hình thức. Những mâm cỗ không tạo ra sự mệt mỏi vì nấu nấu nướng nướng mà đó là lúc anh em, mẹ con ngồi cùng nhau bày biện trong tiếng cười.

Người khuất thì cũng đã khuất, sự tưởng nhớ quan trọng nhất vẫn là trong lòng người. "Lễ" là thứ neo giữ mỗi người với cội nguồn, nhưng chỉ neo được, lưu truyền được khi không đi cùng gánh nặng. 

Hoàng Thi (Q. Bình Thạnh, TPHCM)

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI